Động Tiên Cảnh - “cõi tiên” chốn trần gian

Giữa những dãy núi trập trùng, động Tiên Cảnh như viên ngọc quý đầy sắc màu. Người dân ví nơi đây như chốn “bồng lai tiên cảnh” bởi sự kỳ vĩ đầy mê hoặc của những khối thạch nhũ hàng nghìn năm tuổi và những câu chuyện còn lưu truyền mãi với thời gian.

 

Nhiều du khách lần đầu đến động Tiên Cảnh trầm trồ bởi vẻ đẹp của tạo hóa, ví nơi đây đẹp tựa chốn bồng lai và có những nét đặc trưng nhìn từ cửa động tựa như động Hương Tích (Hà Nội).

Động Tiên Cảnh nằm trên dãy núi cao của bản Thâu 1, xã Xuân Thượng (Bảo Yên), cách trung tâm huyện Bảo Yên hơn 10km. Cửa hang động nằm giữa rừng cây rậm rạp, nên đây là một trong những hang động kỳ bí bậc nhất Lào Cai đáng để khám phá. 

Đường vào động Tiên Cảnh.

Động Tiên Cảnh có tổng chiều dài 158m, như một tòa lâu đài thạch nhũ mang vẻ đẹp của cõi thần tiên với rất nhiều khối nhũ đá, cột nhũ đá muôn sắc xếp tầng tầng lớp lớp tạo ra một chỉnh thể thống nhất.

Người dân bản Thâu 1 luôn hào hứng “khoe” với khách phương xa về thắng cảnh động của quê mình, không chỉ có cảnh sắc đẹp mà còn gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào Dao tuyển nơi đây cùng những câu chuyện lịch sử còn mãi với thời gian.

Vẻ đẹp động Tiên Cảnh.

Theo những người già trong bản Thâu 1 kể lại, động Tiên Cảnh nằm trên dãy núi Thẻ, trước đây thường gọi là hang Thẻ. Sở dĩ dãy núi và hang động có tên gọi như thế vì tại nơi đây bà con đã đoàn kết, họp bàn kế hoạch kháng chiến, chống lại quân giặc xâm lăng, bảo vệ quê hương. Ông Đặng Văn Bồi, Bí thư Chi bộ bản Thâu 1 và cũng là người cao tuổi trong làng nhớ lại: Người Dao tuyển chọn vùng đất này để an cư đã cả chục đời nay. Theo câu chuyện kể lại, năm 1946 để đánh dấu cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, để ghi nhớ niềm vui người dân được cầm tấm thẻ cử tri đầu tiên đi bầu cử, dân làng đã họp bàn và quyết định đặt tên hang là hang Thẻ.

 

Từ đó cho đến mãi về sau, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc, động Tiên Cảnh phát huy vai trò đối với việc giữ gìn sự an toàn cho người dân địa phương. Đây là nơi ẩn nấp an toàn của dân làng để tránh bom máy bay B52 của đế quốc Mỹ và sự truy lùng của giặc…

Dọc theo đường lên động Tiên Cảnh, du khách có thể bắt gặp những bức tranh quê tuyệt đẹp bất cứ lúc nào. Phóng tầm mắt xuống phía dưới là những đồng lúa, nương ngô, con suối uốn lượn ngay dưới chân núi. Đưa tầm mắt ra phía xa có thể nhìn thấy một vùng quê miền sơn cước rất bình yên.

Sau khi đi qua hơn 400 bậc thang lên động Tiên Cảnh, du khách sẽ được đắm chìm trong chốn “bồng lai tiên cảnh” với sự xuất hiện của vô số khối nhũ đá nhiều màu sắc hư ảo và đặc biệt là nền nhiệt vô cùng mát mẻ, phù hợp với sự trải nghiệm cho những ngày hè nóng bức.

Những khối đá, nhũ đá tuyệt đẹp.

Động có 3 khu vực hội tụ những nét riêng biệt, không lẫn nhau về hình nhũ và cảnh sắc mà tự nhiên kiến tạo, tạo thành điểm hấp dẫn du khách ưa loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá. Về tổng thể, mái cửa động giống như hàm của con rồng đang mở rộng, ngáp dài sau bao thế kỷ nằm ngủ yên giữa thiên nhiên hùng vỹ.

 

Bước qua cửa động là động Sơn Trang với vòng động màu nâu, nền động thoải cùng vân đá như những thửa ruộng bậc thang của vùng núi cao thu nhỏ, đây là khu vực tập trung nhiều nhũ đá nhất, tạo thành sơn lâm hùng vỹ. Đứng ở mỗi góc nhìn khác nhau, mỗi người đắm chìm vào những cảm xúc của riêng mình, nhưng có một điểm chung không thể phủ nhận đó là thấy được vẻ tuyệt mỹ của thắng cảnh này.

Người dân ngắm vẻ kỳ ảo của động.

Khu vực tiếp theo được người địa phương đặt tên là Thủy Cung. Trên rạn san hô, nhũ đá được khéo léo tạo hình bức tượng mẹ bồng con trước ngực, ở phía dưới có 3 cột đá nối liền thông đến đỉnh động giống như trụ cổng trước khi vào thủy cung, cánh cổng tự nhiên mở ra cả một tòa thiên nhiên kỳ vỹ, đặc sắc.

Một điều đặc biệt khi khám phá động Tiên Cảnh đó là sự kỳ diệu của những phiến đá và cột đá. Chúng có sự liên kết cộng hưởng với nhau để khi ta gõ nhẹ vào sẽ tạo nên một dải âm thanh kỳ lạ như của tiếng cồng chiêng, tiếng trống. Tất cả tạo nên bản hợp xướng âm nhạc mà người nhạc trưởng chính là bạn. 

Với những vẻ đẹp kỳ vĩ, riêng có, động Tiên Cảnh đang là điểm đến của những du khách ưa trải nghiệm. Nếu là người ưa mạo hiểm, kiếm tìm vẻ đẹp độc đáo, hãy đến với Tiên Cảnh để có những phút giây được lạc giữa chốn bồng lai bạn nhé!

https://baolaocai.vn/bai-viet/355774-dong-tien-canh--coi-tien-chon-tran-gian

 

Tin Liên Quan

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.

Lào Cai hưởng ứng Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”

Để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024, thúc đẩy phát triển du lịch và triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, tỉnh Lào Cai tham gia phát động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai - điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ

Chỉ còn hai ngày nữa kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 sẽ chính thức bắt đầu. Theo kế hoạch, dịp này các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu, thu hút du khách. Hiện các điểm du lịch, cơ sở lưu trú cũng đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, nhằm mang đến cho du khách một kỳ nghỉ thú vị.

Khảo sát, điền dã các di tích danh lam, thắng cảnh tại huyện Bát Xát

Trong 2 ngày, 23 và 24/4, UBND huyện Bát Xát phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện khảo sát, điền dã thác Ong Chúa và đỉnh núi Nhìu Cồ San (thuộc thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát) để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh.

Ra mắt sản phẩm du lịch “Điểm hẹn - Chợ tình Sa Pa”

Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội mùa hè Sa Pa năm 2024, thị xã Sa Pa sẽ giới thiệu và ra mắt du khách trong và ngoài nước sản phẩm du lịch “Điểm hẹn - Chợ tình Sa Pa”.

Lào Cai tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tại Nhật Bản

Từ ngày 21 - 26/4, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Nhật Bản.