Đến thăm Đền Cấm Lào Cai

Cách đây gần 200 năm, Đền Cấm được xây dựng trong khu rừng cấm phía sau Ga Quốc tế Lào Cai (phường Phố Mới ngày nay) để thờ phụng và tưởng nhớ chiến công oanh liệt của quan binh thời Trần. Đền còn thờ một nhân vật hết sức quan trọng là bà chúa Cấm - người được nhân dân địa phương tôn vinh như một vị thần chữa bệnh cho dân.
 


Đền Cấm - nét đẹp cổ kính.

Đền Cấm trước kia là nơi nhận lệnh tác chiến và là đại bản doanh của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Khi đóng quân tại đây, do rừng thiêng nước độc, nhiều quân lính của ta xuống sức, ốm đau bệnh tật. Vừa lúc đó có một người đàn bà mặc quần áo dân tộc đem thuốc trong rừng đến chữa bệnh cho quân ta khoẻ mạnh rồi đi mất. Tin đó là người do trời cử xuống giúp nên quân sĩ cố gắng chiến đấu hết mình để bảo vệ bờ cõi Tổ quốc.

Để tỏ lòng thành kính và biết ơn, nhân dân Lào Cai đã cùng nhau góp sức, góp của lập nên đền thờ vị tướng Trần Hưng Đạo và các binh lính nhà Trần đã hy sinh; nhưng cũng không quên tôn vinh người đàn bà dân tộc năm nào đã chữa khỏi bệnh cho quân nhân nhà Trần là bà chúa Cấm.

Trước kia, Đền Cấm chỉ là một ngôi miếu nhỏ, sau đó mới được xây dựng thành đền. Ngày nay, Đền Cấm đã được trùng tu khang trang, to đẹp theo kiến trúc cổ hình chữ Đinh với mái đền 2 tầng uốn cong hình con thuyền tạo nên sự thanh thoát. Đền có 3 dãy nhà chính: Nhà Đại Điện, nhà Tả Vu và Hữu Vu. Ngoài hai dãy nhà Tả Vu, Hữu Vu còn có lầu cô bé bản đền và cậu bé bản đền (cô Cấm, cậu Cấm - người cai quản khu rừng và đền).
 


Khuôn viên Đền Cấm.

Ngày Thìn đầu tiên của tháng 7 âm lịch hằng năm được chọn làm ngày lễ của Đền Cấm. Vào ngày lễ, nhân dân trong vùng cùng tới để mổ lợn ngay tại sân đền. Sau khi cúng lễ xong, nhân dân dự tiệc bằng cách bày thịt và một số những thức ăn khác lên lá chuối đã làm sạch. Tất cả không dùng bát đũa mà dùng tay thụ lộc và uống rượu bằng ống nứa được cắt ngắn cẩn thận. Tương truyền rằng: Xưa kia quân lính nhà Trần đi đánh trận không có mâm, bát đũa nên phải dùng lá chuối làm mâm và ăn bằng tay.

Ngôi đền nằm dưới chân quả đồi thấp, phía trước là các cây cổ thụ toả bóng và hương thơm ngát, kề bên là hồ nước xanh phẳng lặng đã tạo cho đền một cảnh quan lý tưởng. Năm 2001, Đền Cấm được Bộ Văn hoá và Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá cấp Quốc gia./.
Thanh Huyền

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...