Ngược Nậm Pung thưởng thức rượu thóc

Những năm gần đây, bên cạnh rượu San Lùng, huyện Bát Xát còn xuất hiện một số loại rượu cũng ngon không kém, trong đó có rượu thóc Nậm Pung.
 
Nói đến đặc sản rượu ở huyện Bát Xát, lâu nay người ta luôn nhắc đến rượu San Lùng - sản phẩm của đồng bào Dao ở thôn San Lùng (xã Bản Xèo) đã trở thành thương hiểu nổi tiếng cả nước. Mấy năm trở lại đây, bên cạnh rượu San Lùng, trên địa bàn huyện Bát Xát còn xuất hiện thêm một số loại rượu mới cũng ngon không kém, trong đó không thể không nhắc đến rượu thóc Nậm Pung do đồng bào dân tộc Dao đỏ ở xã Nậm Pung nấu.
 

Chưng cất rượu.

Cả xã Nậm Pung có gần 300 hộ dân với xấp xỉ 2.000 nhân khẩu thì dân tộc Dao đỏ chiếm 75% dân số. Hầu hết các hộ Dao đỏ ở đây đều có nghề nấu rượu lâu đời, trong đó nổi tiếng hơn cả là thôn Nậm Pung nằm ở trung tâm xã. Rượu Nậm Pung trước đây được nấu chủ yếu bằng giống thóc của địa phương, hiện nay đồng bào Dao đỏ dùng các loại lúa lai như: LC 70, LC 212, Nhị ưu 838 thay thế.

Anh Lý Díu Lù, người đã có hơn 20 năm làm nghề nấu rượu cho biết: Quá trình chưng cất rượu thóc Nậm Pung không có gì khác biệt lớn so với những loại rượu khác, chỉ có điều được nấu trên bếp lò đắp bằng đất trong gian bếp của đồng bào Dao đỏ tại xã. Cứ 50 kg thóc thì chưng cất được khoảng 20 lít rượu. Rượu nấu ra có nồng độ từ 47 đến 50 độ. Tuy có nồng độ cao, nhưng điều đặc biệt là rượu Nậm Pung có vị êm say, thơm, ngọt, dễ uống chứ không có vị nồng, đắng như rượu thóc ở một số nơi khác. Rượu không gây đau đầu, càng ủ lâu ngày càng thơm ngon hơn…

Theo anh Lý Kin Hin, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Pung, cũng là người sinh ra trong gia đình có nghề nấu rượu truyền thống, sở dĩ rượu thóc Nậm Pung ngon, có hương vị đặc biệt và sánh ngang với rượu thóc San Lùng bởi người Dao đỏ ở Nậm Pung qua hàng trăm năm sinh sống ở đây đã đúc rút ra được những bí quyết riêng trong nghề nấu rượu thóc. Thóc nấu rượu được trồng trên đất Nậm Pung. Men ủ rượu cũng phải là men do đồng bào làm từ nhiều loại thảo dược đặc biệt lấy từ trong rừng. Do Nậm Pung nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mặt biển, điều kiện khí hậu trong lành, mát quanh năm với nhiệt độ trung bình khoảng 14 độ C - 16 độ C, biên độ dao động nhiệt trong ngày không lớn, đây là điều kiện lý tưởng để lên men rượu. Nguồn nước nấu rượu được dẫn về từ rừng già Phìn Hồ, Kin Chu Phìn, Tả Lèng… là yếu tố quan trọng mà thiên nhiên ban tặng cho Nậm Pung để nấu rượu mà không phải nơi nào cũng có. Ngoài ra, để rượu có hương vị đặc biệt, thì thóc ủ hay nước nấu rượu đều phải được đựng trong những thùng làm bằng gỗ pơ mu cổ thụ trên núi…

Trước đây, rượu thóc Nậm Pung chỉ để phục vụ cho nhu cầu của các gia đình tại địa phương. Hiện nay, đồng bào Dao đỏ ở Nậm Pung đã phát triển nghề nấu rượu thóc truyền thống này để trở thành hàng hóa, đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Rượu thóc Nậm Pung, một đặc sản của đồng bào Dao đỏ Bát Xát đang dần chinh phục khách hàng khắp nơi, khẳng định chất lượng và vươn tới trở thành thương hiệu hàng hóa nổi tiếng cả nước./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.