Sức vươn nơi “vòm nhô sông Chảy”

Huyện Si Ma Cai tái lập đã được 14 năm, quãng thời gian tuy chưa nhiều nhưng đã có thể nhận thấy sức vươn mạnh mẽ của vùng đất nơi “vòm nhô sông Chảy”.
 
“Đột phá” vào 7 thôn khó khăn nhất

Cách đây 14 năm, huyện Si Ma Cai được tái lập. Thật khó tả không khí lúc đó. Những dãy nhà tập kết lụp xụp. Đa phần cán bộ được điều từ Bắc Hà lên, hầu hết là lo lắng, băn khoăn. Một anh bạn tôi bảo: Bạn bè, gia đình chia tay mà cứ như tiễn người ra trận thời chiến vậy! Quán xá lúc ấy hầu như chưa có; xăng là mặt hàng cực kỳ xa xỉ vì chưa có cây xăng... Đến Si Ma Cai trong những ngày đầu bộn bề ấy, tôi đã kịp viết một số bài phóng sự mà giờ đọc lại vẫn thấy cảm xúc trào dâng như “Ngổn ngang Si Ma Cai”, rồi “Cơm bụi thời… chia tách huyện”…



Bừng sáng phố huyện Si Ma Cai.

Huyện lỵ là thế, còn các thôn, bản thì… khỏi phải nói. Huyện có 13 xã thì cả 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, với 90 thôn, bản và trong số đó lại có 7 thôn cực kỳ khó khăn mà mỗi lần nhắc đến, tất thảy đều lắc đầu lè lưỡi, đó là các thôn: Nà Chí (Lùng Sui); Cốc Rế (Bản Mế), Lù Dì Sán (Sán Chải), Phìn Chư 3 (Nàn Sín), Cẩu Pì Chải (Thào Chư Phìn), Sảng Nàng Cảng (Lử Thẩn) và Sừ Pà Phìn (Quan Thần Sán). Tất cả 7 thôn này chưa có đường đến trung tâm, chưa có công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt cũng như cán bộ y tế thôn, bản; trường học thì tạm bợ hoặc phải học nhờ nhà dân…

Ngày 11/7/2002, Kỳ họp thứ 4 HĐND huyện khóa XI thông qua Nghị quyết thống nhất chương trình giúp đỡ 7 thôn, bản khó khăn nhất huyện để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội. Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai lúc đó - đồng chí Phạm Khắc Xương bảo: Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, huyện xác định phân chia theo từng giai đoạn trên tinh thần phát huy nội lực là chính, lồng ghép với các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ưu tiên làm đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất và đời sống, phấn đấu đến năm 2005, cả 7 thôn này có hạ tầng cơ sở và kinh tế - xã hội tương đương với các thôn, bản khác trong huyện…

Cuối năm 2002, lần đầu tiên trong nghề làm báo, tôi được chứng kiến một cuộc “ra quân” làm đường giao thông lớn đến như vậy với sự tham gia của hàng nghìn người, đó là lễ khởi công tuyến đường từ Nhừu Cồ Ván vào Sừ Pà Phìn (xã Quan Thần Sán), mở đầu “chiến dịch” làm 37 km đường vào 7 thôn khó khăn nhất của huyện Si Ma Cai.

Năm 2003 và những năm tiếp theo, những chương trình trọng tâm hướng về cơ sở của Tỉnh ủy, trong đó có chương trình làm đường liên thôn đã tiếp thêm sức mạnh cho Si Ma Cai. Trước năm 2001, toàn huyện chỉ có 21 thôn có đường ô tô đến (chủ yếu là những thôn ven đường trục chính) nhưng đến hết năm 2004, ô tô đã có thể đến được 78 thôn và đến nay, đường đến tất cả các thôn đã thông suốt 4 mùa…

Cùng với việc tập trung làm đường giao thông, huyện quy hoạch, sắp xếp lại dân cư tại 7 thôn; củng cố, xây mới điểm trường, đồng thời bố trí những cán bộ, giáo viên có trình độ, tâm huyết vào công tác tại những thôn này. Huyện cũng chỉ đạo ưu tiên tuyển con em ở 7 thôn vào học tại Trường Dân tộc nội trú của huyện nhằm tạo nguồn cán bộ cơ sở.

Cùng với việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Trung tâm Y tế huyện bố trí cán bộ y tế và ưu tiên đầu tư trang - thiết bị, tích cực đào tạo cán bộ y tế cho các thôn này…và đến cuối năm 2005, cả 7 thôn đã có y sỹ…Những mục tiêu hỗ trợ 7 thôn khó khăn nhất huyện đã hoàn thành tốt.

Với cách làm có trọng tâm, trọng điểm và những bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, đặc biệt là từ chương trình hỗ trợ 7 thôn, bản khó khăn nhất, Si Ma Cai đã có nền tảng và niềm tin vững chắc cho sự phát triển lâu dài.

Vùng đất Si thay “áo” mới

Lên Si Ma Cai bây giờ không còn lo chuyện xe cộ, đường sá nữa. Tuyến đường uốn lượn qua những sườn đồi, xuyên rừng, vượt núi. Ngút tầm mắt là những thửa ruộng bậc thang, những làng bản nhấp nhô, ẩn hiện. Chợ Cán Cấu nằm ngay bên đường, mỗi tuần chỉ họp một phiên vào thứ 7. Thời gian vẫn trôi, nhưng chợ Cán Cấu vẫn giữ được những nét tinh túy nhất của một chợ vùng cao và phiên nào cũng tấp nập du khách nước ngoài.

