Trên con đường bảo tồn di sản

Trong từng lớp trầm tích thời gian của mỗi bản làng, thôn xóm đều ẩn chứa những nét đẹp văn hóa nghìn đời. Có những di sản hữu hình (vật thể), có những di sản vô hình (phi vật thể) chỉ tồn tại trong tâm thức, trong những câu chuyện truyền miệng của mỗi cộng đồng.

Để những di sản ấy mãi là “vật báu” được lưu truyền từ đời này sang đời khác, ngoài sự yêu quý, trân trọng của chính cộng đồng, còn có sự đau đáu của những người làm công tác bảo tồn văn hóa.

Đã cuối giờ chiều, nhóm nghiên cứu, xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo di tích đền Bảo Hà giai đoạn 2 của Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh vẫn say sưa làm việc. Những mái đầu chụm lại cùng nghiên cứu từng chi tiết, hạng mục dù là nhỏ nhất, ví như cách bài trí không gian ngoài trời, chạm khắc các biểu tượng phù điêu, đến cả bậc lên xuống làm bằng chất liệu gì, hình dáng ra sao cũng được bàn thảo kỹ lưỡng. Nhìn cách các cán bộ văn hóa đọc bản vẽ thiết kế với những thông số về xây dựng, kiến trúc, mới thấy sự đa năng, vốn hiểu biết vượt ra ngoài cả lĩnh vực văn hóa, di sản mà mình phụ trách.

Trong những câu chuyện cùng cán bộ của Sở Văn hóa và Thể thao, chúng tôi thêm hiểu hơn về con đường bảo tồn di sản nhiều ý nghĩa, nhưng cũng đầy khó khăn, vất vả. Quả thực không có một trái tim “nóng”, sự nhiệt huyết, yêu nghề, thì chắc chắn họ sẽ không thể bước đi trên con đường dài ấy.

Anh Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Di sản văn hóa đã có 20 năm gắn bó với công việc bảo tồn di sản. Làm công việc nghiên cứu, sưu tầm các cổ vật, bảo tồn giá trị văn hóa của các tộc người vùng biên ải, anh Nghĩa luôn thắp trong mình ngọn lửa đam mê. Trong ký ức 20 năm ấy, anh vẫn nhớ như in những chuyến về cơ sở đến mòn gót dép. Đó là những chuyến cuốc bộ hai, ba chục cây số từ sớm tinh mơ đến tối mịt để đến với cộng đồng người Xá Phó ở xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (trước là xã Nậm Sài, huyện Sa Pa) dưới trời mưa lạnh, mà trong tay chỉ có gói mì tôm ăn sống và uống nước khe dọc đường. Đó còn là chuyến đi bị “chết cứng” giữa rừng già Y Tý, khi “con xe già” sau quãng đường dài cứ chồm lên, giật xuống vì cung đường quá xấu không thể tiếp tục hành trình, anh phải đi bộ xuyên rừng cả tiếng đồng hồ trong đêm, xuống thôn nhờ dân bản trợ giúp. Hoặc những chuyến ở lại cơ sở đến cả nửa tháng trời để 3 cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, thâm nhập, hiểu hơn cuộc sống và văn hóa của mỗi dân tộc… Thế rồi sau mỗi chuyến đi ăm ắp chất liệu sống ấy là những đêm trăn trở xây dựng ý tưởng cho công trình nghiên cứu, bảo tồn di sản.

Vất vả là thế, nhưng anh Nghĩa chỉ cười xòa, bảo làm nghề nào cũng vậy, đều có những khó khăn, vất vả riêng, nhưng khi chúng ta đã sống với đam mê thì khó khăn có gì đáng kể, bởi sau mỗi chuyến đi, những giá trị văn hóa được gìn giữ, lưu truyền. Đó là động lực để những người làm nghề như chúng tôi có thêm niềm vui và sự quyết tâm gắn bó.

