Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về bình đẳng giới

Ngày 25/6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao - Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” đã tổ chức Hội nghị “Vai trò của phụ nữ trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2013 của Dự án.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự và điều hành Hội nghị có: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Quốc gia Dự án; Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; Thứ trưởng Thường trực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Bình đẳng giới, nâng cao sự tham gia, đóng góp của phụ nữ, tận dụng và phát huy tối đa nguồn nhân lực nữ đang trở thành một yêu cầu khách quan, là mục tiêu hàng đầu và cũng là giải pháp cho phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, thúc đẩy và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn về bình đẳng giới được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, cần tiếp tục “đổi mới” cách thức triển khai công tác bình đẳng giới, “nâng tầm” để phù hợp với thực tiễn và bước đi của quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Trong bài phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Quốc gia Dự án về “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” cho rằng: Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu việc kết thúc tốt đẹp chương trình hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và UNDP về nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn 5 năm triển khai dự án với hơn 200 hoạt động ở các cấp, các ngành, các loại hình, các quy mô khác nhau, đã tạo điều kiện cho Bộ Ngoại giao được sát cánh cùng các Bộ, Ban, ngành các địa phương đóng góp cho sự nghiệp bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Thông qua các hoạt động của Dự án, Bộ Ngoại giao đã góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế về bình đẳng giới, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế để góp phần cho đề xuất và xây dựng chính sách trong nước, nâng cao năng lực của đông đảo cán bộ nữ, đặc biệt tại các địa phương, và thúc đẩy đồng thuận xã hội về bình đẳng giới.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Pratibha Mehta, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng các nước cần có hành động tập thể để thúc đẩy vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới, nhất là khi chỉ còn 2 năm nữa là đến thời hạn hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu số 3 về bình đẳng giới. Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và có rất ít quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã đạt được những thành tựu như Việt Nam. Trong mục tiêu số 3 về bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt được 2 trong ba chỉ tiêu, cụ thể là nâng tỷ lệ trẻ em gái được tiếp cận giáo dục ở bậc tiểu học và trung học cơ sở và tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội (Việt Nam hiện là một trong những nước đứng đầu trong khu vực về tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội).

Đại diện các tổ chức quốc tế, các diễn giả đều nhấn mạnh do tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, việc nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ đang trở thành quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế và được coi là một trong những nỗ lực và giải pháp để phục hồi kinh tế. Phụ nữ chiếm tới hơn 50% dân số và đóng góp gần 50% lực lượng lao động có tay nghề cao, kỹ năng quản lý tốt, việc thực hiện tốt công tác bình đẳng giới sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, khắc phục khó khăn, góp phần phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững hơn.

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận một số vấn đề thời sự khác như những thách thức đặt ra đối với việc thực hiện bình đẳng giới trong giai đoạn hậu khủng hoảng, tăng cường hợp tác quốc tế về bình đẳng giới trong tình hình mới, vấn đề tuổi nghỉ hưu, tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ thực hiện điều 187 Bộ luật Lao động 2012. Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo và đại diện các Bộ, ban, ngành, các địa phương đánh giá cao vai trò của Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới trong quá trình triển khai hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó Dự án hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và UNDP là một điển hình. Nhận thấy những đóng góp tích cực, hiệu quả, ở tầm quốc tế của dự án đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Ngoại giao và UNDP đã quyết định kéo dài dự án giai đoạn 2013 - 2016. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga đại diện Bộ Ngoại giao và bà Pratibha Mehta đại diện UNDP tại Việt Nam đã ký kết văn kiện Dự án giai đoạn 2013 - 2016
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!