Thu hút đầu tư chế biến nông sản

Cùng với tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo các ngành hàng chủ lực, tỉnh Lào Cai còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến để nâng cao giá trị nông sản.

Lào Cai có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, trong đó, nổi bật là nguồn nguyên liệu phong phú với nhiều loại cây, con đặc sản như: Dược liệu, quế, chuối, dứa, chè, cây ăn quả ôn đới, cá nước lạnh, nguyên liệu gỗ rừng trồng… Toàn tỉnh có 6.364 ha chè với sản lượng hằng năm đạt hơn 37.000 tấn; hơn 2.000 ha dứa với sản lượng cả năm hơn 30.000 tấn quả; 48.900 ha quế với sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt hơn 30.000 tấn cành, lá và gần 4.000 tấn vỏ, chiết xuất được 192 tấn tinh dầu…

Bên cạnh đó, Lào Cai còn là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng thông thoáng hơn, dễ tiếp cận hơn. Đó là Nghị quyết 26/2020/NQ-HĐND về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung Điều 16 quy định kèm theo Nghị quyết 26/2020/NQ-HĐND.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đáp ứng đủ các điều kiện của chính sách sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, xử lý nước thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Mức hỗ trợ là 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án. Nghị quyết số 33 quy định về cơ chế giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất thu hút, kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản bằng hình thức thí điểm tách nội dung giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập để tạo quỹ đất thu hút, kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản, kinh phí giải phóng mặt bằng do ngân sách tỉnh đảm bảo...

Đây là những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư chế biến sản phẩm, khai thác hiệu quả và hợp lý tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, tạo bước đột phá để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung chuyên canh gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tác động tích cực đến đời sống của Nhân dân, giúp người dân và các tổ chức có điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đưa kinh tế nông nghiệp tăng trưởng cao, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội; tạo ra cơ sở pháp lý, đặc thù riêng cho tỉnh Lào Cai trong thực hiện hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với chế biến và tiêu thụ. Bước đầu hình thành một số vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa như vùng trồng rau, hoa, cây dược liệu tại thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà; vùng trồng chè tại huyện Bảo Thắng, Mường Khương; vùng trồng quế tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn và vùng trồng chuối, dứa tại huyện Mường Khương và Bát Xát...

Đặc biệt, Nghị quyết số 26 được ban hành đã thu hút 19 doanh nghiệp/công ty tham gia đề xuất các dự án, xin chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Lào Cai để triển khai xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến tiêu thụ nông sản cho tỉnh. Từ đó mở ra triển vọng giúp ổn định đầu ra cho nông dân, đồng thời nâng giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản của tỉnh và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp, ngành ban hành các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án chế biến, tổ chức sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành nghề chế biến nông, lâm sản, nhất là các chính sách đất đai, tín dụng, thị trường... Tập trung phát triển ngành nghề chế biến nông, lâm sản theo chuỗi giá trị, đặc biệt là những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh như chè, rau, quả, quế...

Ngành nông nghiệp cũng có nhiều giải pháp đồng bộ, hài hòa giữa phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Đồng thời, thực hiện thâm canh, ứng dụng công nghệ cao... nhằm hình thành những vùng chuyên canh sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, đủ điều kiện trở thành vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.

https://baolaocai.vn/bai-viet/359851-thu-hut-dau-tu-che-bien-nong-san

 

theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển làng nghề

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ quan tâm phát triển 06 nhóm ngành nghề nông thôn với mục tiêu phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Rộn ràng Ngày hội đọc sách tại trường PTDTBT THCS Bản Khoang, xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa

Ngày 19/4/2024, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Khoang (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa). Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 10,77% trở lên đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh

Đó là mục tiêu được tỉnh Lào Cai đặt ra đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh trong năm 2024.

3 dự án về nông nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

Quý I/2024, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 3 dự án về nông nghiệp.

Lào Cai phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới

Năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định và nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả ôn đới gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường quảng bá phát triển mở rộng các mô hình sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp, phục vụ nhu cầu du khách góp phần...

Triển khai công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai năm 2023

Để đảm bảo số liệu hiện trạng rừng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp và công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1522/UBND-NLN chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương triển khai một số nội dung về công bố hiện trạng rừng tỉnh...