Thợ mỏ làm theo lời Bác

“Trên vùng đất mỏ này, việc học tập và làm theo lời Bác đã trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, anh chị em công nhân từ các khai trường đến các nhà máy, xí nghiệp và có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ. Lời Bác dạy năm xưa chính là động lực to lớn, thôi thúc mỗi cán bộ, công nhân thêm hăng say lao động, cống hiến sức mình xây dựng quê hương…” - Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam chia sẻ với chúng tôi.

Về thăm mỏ Apatít vào những ngày tháng 9, trời thu xanh mát và ánh nắng trải vàng trên những công trường. Đường vào khai trường rộng thênh thang, những chuyến ôtô nối nhau đưa quặng từ khai trường về nhà máy, nhìn như đàn kiến khổng lồ. Cũng trên tuyến đường này, cách đây gần 56 năm in dấu chân Bác về thăm khai trường Mỏ Cóc, trò chuyện với cán bộ, công nhân mỏ và nhân dân địa phương. Bác khen chị em phụ nữ đã xây dựng tuyến đường lên tầng khai thác và để ghi nhận thành tích của chị em, Bác đặt tên cho tuyến đường là đường Phụ nữ. Hôm đó, Bác đã trò chuyện và vô tư khoác vai cụ Trần Văn Nỏ, dân tộc Tày, người đầu tiên có công tìm ra quặng Apatít với một tình cảm nồng ấm, thân thương, như ôm cả các dân tộc Lào Cai vào lòng. Một năm sau, trong thư gửi cán bộ, công nhân mỏ Apatít Lào Cai, Bác viết: “Bác vui lòng khen các cô, các chú đã làm đúng lời hứa, đã thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch 10%. Mong các cô, các chú tiếp tục cố gắng hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay…”.
 


Dây chuyền tuyển nổi quặng apatít của Nhà máy Tuyển Cam Đường.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Bác Hồ lên thăm mỏ Apatít. Hôm nay, được đi trên tuyến đường Phụ nữ do Bác đặt tên để vào khai trường mỏ trong tôi trào dâng một cảm xúc khó diễn tả. Trên Khai trường 10 của Chi nhánh Khai thác II, điểm cao nhất vùng mỏ Cam Đường, không khí lao động diễn ra khẩn trương, nhộn nhịp như chạy đua với thời gian. Kỹ sư Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của Chi nhánh Khai thác II đã 26 năm gắn bó với mỏ, không giấu được niềm tự hào khi đưa chúng tôi đi thăm công trường. Anh Quang hồ hởi: Năm nay, chi nhánh phấn đấu bóc 1,5 triệu m3 đất, đá, khai thác trên 80.000 tấn quặng I, 135.000 tấn quặng II, 923.000 tấn quặng III. Dù điều kiện khai thác gặp nhiều khó khăn vì mỏ ở vị trí cao trên 400 m so với mực nước biển, độ dốc lớn, đường vận tải xa, nhưng anh em công nhân vẫn tích cực thi đua làm theo lời Bác dạy, cố gắng hoàn thành vượt mức kế hoạch… Đứng trên điểm cao nhất của khai trường, anh Quang hướng tầm mắt về phía xa: “Dưới kia là khai trường Mỏ Cóc năm xưa Bác đã đến thăm, nay do Chi nhánh Khai thác I phụ trách, có trữ lượng quặng II lên tới 43 triệu tấn. Hiện nay, việc khai thác đang tiến hành dưới mực nước ngầm khe suối, nên phải dùng phương pháp tháo nước cưỡng bức, bơm nước ngược lên cao trên 10 m mới lấy được quặng. Thân quặng vẫn tiếp tục ăn sâu xuống phía dưới, nên còn phải đào xuống hàng chục mét nữa mới tới đáy mỏ…”. Giữa nắng gió khai trường, tôi ngắm vùng mỏ thênh thang mà càng cảm phục những cán bộ, công nhân vùng mỏ Apatít đang bám khai trường, hăng say lao động, vượt qua mọi gian khó để khai thác tài nguyên làm giàu cho Tổ quốc. Không chỉ ở khai trường này, mà còn ở hàng chục khai trường khác trên vùng mỏ Apatít Lào Cai, những người con của đất mỏ cũng đang ngày đêm miệt mài với công việc…