Quả thực, đam mê thì ngại gì vất vả. Nhớ lại có lần tôi gặp những cán bộ của Phòng Di sản văn hóa trong một lần làm việc tại huyện Mường Khương. Cuộc gặp vô tình khiến tôi hiểu hơn về công việc lặng thầm của họ. Dưới trời nắng gay gắt của mùa hè, ê kip 3 người “xoay trần” với việc phục dựng và truyền dạy điệu múa ngựa giấy của người Nùng Dín ở xã Tung Chung Phố. Mỗi người một việc, họ trao đổi với nghệ nhân và người dân trong cộng đồng để có thêm chất liệu văn hóa; người quay, người chụp lại những hình ảnh trình diễn của các nghệ nhân. Công việc không chỉ diễn ra trong 1 - 2 tiếng đồng hồ, mà cả ngày trời, rồi cả những ngày trước và sau đó. Vất vả là vậy, nhưng đoàn công tác vẫn kiên trì, tỉ mỉ, thu thập từng chút, từng chút vẻ đẹp của diễn xướng dân gian. Sau mỗi chuyến thực tế, những tri thức dân gian được khắc sâu trong đời sống của cộng đồng mỗi dân tộc, được ghi chép, phản ánh bằng những thước quay sống động để có thể truyền dạy đến các địa phương khác có cùng tộc người sinh sống.

Điệu múa ngựa giấy của người Nùng Dín, huyện Mường Khương.

Trên thực tế, nhiều di sản văn hóa ở Lào Cai đang dần mai một, hoặc đứng trước nguy cơ biến mất. Với vai trò là chuyên gia trong lĩnh vực này, các cán bộ Phòng Di sản văn hóa của tỉnh vẫn tỉ mỉ sưu tầm từng câu chuyện, những mảnh ghép nhỏ để tôn tạo, phục dựng nên nét đẹp văn hóa vốn có trong cộng đồng các dân tộc, như mới đây nhất là Lễ tạ ơn trâu của người Bố Y tại huyện Mường Khương. Trong đời sống hiện tại, cộng đồng người Bố Y chỉ biết rằng, theo tục xưa, cứ vào ngày 8/4 âm lịch hằng năm sẽ có Lễ tạ ơn trâu, nhưng nghi lễ, diễn xướng ra sao thì ít người nắm chắc. Phần lớn các hộ dân chỉ làm 1 mâm cơm để dâng cúng Thành hoàng làng. Mong muốn những nét đẹp dân gian được lưu truyền, các nhà làm văn hóa đã dày công sưu tầm và chắt lọc từ câu chuyện của người già trong làng, viết lại nghi lễ dân gian này, sau đó phục dựng qua hoạt động thực tế để truyền dạy cho thế hệ sau.

Chị Nguyễn Thị Minh Tú, Phó Trưởng Phòng Di sản văn hóa tâm sự: Không chỉ là nhiệm vụ, những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa như chúng tôi luôn có sự đam mê, nhiệt huyết trong từng phần việc, công trình. Đó là trách nhiệm với quá khứ và tương lai, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng, lưu giữ hồn cốt của dân tộc.

Từ những bước chân nhọc nhằn trên con đường bảo tồn, đã có bao nghi lễ dân gian, bản sắc văn hóa các dân tộc, các hiện vật, cổ vật được phát hiện, tôn tạo và giữ gìn. Tính đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã kiểm kê tổng thể 25 nhóm, ngành dân tộc ở 500 làng, bản theo 7 loại hình; tổ chức bảo tồn và phát huy được 10 nghi lễ, lễ hội dân gian các dân tộc gắn với phát triển du lịch và tổ chức sưu tầm văn hóa dân gian của 4 nhóm dân tộc có dân số dưới 10.000 người là Bố Y, La Chí, Hà Nhì, Phù Lá. Công tác bảo tồn văn hóa liên tục được thực hiện hiệu quả. Kết quả là có 39 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Với số lượng di sản văn hóa có được, Lào Cai trở thành một trong số ít tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước. Không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần, việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa còn góp phần khai thác thế mạnh, trở thành sản phẩm du lịch, tạo sức hút đối với du khách về mảnh đất Lào Cai giàu bản sắc.

https://baolaocai.vn/bai-viet/361766-tren-con-duong-bao-ton-di-san

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...