Lào Cai: Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp địa phương

Tỉnh Lào Cai xác định phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn là hướng đi tất yếu, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Từ đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Mỗi thời điểm trong năm, Bắc Hà đều có các sản phẩm nông nghiệp để du khách được trải nghiệm.

Trên vùng đất cao nguyên trắng Bắc Hà hiện có hàng trăm hộ gia đình làm du lịch homestay. Mỗi thời điểm trong năm, địa phương đều có sản phẩm nông nghiệp để du khách được trải nghiệm. Cùng sinh hoạt và thưởng thức ẩm thực truyền thống dân tộc là cách nhiều hộ lựa chọn giới thiệu đến du khách. Bà Sùn Thị Dở - thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà cho biết về việc làm du lịch của gia đình: “Mùa đông du khách đến đây nhiều lắm. Họ đến xem mình nấu rượu rồi mua về. Bà con cũng có thu nhập thêm mà không phải mang ra chợ bán nữa”.

Ngoài rượu ngô Bắc Hà nổi tiếng, khách du lịch còn biết đến Bắc Hà với thương hiệu “Cao nguyên trắng” bởi bạt ngàn hoa lê, hoa mận trắng tinh khôi, làm ngây ngất lòng người. Một "cung đường màu trắng" được hình thành với sự tham gia của các hộ dân một số xã dọc tuyến đường tỉnh lộ 159.

Du khách thích thú trải nghiệm tại vườn hoa mận Bắc Hà.

Được hỗ trợ giống, phân bón, năm 2013, gia đình anh Tráng Seo Khúa, thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố đã trồng 400 gốc Lê VH6. Nhờ chăm sóc tốt, sau vài năm, vườn lê đã bắt đầu cho thu hoạch, giúp gia đình anh thoát nghèo. Tiếp tục mở rộng mô hình, đến nay gia đình anh Khúa đã trồng thêm 3.000 gốc mận dọc tuyến đường theo định hướng của xã để đón khách du lịch đến trải nghiệm mỗi mùa hoa nở hoặc mùa hái lê, hái mận.

Sau mùa hoa là đến mùa quả ôn đới, Bắc Hà trở thành trung tâm của các tuyến du lịch trải nghiệm hái quả. Mận Tam Hoa, mận Tả Van hay lê VH6 chín vào đúng dịp hè, đây cũng là dịp các gia đình tổ chức nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm. Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Loan ở Hà Nội cho con lên vườn trực tiếp hái lê, chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết: “Gia đình đã lên đây hái mận từ năm 2020, cũng ở Hoàng Thu Phố này. Lần này biết được lê bây giờ cũng có thì bọn em vào cho các bạn nhỏ vào tham quan trải nghiệm luôn để các bạn nhỏ biết là Việt Nam mình thực tế cũng có trồng loại lê như thế này. Đồng thời giúp các bé gần gũi với thiên nhiên, học được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống”.

Năm 2022, Bắc Hà đạt doanh thu từ du lịch gần 400 tỷ đồng. Dự kiến năm nay địa phương sẽ đón 500 nghìn lượt khách, doanh thu du lịch khoảng trên 500 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, doanh thu từ du lịch đạt 1.000 tỷ đồng.

Hiện huyện Bắc Hà có tổng diện tích cây ăn quả khoảng trên 1.300 ha, tập trung các chủng loại cây trồng chính là mận, đào, lê. Về định hướng lâu dài, đây là một trong những thế mạnh mà huyện đang triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn bà con vùng dân tộc thiểu số thực hiện. Bởi đây là những cây trồng khác biệt so với các địa phương khác và có giá trị kinh tế cao, không chỉ nhờ thu hoạch quả mà còn đem lại nguồn thu từ du lịch trải nghiệm. Trong tương lai, Bắc Hà đang hướng đến là huyện sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy khi cả cộng đồng tạo môi trường xanh mới có thể phát triển du lịch bền vững.

Không chỉ Bắc Hà, tại thị xã Sa Pa, mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm cũng được các doanh nghiệp, hộ gia đình đẩy mạnh, gắn liền với các giá trị bản sắc, văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao.

Chỉ với hơn 2 héc ta trồng dâu tây trong nhà lưới, mỗi ngày vườn dâu của Hợp tác xã Thắng Lợi, ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa đón trên 300 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Em Nguyễn Hải Nam đến từ Hà Nội phấn khởi bày tỏ: “Đây là lần thứ 3 con đến Sa Pa và là lần đầu tiên con được đến vườn dâu Tây. Con cảm thấy vui và thích thú khi biết được cách trồng dâu tây và được tận tay hái những quả dây tây chín ăn thì rất ngon. Đi trải nghiệm thì rất là thú vị”.