Chớm đất huyện lỵ, mọi người có thể nhận ra dáng vóc một đô thị miền núi. Các dãy phố đã hình thành, nhà cửa mọc lên san sát với nhiều kiểu kiến trúc đẹp nhưng vẫn giữ được kiểu cách đặc thù vùng cao. Đồng chí Lưu Đức Trưởng, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai cho biết: Ngay từ thời điểm mới tái lập huyện, việc quy hoạch trung tâm huyện đã kết hợp khai thác sử dụng quỹ đất xây dựng với yêu cầu bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên, hạn chế san gạt. Tôn trọng địa hình tự nhiên để tạo không gian kiến trúc và cảnh quan phong phú, sinh động, đó chính là điểm mấu chốt để Si Ma Cai giữ được bản sắc…



Nhân dân thôn Phố Thầu (xã Si Ma Cai) đổ bê tông đường liên thôn.

Gặp lại vợ chồng anh bạn ở Bắc Hà lên Si công tác cách đây 14 năm, giờ tóc đã lơ phơ điểm bạc, đứa con lớn của anh chị đang học chuyên nghiệp tận Hà Nội, đứa út đang học lớp 11 trường huyện, anh cố giữ tôi ở lại dùng cơm tối. Trong căn nhà hai tầng khá khang trang, bữa cơm cũng khá tươm tất thể hiện sự khấm khá của gia chủ. Nhắc lại chuyện cũ, anh cười: Khu này toàn vậy, nhiều nhà còn làm to đẹp hơn ấy chứ!

Đối với những người lên Si (tên gọi tắt của Si Ma Cai) từ những ngày đầu tái lập huyện, các khu tập kết trước kia giờ chỉ còn trong ký ức. Nét ưu tư trên mỗi gương mặt ngày đó giờ là những nụ cười tươi rói, cái bắt tay đầy tự tin. Si Mai Cai nay là nơi hội tụ của những người đến từ nhiều miền quê trong cả nước nhưng bản sắc vùng đất, con người Si Ma Cai không vì thế mà mai một. Cả trung tâm Si như thay áo mới, vang vang tiếng trẻ học bài vọng vào vách núi. Đường từ Si Ma Cai qua Sín Chéng vào Nàn Sín - xã xa nhất và khó khăn bậc nhất Si Ma Cai trước đây - nay đã rải nhựa phẳng phiu mà khi mới tái lập huyện, người lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng ra. Khí thế xây dựng nông thôn mới hừng hực khắp các bản làng…

Si Ma Cai giờ đã có 2 trường trung học phổ thông. Đồng chí Nguyễn Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện khoe: Tuy là huyện vùng cao, gần như 100% là đồng bào Mông, nhưng bà con ở đây quan tâm đến việc học hành của con cái lắm. Từ cấp trung học cơ sở và trước đó là bậc mầm non, tiểu học đã tạo nguồn học sinh, nói chung là rất đồng bộ!

Tháng 11/2001, Si Ma Cai hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; năm 2005 hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và tháng 12/2007 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; hiện cả 13/13 xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Riêng năm học 2014 - 2015 này, tỷ lệ huy động học sinh tiểu học ra lớp đạt 100%; cấp học trung học cơ sở đạt 99,2%. Ngoài 2 trường trung học phổ thông, Si Ma Cai còn có 47 trường học gồm mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, với 568 lớp và 10.673 học sinh. Phòng học, phòng ở học sinh nội trú, bán trú, phòng công vụ giáo viên hầu hết đã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố. Toàn huyện đã có 16/47 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1...

14 năm đã trôi qua, mặc dù đã đạt những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh, đối ngoại nhưng Si Ma Cai vẫn là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Lào Cai và cả nước do những nguyên nhân khách quan. Tới đây, tỉnh sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề cho riêng Si Ma Cai để giúp huyện vùng cao, biên giới này phát triển nhanh, bền vững. Si Ma Cai đã và đang nhận được sự chung tay, giúp sức của Trung ương, của tỉnh và nhân dân khắp mọi miền để “tấn công” mạnh vào đói nghèo, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế, xã hội.

Huyện lỵ Si Ma Cai đang trở thành phố núi. Trong tương lai không xa, đô thị này vừa đảm nhiệm chức năng đô thị chính cho trung tâm kinh tế, văn hoá của một phần “vòm nhô sông Chảy”, vừa là vùng đất du lịch văn hoá - sinh thái với cảnh quan kỳ thú và bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo. Bức tranh Si Ma Cai đang sáng lên từng ngày./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Lào Cai thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch

Theo số liệu thống kê của sở Du lịch, 04 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 2,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế trên 298.000 lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt, tăng 5,88% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Chú trọng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho thanh niên ưu tú chuẩn bị lên đường nhập ngũ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong thanh niên, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Năm 2024, Bảo Yên là địa phương điển hình trong triển khai công tác này.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh

Bắt nhịp với xu thế phát triển mới, Lào Cai đang thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là trong thu hút đầu tư và bước đầu đạt kết quả tốt.

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.