Hầu Thào – Nơi Sa Pa còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ nhất

Có một nơi được gọi là “nơi Sa Pa còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất”. Nơi những thửa ruộng bậc thang như kiệt tác ẩn hiện giữa mây trời, nơi những bản làng người Mông mộc mạc, chân tình, nơi bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông có “sức hút” rất lớn với du khách trong nước, quốc tế. Và Hầu Thào là một nơi như thế.

Vẻ đẹp thôn Hầu Chư Ngài, xã Hầu Thào nằm ở độ cao hơn 1.700 m so với mực nước biển, cách trung tâm Sa Pa khoảng 7 km. 

Xã Hầu Thào là nơi sinh sống của người H’Mông thuộc thung lũng Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Từ thị trấn Sa Pa đi theo hướng Ý Linh Hồ - Lao Chải - Tả Van - Rừng Trúc - Sử Pán và Hầu Thào là điểm đến không thể bỏ qua với du khách yêu thích khám phá, chinh phục và trải nghiệm về một Sa Pa nguyên bản.

Săn mây là khoảnh khắc đáng mong chờ nhất tại Hầu Thào. Du khách yêu thích chụp ảnh, săn mây, đi phượt,… không thể bỏ qua Bản Hang Đá thuộc địa phận thôn Hầu Chư Ngài, xã Hầu Thào, Sa Pa. Bởi đây là địa điểm săn mây nổi tiếng.

Bản Hang Đá nằm tách biệt với các khu du lịch nổi tiếng Ý Hồ Linh, Cát Cát, Tả Van, Lao Chải. Chính nhờ sự tách biệt đó mà bản Hang Đá vẫn giữ được sự yên bình, nguyên sơ vốn có.

Bản Hang Đá – địa điểm săn mây lý tưởng của du khách.

Theo chân những người dân bản địa nơi đây, bạn sẽ chọn được vị trí săn mây đắc địa nhất để trải nghiệm cảm giác săn mây theo một cách rất nên thơ, độc lạ. Cảnh vật dần hiện ra trước mắt bạn vô cùng kỳ vĩ với núi non trùng điệp, biển mây bồng bềnh uốn lượn. Thi thoảng những cơn gió lướt qua, những làn mây trắng như những con sóng nhấp nhô hệt như vũ điệu của non ngàn. Đến đây, bao bộn bề của cuộc sống như tan biến theo làn mây trắng để bạn hoà mình với thiên nhiên, với khung cảnh thơ mộng và ảo diệu của nơi này.

Không chỉ hấp dẫn du khách trong nước, Hầu Thào còn là điểm đến được rất nhiều du khách quốc tế lựa chọn. Hơn 30 năm dẫn khách “Tây” đi tua bản làng, bà Lý Thị Dâu, người dân tộc Mông năm nay đã ngoài 60 tuổi chia sẻ: Khách “Tây” thích nhất là đi bản. Họ muốn tìm hiểu xem người Mông mình sống và lao động như thế nào. Họ thích được trải nghiệm những công việc thường ngày của người Mông. Nắm bắt được thị hiếu đó, người Mông nơi đây đã có thêm nghề dẫn khách “Tây” đi tua khám phá bản làng.

Bà Lý Thị Dâu (ở giữa), dân tộc Mông đã có kinh nghiệm hơn 30 năm làm hướng dẫn viên bản địa cho du khách quốc tế tại Hầu Thào.

Sa Pa có 8 tộc người sinh sống, trong đó phổ biến và chiếm đa số là người Mông. Trước đây, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp. Hiện nay, ngoài nghề nông và các nghề thủ công truyền thống, nhiều đồng bào Mông đã tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch và các ngành nghề liên quan.

Câu chuyện về người Mông nói tiếng Anh như gió rất phổ biến tại Hầu Thào. Bà Lý Thị Dâu là một điển hình. Năm 30 tuổi, bà Dâu bắt đầu tự học tiếng Anh qua giao tiếp với khách “Tây” trong những ngày lên thị trấn Sa Pa bán hàng thổ cẩm. Đến nay, bà có thể nói được 2 thứ tiếng, tiếng Anh và tiếng Pháp. Là người phụ nữ Mông chăm chỉ, chịu khó, cùng với cách nói chuyện chân tình, dễ gần mà các du khách quốc tế đến Sa Pa thường hay đặt lịch thuê bà đi “tua” bản làng.

Hơn 60 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Ngày có khách du lịch thuê, mỗi ngày bà Dâu thường đi bộ 20-30 cây số dẫn khách “Tây” đi thăm các bản của Hầu Thào và những vùng lân cận. Gia đình bà Lý Thị Dâu bao gồm con trai, con dâu, cháu ngoại giờ đều làm du lịch cộng đồng. Ở Hầu Thào, người Mông tham gia dẫn “tua” du lịch bản làng ngày càng nhiều. Bởi ngoài làm ruộng và nghề thủ công truyền thống, du lịch đã và đang mang lại nguồn thu nhập tuyệt vời cho người Mông nơi đây.

Không ai nắm rõ địa bàn như người Mông, không ai hiểu rõ về văn hóa nơi đây hơn họ. Người Mông dẫn tour bản làng và họ đang làm “đại sứ du lịch” tuyệt vời nhất để quảng bá hình ảnh Sa Pa, Lào Cai ra thế giới theo cách rất mộc mạc mà hiệu quả. Họ là một trong những lý do chủ yếu để thu hút du khách đến đây./. 

Thu Hiền

Tin Liên Quan

Lên Cốc Ly xem du khách nước ngoài dạo chơi chợ phiên

Gần đây, du khách ngoại quốc đến chơi chợ phiên Cốc Ly ngày càng nhiều. Mỗi phiên chợ đón hàng trăm du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Đầu tư phát triển du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh là xu hướng phổ biến hiện nay. Nhu cầu du lịch tâm linh của người dân Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc...

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.