Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao ở Bản Hồ (Sa Pa)

Lễ cấp sắc và cúng Bàn Vương - nghi lễ không thể thiếu trong vòng đời mỗi người dân tộc Dao. Nghi lễ này hiện là một nét bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo ở vùng cao Bản Hồ (Sa Pa).

Theo quan niệm của người Dao, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì không coi là người trưởng thành. Người đã qua cấp sắc sẽ được tham gia vào các công việc hệ trọng của thôn, bản, được giúp việc cho thầy cúng, nếu biết chữ Nôm Dao, biết cúng thì được cúng bái. Người Dao còn cho rằng, có trải qua lễ cấp sắc mới biết lẽ phải, trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở xã Bản Hồ (Sa Pa), có nhiều cấp bậc. Mỗi cấp bậc phản ánh một trình độ khác nhau của các trò được cấp sắc, cấp sắc 3 đèn là thầy nhỏ nhất, cấp sắc 7 đèn làm thầy vừa phải, cấp sắc 12 đèn là cấp sắc cao nhất trong cấp độ làm thầy. Trong quá trình cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ, các thầy chính (có 3 thầy) sẽ cấp giao thêm quân âm binh cho các trò nam từ 120 quân âm binh, lên thành 180 quân âm binh, để các trò sau này đi đâu, làm gì không phải sợ vì có quyền điều hành binh mã.

Tuy nhiên, giữa các dòng họ người Dao đỏ xã Bản Hồ cũng có những tập quán, những quy định riêng, vì thế không phải tất cả các họ người Dao đỏ ở đây cũng phải cấp sắc 12 đèn như họ Phàn (tức là họ Bàn - họ tổ của người Dao).

Để tổ chức cấp sắc 12 đèn, gia chủ phải tìm chọn thầy rất kỹ. Người hành lễ phải đủ 13 thầy, là thầy cúng cao tay, gia đình có đức đạo, con cái đề huề, các thầy am hiểu tường thông gốc rễ của lễ cấp sắc, biết tổ chức các bước trong buổi lễ. Ngày tháng cấp sắc phải được tìm chọn cẩn thận, làm sao cho ngày đó không phải là ngày đại kỵ hay kiêng của các họ cùng được cấp sắc lần này. Thời gian tiến hành lễ cấp sắc kéo dài 7 ngày. Một tuần trước khi làm lễ, người được cấp sắc phải ăn đồ ăn không có mỡ, phải kiêng sát sinh và không được quan hệ nam nữ, tránh gây xô xát với người khác. Gia chủ còn phải mời một người đầu bếp có kinh nghiệm nấu ăn để lựa chọn từng loại thức ăn riêng cho người thụ lễ, thầy cúng, khách và một người đầu chiếu biết cách sắp xếp vị trí ngồi hành lễ. Thầy cấp sắc 12 đèn là thầy đã trải qua quá trình thụ lễ 12 đèn, khi đó mới đủ trình độ để cấp sắc cho các trò. Người được cấp sắc phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, họ phải học thông thạo các nghi lễ kiêng kỵ, các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao.

Sau phần lễ là phần hội, nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn với sự tham gia của đông đủ người dân trong bản, thể hiện sự tự do hòa nhịp với các nhạc cụ thanh la, não bạt, trống, chuông lắc... với nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, diễn tả về việc làm nương, tra hạt, làm nhà... Kết thúc lễ cấp sắc, thầy sẽ làm lễ tạ ơn tổ tiên, sư phụ đã ủng hộ các thầy làm lễ cấp sắc đạt kết quả tốt, đồng thời lấy bánh trong buổi lễ cấp sắc cho mọi người cùng ăn, thưởng thức, chia vui với người được cấp sắc. Từ đây, chàng trai thụ lễ cấp sắc 12 đèn đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.

Lễ cấp sắc của người Dao đậm giá trị nhân văn, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu. Chính vì thế, nghi lễ linh thiêng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc này cần phải được gìn giữ và phát huy./.

Thanh Huệ (Báo LCĐT)

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...