Việt Nam nêu ưu tiên tại Ủy ban Địa vị phụ nữ LHQ để tiến tới bình đẳng giới

Việt Nam sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về an sinh xã hội, ưu tiên vấn đề cải cách bảo hiểm xã hội, học tập suốt đời cho phụ nữ và trẻ em gái, tạo việc làm đối với phụ nữ cao tuổi và phụ nữ di cư để đạt được mục tiêu bình đẳng giới đã đề ra.
Đây là nội dung phát biểu sáng 13/3 (theo giờ Mỹ) của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung tại Khóa họp lần thứ 63 Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên Hợp Quốc (LHQ) tại thành phố New York.

Tại diễn đàn lớn nhất của LHQ về bình đẳng giới và quyền phụ nữ này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ quyết tâm của Việt Nam tiến tới mục tiêu trên, mặc dù Việt Nam cũng như nhiều quốc gia thành viên của LHQ khác hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo, già hóa dân số và biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ ủng hộ với những vấn đề trọng tâm trong khóa họp lần này vì đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các Công ước quốc tế về quyền con người, quyền của phụ nữ và trẻ em gái, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, cũng như Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng sau 25 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, thế giới đã có những bước tiến dài trên chặng đường thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em. Ủy ban Địa vị phụ nữ LHQ đã thực hiện tốt vai trò là diễn đàn lớn nhất và có tầm quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực bình đẳng giới, là nơi đề ra các ý tưởng, chiến lược, định hướng về vấn đề bình đẳng giới cho các quốc gia thành viên LHQ. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định “sự hội nhập và nâng cao quyền năng cho phụ nữ đã có tác động mang tính dây chuyền tích cực và quan trọng đối với từng quốc gia, khu vực và toàn cầu”, dẫn chứng các báo cáo đều cho thấy những thành công trong việc giảm đáng kể sự bất bình đẳng về thu nhập và phi thu nhập thông qua sự kết hợp các chính sách tiến bộ về kinh tế và xã hội. Tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững là xu hướng chung mà các quốc gia thành viên đã và đang hướng tới.

Bộ trưởng cho biết Việt Nam cũng như nhiều quốc gia thành viên trong LHQ khẳng định bảo đảm an sinh xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia. Hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nói chung, cho phụ nữ và trẻ em gái nói riêng gồm 4 trụ cột: Thứ nhất là chính sách thúc đẩy việc làm bền vững và giảm nghèo cho phụ nữ và trẻ em gái, thứ hai là chính sách bảo hiểm xã hội, thứ ba là chính sách trợ giúp xã hội, thứ tư là các chính sách bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản. 

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại Diễn đàn, Bộ trưởng cũng chia sẻ một số thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc rút ngắn khoảng cách bình đẳng giới như tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam hiện là 71,2% và Việt Nam đã đạt được tốc độ giảm nghèo liên tục và bền vững trong hơn 30 năm qua. Chính phủ Việt Nam cũng cam kết dành khoảng 2,6% tổng GDP hàng năm cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội cho những người dân yếu thế nhất trong xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái. Theo khảo sát năm 2018 của Mastercard, tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp của Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp và xếp thứ 6/57 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam có mặt trong 10 nước cao nhất thế giới về chỉ số này và tiếp tục duy trì thứ hạng về chỉ số cơ hội và tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ.

Bộ trưởng cũng đóng góp ý kiến cho rằng, trước mắt cần chú trọng đến công tác tổng kết 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, từ đó tìm ra những giải pháp và khuyến nghị phù hợp ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Ông cho rằng cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa cho những hoạt động phối hợp trong những lĩnh vực như an sinh xã hội, giáo dục, giảm nghèo, trao quyền kinh tế, bảo vệ môi trường và các hành động ứng phó với vấn đề khí hậu. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng kêu gọi các quốc gia thành viên cam kết dành một tỷ lệ GDP thích đáng vào ngành dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là chăm sóc trẻ em. Nghiên cứu cho thấy chỉ cần đầu tư 2% GDP vào dịch vụ này, số lượng việc làm sẽ tăng khoảng 2,4-6,1%. Từ đó, phần lớn các công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm và các chính sách này sẽ thúc đẩy việc làm nói chung và tăng trưởng kinh tế.

Khóa họp 63 của Ủy ban Địa vị phụ nữ LHQ diễn ra tại thành phố New York từ ngày 11-22/3, với sự tham dự của hơn 100 phó tổng thống, phó thủ tướng và bộ trưởng trên khắp thế giới cùng nhiều đại diện của các tổ chức đa phương, phi chính phủ./.              

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.