Chuyển đổi số công bằng và bao trùm

Một báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra, hai phần ba số dân ở các quốc gia kém phát triển nhất vẫn chưa được kết nối internet. Hội nghị lần thứ năm của Liên hợp quốc về các nước kém phát triển nhất (LDC 5) mới đây tại Doha (Qatar) kêu gọi thế giới quan tâm hơn tới việc cải thiện kết nối kỹ thuật số nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia giàu và nghèo, tạo động lực thúc đẩy tiến bộ ở các nước kém phát triển.

Trẻ em Sudan tiếp cận công nghệ nhờ sử dụng năng lượng mặt trời. (Ảnh UNICEF)

Khoảng cách kỹ thuật số giữa các nước kém phát triển và phần còn lại của thế giới vẫn chưa có dấu hiệu thu hẹp. Một báo cáo đặc biệt từ Liên minh Viễn thông quốc tế của Liên hợp quốc (ITU) chỉ ra, trong khi tỷ lệ dân số ở các nước kém phát triển nhất sử dụng internet đã tăng từ 4% lên 36% kể từ năm 2011, thì hai phần ba số dân còn lại vẫn chưa có kết nối mạng.

Ngay cả trong số những người có thể truy cập internet, nhiều người đã không duy trì truy cập do các rào cản từ nhận thức đến kỹ năng và chi phí.

Theo nghiên cứu được thực hiện về các quốc gia kém phát triển nhất của ITU, năm 2022, có khoảng 407 triệu người ở các nước kém phát triển có sử dụng internet, song có tới 720 triệu người vẫn chưa được kết nối, chiếm 27% số dân không có kết nối internet toàn cầu, cho dù các quốc gia kém phát triển nhất chỉ chiếm 14% số dân thế giới. Nghiên cứu của ITU cũng kết luận, nhiều thách thức khiến tiến trình đưa các cộng đồng “lên mạng” đã trở nên phức tạp hơn trong mười năm qua, khó khăn hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản là xây dựng các kết nối vật lý.

Trên thực tế, đối với hàng trăm triệu người ở các nước kém phát triển, mạng lưới internet quốc tế cũng chẳng mang lại lợi ích gì khi không thể truy cập trực tuyến, không có kết nối và cũng chẳng có tác dụng khi họ có thể truy cập trực tuyến mà không biết cách sử dụng phần mềm trình duyệt. Theo các chuyên gia, chìa khóa để thúc đẩy tiến bộ, bình đẳng kỹ thuật số không chỉ là tìm cách kết nối những người bị bỏ lại phía sau, mà thế giới cần giải quyết bền vững khoảng cách số bằng cách thúc đẩy các điều kiện tiếp cận kỹ thuật số toàn diện hơn.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực của các nước kém phát triển nhằm thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững và trở nên cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

Tuy nhiên, những quốc gia này thường không thể thu được đầy đủ lợi ích kinh tế và xã hội từ sự phát triển của công nghệ, do những hạn chế về hạ tầng và đồng thời có sự chênh lệch quá lớn giữa các nước kém phát triển và các quốc gia khác.

Chương trình Đối tác phát triển kỹ thuật số (DDP) của Ngân hàng Thế giới (WB) do đó được khởi xướng từ năm 2016 nhằm tăng khả năng tiếp cận công nghệ, dịch vụ công kỹ thuật số, băng thông rộng và các khóa nâng cao năng lực kỹ thuật số ở các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới.

Tổng Thư ký LDC 5 Rabab Fatima (R.Pha-ti-ma) cho biết, thông qua thúc đẩy hợp tác và các quan hệ đối tác, thế giới có thể tận dụng các nguồn lực, chuyên môn và tinh thần dám nghĩ dám làm của khu vực tư nhân để giúp các quốc gia kém phát triển nhất vượt qua những thách thức phát triển và xây dựng một tương lai thịnh vượng hơn cho hàng trăm triệu người.

Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững là một trong sáu trụ cột trong Chương trình hành động Doha được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 3/2022. Với chủ đề “Từ tiềm năng đến thịnh vượng”, Hội nghị về các nước kém phát triển nhất (LDC 5) đã thông qua Tuyên bố khẳng định cam kết mạnh mẽ trong triển khai Chương trình hành động Doha, nhằm hỗ trợ 46 quốc gia sớm ra khỏi nhóm kém phát triển và phù hợp lộ trình các mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs).

https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-cong-bang-va-bao-trum-post742526.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Tổng thống Hoa Kỳ đề cao quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ - hình mẫu cùng vượt qua quá khứ của chiến tranh vì hòa bình và tương lai

Ngày 19/9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ) Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh...

RCEP góp phần hình thành cộng đồng du lịch lớn nhất thế giới

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ định hình lại mô hình phát triển du lịch toàn cầu và giúp xây dựng một cộng đồng kinh tế du lịch lớn nhất thế giới.

Tuyên bố hội nghị về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”

Chúng tôi, với hơn 300 nghị sĩ trẻ, có mặt tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 từ ngày 14-17/9/2023 tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam để khẳng định cam kết trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Xây dựng kỷ nguyên năng lượng sạch

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử khi kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch dần khép lại, mở ra trang mới của năng lượng tái tạo. Để tận dụng cơ hội này, IEA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi năng lượng và...

Ưu tiên giải quyết tình trạng nghèo đói, hỗ trợ nhân đạo, chung tay vì thế hệ trẻ

Các tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại về tình trạng nghèo đói, không được đến trường, di cư không an toàn… vẫn bủa vây hàng trăm triệu trẻ em trên khắp thế giới. Họ kêu gọi chính phủ các nước nỗ lực, chung tay vì thế hệ tương lai của nhân loại.

Thỏa thuận chia sẻ thông tin vận hành đập trên sông Mê Công

Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) thông báo giới chức cấp cao của sáu quốc gia dọc sông Mê Công đã nhất trí những khuyến nghị về giai đoạn đầu của Nghiên cứu chung giữa Ủy ban sông Mê Công và Hợp tác Mê Công-Lan Thương (MLC).