Người “giữ lửa” dân ca Nùng Dín

Từ xa xưa, dân tộc Nùng đã coi dân ca là lời tâm sự, là phương tiện giao tiếp và tỏ tình với người khác giới, là sự rung động của con tim, khi hát họ biểu hiện tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của mình với mọi người ở mọi nơi, mọi lúc. Bởi thế, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bắt gặp ở đâu đó trên mảnh đất miền biên viễn này có những con người không quản khó khăn để sưu tầm và bảo tồn dân ca - nét văn hóa tinh túy của dân tộc. Nghệ nhân ưu tú Hoàng Xín Hòa ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương là một điển hình trong việc gìn giữ nét dân ca Nùng Dín.

Câu lạc bộ dân ca Nùng Dín – nơi “giữ và truyền lửa” những làn điệu dân ca Nùng Dín.

Dân ca Nùng Dín là thể thơ 5 chữ được hình thành từ lao động thực tế, từ cuộc sống thường ngày, từ tình cảm mộc mạc và dân dã, là sản phẩm trí tuệ của tập thể, của nhiều tác giả qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau sáng tác và không ngừng hoàn thiện. Dân ca Nùng Dín gồm 4 thể loại: Hát giao duyên, hát mân cỗ, hát giao lưu và hát chính sự. Mỗi thể loại đều có một số bài hát cố định và hát lẻ ứng khẩu để đối đáp, được diễn tả bằng 3 làn điệu: Hát thử, hát thúc và hát lượm. Dân tộc Nùng Dín không có chữ viết riêng, nên dân ca Nùng Dín được truyền miệng từ thế hệ trước sang thế hệ sau, từ người biết hát sang người chưa biết.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, khoa học kỹ thuật phát triển, các phương tiện nghe nhìn ngày càng tiên tiến và phổ biến ở nhiều vùng miền; cùng với đó những người biết hát thì cũng cao tuổi, bệnh tật, già yếu nên không hát được nữa hoặc bỏ lâu, quên lãng dẫn đến việc hát dân ca Nùng Dín tại các thôn bản bị mai một và vắng bóng dần.

Nhớ lại quãng thời gian đó, ông Hoàng Xín Hòa tâm sự: "Nhóm Nùng Dín chúng tôi có một kho tàng về dân ca rất phong phú, rất hay, nếu để mai một thì đó là điều khiến chúng tôi ân hận nhất. Là người vô cùng yêu thích dân ca Nùng Dín, tôi biết rằng gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đừng cho nó hòa tan, mai một là điều quan trọng".

Nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong việc lưu giữ và bảo tồn dân ca Nùng Dín, ông Hòa kiên nhẫn sưu tầm, ghi chép từng làn điệu dân ca, sau đó vận động, thu hút lớp người cao tuổi và trung niên biết hát dân ca cổ tại địa phương thành lập Câu lạc bộ dân ca Nùng Dín do chính ông làm chủ nhiệm vào năm 2012. Câu lạc bộ được thành lập nhằm mục đích sưu tầm, sáng tác và tiếp tục cải tiến, phát triển sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phục vụ công tác giáo dục cộng đồng.

Nghệ nhân Hoàng Xín Hòa dạy hát dân ca cho các cháu nhỏ trong thôn bản.

Bằng tình yêu đối với di sản văn hóa của dân tộc, sự động viên, khích lệ của chính quyền địa phương, ông Hòa cùng một số thành viên Câu lạc bộ đến từng thôn, bản và liên kết với các trường học trên địa bàn để tổ chức các lớp học dân ca cho lớp trẻ thanh thiếu niên, nhi đồng. Trong những lần truyền dạy, ông còn tranh thủ trò chuyện, tuyên truyền khơi gợi được nhận thức, lòng tự hào trong các em học sinh tham gia lớp học, về cái đẹp, cái chân thiện mỹ, phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình để bảo tồn; cũng như việc phát huy giá trị bản sắc văn hoá trong đời sống, phát triển kinh tế... Từ đó, giúp thế hệ trẻ thêm yêu mến và tự hào về nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, đồng thời thấy được cái hay, cái lợi từ tiềm năng sẵn có để nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Sau 10 năm thành lập, Câu lạc bộ dân ca Nùng Dín với 22 thành viên đã sưu tầm và ghi âm được 58 bài hát cổ; mở được 26 lớp, truyền dậy dân ca Nùng dín cho gần 500 người; tổ chức được 4 lần Hội thi sáng tác lời mới; duy trì được việc hát dân ca trong các dịp lễ hội, các sự kiện lớn của địa phương…

Theo ông Hoàng Xín Hòa, dân ca phải luôn được bổ sung, cải tiến, phải thổi vào đó luồng gió mới, mang hơi thở của thời đại. Vì vậy, trong 10 năm qua, ông và các thành viên trong câu lạc bộ đã sáng tác được 40 bài hát mới. Không chỉ có lời hát giao duyên, kết bạn, ca ngợi tình đoàn kết mà những bài dân ca của người Nùng giờ đây còn ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi công cuộc đổi mới của đất nước.

Buổi giao lưu giữa Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Xín Hòa với những người hâm mộ dân ca Nùng Dín.

Với những đóng góp to lớn trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Nùng Dín, năm 2022, ông Hoàng Xín Hòa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Để tiếp tục “giữ và truyền lửa” dân ca Nùng Dín, ngày ngày, những bước chân của ông vẫn in dấu trên khắp nẻo đường để những câu dân ca Nùng Dín luôn vang núi, rộn nương.

Quỳnh Hoa

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...