Y Tý: Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Nằm ở khu Tây Bắc của tỉnh Lào Cai, tiếp giáp biên giới với Trung Quốc, Y Tý được khách du lịch ưu ái gọi tên “thiên đường hạ giới”, “thiên đường săn mây”, “vùng đất mù sương”, “vùng đất đại ngàn”, “xứ mưa”… Đô thị Du lịch Y Tý có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên về cảnh quan, khí hậu, động thực vật, tài nguyên đa dạng về văn hóa là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch và xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn.

Tiềm năng tài nguyên du lịch tự nhiên

Y Tý nằm trên vùng núi đá có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao tạo nên nhiều cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như: Những cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng với nhiều thảo dược quý hiếm, đỉnh Lảo Thẩn cao 2.860m được ví như “Nóc nhà Y Tý” với vẻ đẹp nguyên sơ, là thiên đường săn mây và khám phá, là một trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam; các thác nước hùng vĩ: Thác Xanh, Thác Thiên Sinh, Thác Lao Chải, Thác Hồng Ngài. Khí hậu của Y Tý quanh năm mát mẻ vào mùa đông, thường có hiện tượng băng tuyết, đặc biệt đôi khi có tuyết rơi. Điều kiện tự nhiên thuận lợi này giúp Y Tý trở thành điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng (sản phẩm trải nghiệm mùa hè; chăm sóc sức khỏe gắn với tri thức của đồng bào các dân tộc về sử dụng thảo dược..), du lịch sinh thái (sản phẩm: du lịch săn mây, du lịch trải nghiệm các mùa hoa đỗ quyên vào tháng 4, hoa đào tháng 1…) du lịch thể thao (du lịch leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn; du lịch trecking rừng già, khám phá các thác; trecking qua các bản làng...).

Tiềm năng tài nguyên du lịch văn hóa

Y Tý quyến rũ còn bởi cuộc sống bình yên của những bản làng người Hà Nhì, với những ngôi nhà trình tường bằng đất độc đáo. Hiện có 98% dân số của Y Tý là đồng bào dân tộc thiểu số với 3 dân tộc chính là Mông, Dao và Hà Nhì.  Giàu bản sắc dân tộc là đặc điểm nổi bật của Y Tý, thể hiện cả ở văn hoá vật thể và phi vật thể. Y Tý là nơi hội tụ của văn hóa dân tộc Hà Nhì đen với bản sắc văn hóa độc đáo của kiến trúc nhà ở và đời sống sinh hoạt đặc trưng, nổi bật là Lễ hội Khô Già Già (Lễ hội Cầu mùa) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014, Lễ Gạ Ma Do (Cúng rừng) và nhiều nghi lễ truyền thống được bảo tồn và phát huy. Thôn Lao Chải và Choản Thèn đã được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh gắn với du lịch cộng đồng, khám phá giá trị văn hóa đặc trưng của người Hà Nhì – một dân tộc thiểu số ít người của Việt Nam. Ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 2015.

Ruộng bậc thang Y Tý.

Có thể nói các giá trị tài nguyên du lịch văn hóa của Y Tý là lớn, có thể được khai thác, phát huy ở nhiều khía cạnh khác nhau. Bản sắc văn hóa của các dân tộc được thể hiện rõ nét trong đời sống hàng ngày, sinh hoạt văn hóa, các nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian và không gian làng bản đã tạo ra tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Với tiềm năng thuận lợi về tài nguyên du lịch văn hóa là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa (du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch tham quan bản làng, du lịch trải nghiệm danh thắng ruộng bậc thang…

Ngoài ra, Y Tý còn có lợi thế về vị trí địa lý khi có đường biên giới với Trung Quốc, lợi thế khi là một phân khu du lịch của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa được thủ tướng chính phủ công nhận. Có thể khai thác các tuyến du lịch kết nối các địa phương trong huyện, trong tỉnh và xuyên biên giới. 

Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Để phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có trong thời gian qua Y Tý đã đưa vào khai thác ba dòng sản phẩm du lịch chính: du lịch thể thao, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Về du lịch thể thao với định hướng sản phẩm “Bát Xát - thiên đường của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”, đã bắt đầu hình thành 4 tuyến trekking (hoạt động giải trí, dã ngoại ngoài trời bằng những chuyến đi bộ đường dài, leo núi, băng rừng) gồm: Tuyến du lịch dã ngoại dọc 2 bên suối từ Mò Phú Chải xuống Lao Chải (xã Y Tý); Tuyến du lịch dã ngoại Choản Thèn - thác Thiên Sinh (xã Y Tý); Tuyến du lịch dã ngoại Y Tý – đỉnh Cú Nhù San; Tuyến du lịch dã ngoại Y Tý - đỉnh Lảo Thẩn. Sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm “Chinh phục đỉnh cao” được xem là “đặc sản” của du lịch Bát Xát đã được tập trung xây dựng.  

Du lịch leo núi Lảo Thẩn.

Về du lịch sinh thái, đã hình thành tuyến trải nghiệm rừng già Y Tý, ngắm hoa đỗ Quyên. Về du lịch cộng đồng, hiện tại trên địa bàn Y Tý đã có 02 điểm đã được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Điểm du lịch cộng đồng thôn Lao Chải, xã Y Tý – Gắn với văn hoá dân tộc Hà Nhì và điểm du lịch thôn Choản Thèn, xã Y Tý, toàn xã có 30 cơ sở kinh doanh homestay và có đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Ngoài ra một số sự kiện du lịch được tổ chức như “Y Tý Đại ngàn”; “Giải chinh phục đỉnh Lảo Thẩn”, “Giải đua xe đạp địa hình “Đi giữa mùa hoa đỗ quyên”,… Sản phẩm du lịch của Y Tý đã bước đầu được hình thành, mỗi năm Y Tý thu hút khoảng 40 nghìn lượt khách đến tham quan. 

Năm 2020, Y Tý đã nhận được công bố quy hoạch từ UBND tỉnh Lào Cai trở thành khu đô thị du lịch, với mục tiêu phấn đấu phát triển, tạo dựng nên một vùng đất du lịch độc đáo nơi biên cương được nhiều du khách gần xa, ở cả trong và ngoài nước đều biết đến. Định hướng đến năm 2040, khu đô thị Y Tý nằm trong tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa; thuộc chương trình nâng cấp đô thị theo đề án "Phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030". Trước xu hướng phát triển vượt trội như vậy, để có thể đáp ứng và theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của thành phố Lào Cai, Y Tý đang được định hướng để trở thành trung tâm du lịch mới của tỉnh và tiến tới là Trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn bền vững toàn cầu./.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Hầu Thào – Nơi Sa Pa còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ nhất

Có một nơi được gọi là “nơi Sa Pa còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất”. Nơi những thửa ruộng bậc thang như kiệt tác ẩn hiện giữa mây trời, nơi những bản làng người Mông mộc mạc, chân tình, nơi bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông có “sức hút” rất lớn với du khách trong nước, quốc tế. Và...

Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc...

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.