Ðưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Đến hẹn lại lên, ngày 17/7 âm lịch, huyện Bảo Yên sẽ tổ chức Lễ hội đền Bảo Hà - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay, Lễ hội đền Bảo Hà tiếp tục được tổ chức với quy mô cấp huyện, tuy nhiên có nhiều nét mới, nhằm đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với mảnh đất hai dòng sông. Chúng tôi đã phỏng vấn bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội đền Bảo Hà năm 2017 về công tác chuẩn bị cho lễ hội năm nay.
Lễ rước kiệu tại Lễ hội đền Bảo Hà năm 2016.                    Ảnh: Ngọc Bằng

Phóng viên: Năm nay, việc tổ chức Lễ hội đền Bảo Hà sẽ có những thuận lợi gì, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng: Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của UBND tỉnh, các công trình phụ trợ đền Bảo Hà ngày càng được đầu tư mở rộng. Di tích đền Bảo Hà đã được huyện Bảo Yên quy hoạch thành quần thể di tích với quy mô 32 ha, tổng mức đầu tư hơn 95 tỷ đồng; gồm 18 hạng mục công trình, như bãi đỗ xe rộng 21.000 m2, sức chứa trên 1.000 xe; các tuyến đường nội khu di tích; sân lễ hội lát đá xẻ, với diện tích 2.015 m2; sân hành lễ rộng 3.900 m2 lát đá xẻ; kè bảo vệ đền; ki ốt bán hàng; nhà sắp lễ; nhà đón tiếp; nhà làm việc của Ban Quản lý đền; Am thượng sơn; nhà hóa vàng mã; nhà máy nước; ao sen; miếu Linh Sơn; đền Trình; nhà bảo vệ…

Trong đó, 8 hạng mục đã và đang thi công, gồm bãi đỗ xe (đã thi công được một phần); sân hành lễ lát đá xẻ; ki ốt bán hàng; nhà hóa vàng mã; nhà máy nước; nhà vệ sinh công cộng; tuyến đường T1, T2; nhà vệ sinh. Các hạng mục còn lại sẽ triển khai thi công ở giai đoạn 2.

Phóng viên: Vậy, những nét mới của Lễ hội đền Bảo Hà năm nay là gì, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng: Năm 2017, Lễ hội đền Bảo Hà được tổ chức quy mô cấp huyện nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và chiêm bái của nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương; đồng thời, đây là nội dung quan trọng trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc. Vì vậy, công tác tổ chức Lễ hội đền Bảo Hà  năm 2017 có nhiều đổi mới, nội dung và hoạt động phong phú, thiết thực, phù hợp với truyền thống và sự phát triển của xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác rà soát, chỉnh trang, sửa chữa, bổ sung các hiện vật và hạng mục tại di tích phục vụ lễ hội được quan tâm; công tác quảng bá, thu hút du khách thập phương đến với Lễ hội đền Bảo Hà năm 2017 được đẩy mạnh.

Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ tổ chức Lễ cầu an vào đêm 15/7 âm lịch, bút tháp về cõi vĩnh hằng khao quân, thả đèn hoa đăng, tán đàn cho những vị tướng sỹ yêu nước, anh hùng liệt sỹ.

Phóng viên: Được biết, thời gian qua, huyện Bảo Yên đã quan tâm đến công tác sưu tầm, phục dựng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội đền Bảo Hà, điều này sẽ được thể hiện tại lễ hội năm nay, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng: Lễ hội đền Bảo Hà trong những năm qua đã được sưu tầm, phục dựng và nâng tầm thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, nhằm khơi dậy lòng tự hào, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền, quảng bá tới du khách thập phương về tiềm năng, thế mạnh của huyện Bảo Yên nhằm thu hút khách du lịch. Lễ hội năm nay được phục dựng, dàn dựng màn sử thi, tái hiện lại nội dung “Tướng Hoàng Bảy trấn ải miền biên cương”, giới thiệu công lao to lớn của quan Hoàng Bảy - người được sắc phong là “Thần Vệ Quốc”.

Phóng viên: Xin bà cho biết công tác chuẩn bị cho Lễ hội đền Bảo Hà năm nay, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh - trật tự tại lễ hội?

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng: Do Lễ hội đền Bảo Hà năm 2017 được tổ chức với quy mô cấp huyện, nên trước, trong và sau thời gian diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội (ngày 17/7 năm Đinh Dậu) dự kiến lượng du khách từ các nơi đến tham quan, du lịch tâm linh tại đền Bảo Hà sẽ rất đông. Hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Đặc biệt, đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại lễ hội, UBND huyện Bảo Yên đã giao cho Công an huyện xây dựng kế hoạch, phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực an ninh trật tự; tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông; an toàn phòng, chống cháy nổ tại khu vực tổ chức lễ hội; đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng, tài sản cho nhân dân, du khách và các đại biểu tham dự lễ hội.

Phóng viên: Lễ hội đền Bảo Hà đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vậy, huyện Bảo Yên sẽ làm gì để quảng bá và biến di sản này thành tài sản, phục vụ phát triển du lịch của địa phương?

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng: Lễ hội đền Bảo Hà năm 2017 được các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên duy trì gìn giữ và phát huy. Để biến di sản này thành tài sản, phục vụ phát triển du lịch của địa phương, công tác tuyên truyền, quảng bá được đặc biệt chú trọng quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương, trên trang du lịch huyện Bảo Yên, Cổng thông tin điện tử huyện, Đài TT - TH huyện, treo băng zôn, khẩu hiệu... nhằm giới thiệu giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội; tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng quần thể di tích đền Bảo Hà; kết nối tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng, qua đó thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái ngày càng nhiều hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Lê Thanh Cường

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...