Rời khai trường Mỏ Cóc, chúng tôi vào thăm Chi nhánh Tuyển Cam Đường, một trong 3 chi nhánh tuyển quặng của mỏ. Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng, Phòng Kỹ thuật điều hành sản xuất đưa tôi theo cầu thang ngược lên tầng cao nhà máy để quan sát toàn cảnh. Tôi tò mò ngó nghiêng những bọt bóng khí phập phồng nổi lên trên mặt nước trên máng tuyển đang chảy theo đường ống xuống bể lắng. Mỗi bong bóng bám đầy các hạt mịn li ti, đó chính là quặng có hàm lượng cao, sau đó sẽ được đưa vào hệ thống tách nước, cuối cùng trở thành sản phẩm quặng Apatít khô có hàm lượng P2O5 cao. Kỹ sư Tùng miệng nói tay chỉ trong tiếng máy chạy ầm ầm: Thành công của Chi nhánh Tuyển Cam Đường đó là đã làm chủ hoàn toàn công nghệ tuyển nổi Apatít. Năm 2007, tổng sản lượng quặng sản xuất ra là 126.000 tấn. Đến năm 2012, tổng sản lượng đạt mức đỉnh điểm là 149.000 tấn. Năm 2013 đánh dấu một mốc quan trọng đối với đơn vị, đó là đã nghiên cứu thành công công nghệ tuyển quặng II. Đây được coi là công nghệ rất khó, vì phải làm giàu khoáng sản lên mức hàm lượng cao. Vậy mà, chi nhánh đã tuyển được 12.000 tấn quặng II, đồng thời giảm chi phí sản xuất trên 3,5 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, đơn vị đã sản xuất trên 77.000 tấn quặng, giảm chi phí sản xuất trên 5 tỷ đồng…

Nói tới Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam, không thể không nhắc đến sản phẩm phân bón NPK sản xuất từ quặng Apatít được nông dân trong và ngoài tỉnh ngày càng tin dùng. Lần này, tôi được tận mắt thấy quy trình sản xuất phân bón NPK tại Chi nhánh Sản xuất Phân bón - Hóa chất của công ty tại Tằng Loỏng. Hiện nay, nhà máy có thể sản xuất tới 10 loại phân bón NPK sử dụng cho các loại cây trồng và các mục đích sản xuất nông nghiệp khác nhau. Phân bón NPK của Lào Cai không chỉ phục vụ cho nông dân trên địa bàn tỉnh, mà còn chinh phục thị trường các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, thậm chí còn được bán sang Lào. Năm 2013, nhà máy sản xuất 31.000 tấn phân NPK các loại, đạt 113% kế hoạch. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo môi trường làm việc tốt hơn cho công nhân, chi nhánh đã phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Tiêu biểu hơn cả là sáng kiến chế tạo hệ thống đóng bao sản phẩm bằng cơ giới, góp phần tăng năng suất lao động lên 1,8 lần so với lao động thủ công trước đây, sau 1 năm đã làm lợi cho công ty gần 745 triệu đồng. Điều đáng nói là nhờ đó công nhân không phải lao động thủ công vất vả, tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, hơi độc của phân bón nữa…

Trở về trụ sở Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam, tôi nghe đồng chí Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: Năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh thu của công ty đạt trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 267,4 tỷ đồng. Công ty được xếp hạng thứ 88 trong TOP 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, được thưởng danh hiệu thi đua “Đơn vị đạt doanh thu cao nhất” và “Đơn vị đạt lợi nhuận cao nhất”. Công ty có gần 2.900 người. Năng suất lao động tăng 12% so với năm trước. Thu nhập bình quân ước tính trên 10 triệu đồng/người/tháng. Năm 2014, tính đến hết tháng 7, doanh thu của công ty đạt 1.900 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 167 tỷ đồng, bằng 62,2% kế hoạch. Trong những năm qua, việc học tập và làm theo lời Bác của mỏ Apatít được đẩy mạnh. Các phong trào thi đua yêu nước như phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thi đua lao động sản xuất, hoạt động xã hội từ thiện... luôn được gắn với việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra niềm tin và khí thế mới trong Đảng bộ Công ty. Trong 3 năm qua, công ty có 157 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của 315 tác giả và đồng tác giả, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, làm lợi cho công ty hơn 50 tỷ đồng. Thông qua phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đã có 342 lượt người đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và  26 lượt người được cấp Bằng Lao động Sáng tạo. Đặc biệt, từ phong trào thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sản xuất, đầu tư, toàn công ty đã tiết kiệm được hơn 160 tỷ đồng. Năm 2013, công ty đã đóng góp 7,1 tỷ đồng cùng Lào Cai xây dựng nông thôn mới… Ban lãnh đạo công ty cũng như cán bộ, công nhân mỏ luôn nỗ lực hết mình, thi đua sản xuất, xứng đáng với lời chúc của Bác Hồ năm xưa.

Tôi chia tay mỏ Apatít khi chiều dần xuống. Dưới lòng đất sâu kia, từng thân quặng ngủ yên hàng ngàn năm đang đợi được đưa lên phơi mình dưới ánh nắng mặt trời sáng mai. Đâu đó, vẫn như âm vang lời dặn cán bộ, công nhân mỏ của Bác Hồ khi đến nơi đây.
 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch

Theo số liệu thống kê của sở Du lịch, 04 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 2,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế trên 298.000 lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt, tăng 5,88% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Chú trọng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho thanh niên ưu tú chuẩn bị lên đường nhập ngũ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong thanh niên, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Năm 2024, Bảo Yên là địa phương điển hình trong triển khai công tác này.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh

Bắt nhịp với xu thế phát triển mới, Lào Cai đang thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là trong thu hút đầu tư và bước đầu đạt kết quả tốt.

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.