Nậm Cang mùa lúa chín

Xã Nậm Cang thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị xã khoảng 36 km. Từ thị xã Sa Pa, du khách đi theo đường tỉnh 152 là đến Nậm Cang. Tuyến đường này chạy dọc suối, dễ di chuyển với các phương tiện như ô tô và xe máy, dọc đường có những dòng thác nhỏ với cảnh sắc thơ mộng.

Theo tiếng địa phương, Nậm Cang có nghĩa là nước ở đầu nguồn. Nậm Cang cũng là nơi khởi nguồn của 3 con suối: Nậm Cang, Nậm Pá và Nậm Thang - Chuyên cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân vừa là nơi nước tưới cho các cánh đồng tươi tốt quanh năm. Những năm gần đây Nậm Cang dần thu hút du khách bởi thiên nhiên vẫn còn hoang sơ, cảnh núi rừng trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang vàng óng và dòng suối trong lành.

Các thôn bản ngập tràn sắc vàng của lúa chín.

Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến miền đất hoang sơ này là những thửa ruộng bậc thang nằm tầng tầng lớp lớp dọc khắp thung lũng, bám chặt vào sườn đồi và xen lẫn vào những mỏm đá không biết có từ bao giờ. Thong dong trên những con đường mòn nhỏ hẹp là những ngôi nhà của người Dao, người Mông nép mình bên sườn núi, sườn đồi, rất giản dị, đã tồn tại gần trăm năm nay. Người dân ở đây sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và có thói quen lên rừng cũng như sinh hoạt bên những con suối. Đến với Nậm Cang, du khách được hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây. Đó là hình ảnh người đàn ông làm nghề chạm bạc, làm nương; những em bé người Mông, Dao rong chơi ở những con suối lớn nhỏ. Sẽ thật thú vị khi bạn được theo chân bà con ở đây đi vào khám phá trong khu rừng sâu. Hầu như họ lên rừng để hái lá cây rừng để làm thuốc hay tìm kiếm thức ăn. Có một trải nghiệm đặc biệt khác cho du khách đó là xin ngủ lại qua đêm ở một nhà dân, họ sẵn sàng nấu cho bạn một bữa cơm mang đậm hương vị của núi rừng. Hoặc bạn cũng có thể dừng chân nghỉ ngơi ở những homestay dưới chân núi. Tuy không phải là những điểm cư trú hiện đại, đầy đủ tiện nghi nhưng bù lại bạn sẽ được sống trong một không gian đơn giản và gần gũi với thiên nhiên.

Người dân Nậm Cang thu hoạch lúa.

Mùa lúa chín ở Nậm Cang nở rộ nhất là vào khoảng tháng 8 đến tháng 9. Lúc này dường như cả bản làng thay màu áo mới, một sắc vàng đầy tươi tắn và căng tràn nhựa sống. Sắc vàng tràn ngập triền đồi, trải dài bất tận và nhấn nhá thêm sắc xanh của núi rừng. Một hình ảnh bình yên, nhẹ nhàng và đầy chất thơ. Dường như cả bản làng như bừng tỉnh sau những ngày hè nắng chói chang. Trong làn gió thu nhẹ nhàng là mùi hương thơm của lúa chín, của cỏ cây, núi rừng.

Hiện tại, lúa ở Nậm Cang đã chín vàng và đang thu hoạch. Các hộ gia đình ở đây tập trung cấy lúa cùng nhau, luân phiên cho từng nhà, rồi lại cùng nhau gặp lúa giúp nhà còn lại. Vì vậy, du khách có thể thấy lúa vàng và xanh đan xen. Người dân không gặt hết đồng loạt mà sẽ gặt dần khi lúa chín hết. Thời gian lúa đẹp có thể còn kéo dài đến đầu tháng 9.

Khung cảnh thơ mộng khi mùa lúa chín.

Khoảnh khắc ấn tượng nhất của du khách khi đến Nậm Cang có lẽ là được thả mình trên những cung đường đèo uốn lượn ở Nậm Cang, ngắm khung cảnh ruộng bậc thang chín vàng. Mùi lúa thơm nức, tiếng suối chảy dưới chân núi... tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên hài hòa, làm dịu tâm hồn của bất kỳ ai. Đến với Nậm Cang mùa lúa chín, ngoài được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên yên bình, du khách không nên bỏ qua cơ hội thưởng thức những món ăn hấp dẫn như thắng cố, lẩu cá hồi, thịt lợn cắp nách…

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Khát vọng du lịch ở "cuối đất" Bảo Yên

Xã Tân Tiến được ví là nơi “cuối đất” của huyện Bảo Yên. Vùng đất xa xôi và còn nhiều khó khăn, thế nhưng cảnh vật, thiên nhiên tươi đẹp và nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây đã nhen lên khát vọng phát triển du lịch.

"Bức họa" Mường Khương nhìn từ trên cao

Nằm ở vị trí Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, huyện Mường Khương được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, hùng vỹ và những cánh đồng lúa bao la, tạo nên khung cảnh thiên nhiên hữu tình cuốn hút lòng người.

[Infographic] Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Ngày 5/7/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND về sửa đổi một số nội dung của Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025.

Trải nghiệm du lịch – nông nghiệp tại Nghĩa Đô

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, đại biểu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương đã đi tham quan, trải nghiệm một số mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trên địa...

Đưa Bắc Hà thành điểm đến đặc sắc của khu vực Tây Bắc

Phát triển huyện Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc giai đoạn 2024 - 2030 là mục tiêu của đề án mà Sở Du lịch trình UBND tỉnh để triển khai trong thời gian tới đây.

Lào Cai - Bức tranh sáng của ngành du lịch

6 tháng đầu năm 2024, bức tranh du lịch Lào Cai có những gam màu tươi sáng nhờ giữ được đà tăng trưởng ổn định, lượng khách tăng so với cùng kỳ năm trước; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch từng bước được nâng lên.