Khách du lịch trải nghiệm hái dâu tây tại Sa Pa.

Chị Đỗ Thị Thùy Linh - Chủ vườn dâu tây HTX Thắng Lợi - thị xã Sa Pa cho biết về hiệu quả từ phát triển du lịch gắn với nông nghiệp: “Người đi du lịch rất đông. Thế nên từ Tết đến giờ gần như vườn dâu nhà em không đủ để cho khách đến trải nghiệm. Khách đến gần như là không còn quả chín mà đều hái ương ương một chút để có thể mang đi xa”.

Cũng thời điểm này, những vườn cải dầu ở xã Hoàng Liên và Tả Van ở Sa Pa đang nở rộ, thu hút khá đông du khách đến tham quan, chụp ảnh. Cùng với đó, các mô hình trải nghiệm gắn với phát triển nông trại nuôi cừu, hồ cá cũng được nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng để phục vụ du khách.

Phát triển du lịch nông nghiệp cũng là động lực khuyến khích người dân cải tạo đồng đất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường và nâng cao thu nhập. Hiện nay, để du lịch nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững, lâu dài, thị xã Sa Pa đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nông dân về những lợi ích thiết thực phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Đồng thời đưa ra các giải pháp về qui hoạch đất đai, mật độ xây dựng, qui hoạch phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững và tương trợ lẫn nhau.

Ngoài các địa điểm du lịch trọng điểm như Sa Pa, Bắc Hà, các địa phương khác trong tỉnh cũng đã xây dựng các mô hình du lịch mang dấu ấn địa phương mình. Vùng cao núi đá Ải Nam – Thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng – mới đây, người dân đã đồng thuận cùng chính quyền đưa hơn 2 nghìn cây hoa anh đào vào trồng trên nương chè chất lượng cao. Theo ông Phùng Ngọc Hoàng –  Phó Chủ tịch UBND thị trấn nông trường Phong Hải cho biết: “Chúng tôi định hướng phát triển thôn bản theo mô hình du lịch sinh thái. Như tại thôn Ải Nam chúng tôi đang xây dựng mô hình trồng cây cảnh quan, như cây hoa anh đào, cây mận và cây đào để thu hút khách du lịch. Ngoài ra thì chúng tôi cũng đang chỉ đạo nuôi lợn đen bản địa để cung cấp ra thị trường”.

Qua đó có thể thấy, sự tham gia trực tiếp của nông dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn, giúp phát triển cả về nông nghiệp cũng như các sản phẩm du lịch của địa phương. Lào Cai đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 10 triệu lượt khách du lịch; tạo việc làm cho 40.000 - 42.000 lao động việc làm trong lĩnh vực du lịch; du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng.

Để đạt được mục tiêu trên, việc xây dựng một chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương là nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh Lào Cai đang triển khai. Theo đó, từ nay đến năm 2025, sẽ ưu tiên hỗ trợ xây dựng thí điểm 07 mô hình phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp (gồm phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát; phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Bản Phố 2C, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; phát triển dịch vụ trải nghiệm, tham quan tại trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà; phát triển không gian du lịch cộng đồng 4 thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa,…); phát triển nông nghiệp hàng hóa, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tạo chuỗi giá trị kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực; xây dựng các sản phẩm du lịch xanh. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; ứng dụng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn,... Ngoài ra phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng của vùng.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.

Lào Cai hưởng ứng Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”

Để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024, thúc đẩy phát triển du lịch và triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, tỉnh Lào Cai tham gia phát động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai - điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ

Chỉ còn hai ngày nữa kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 sẽ chính thức bắt đầu. Theo kế hoạch, dịp này các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu, thu hút du khách. Hiện các điểm du lịch, cơ sở lưu trú cũng đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, nhằm mang đến cho du khách một kỳ nghỉ thú vị.

Khảo sát, điền dã các di tích danh lam, thắng cảnh tại huyện Bát Xát

Trong 2 ngày, 23 và 24/4, UBND huyện Bát Xát phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện khảo sát, điền dã thác Ong Chúa và đỉnh núi Nhìu Cồ San (thuộc thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát) để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh.

Ra mắt sản phẩm du lịch “Điểm hẹn - Chợ tình Sa Pa”

Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội mùa hè Sa Pa năm 2024, thị xã Sa Pa sẽ giới thiệu và ra mắt du khách trong và ngoài nước sản phẩm du lịch “Điểm hẹn - Chợ tình Sa Pa”.

Lào Cai tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tại Nhật Bản

Từ ngày 21 - 26/4, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Nhật Bản.