(Nguồn: pbs.twimg.com)
 
Khoảng 5.000 đại biểu, trong đó có các thống đốc ngân hàng trung ương, quan chức chính phủ và chủ doanh nghiệp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu tham gia sự kiện này.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lo ngại về các chính sách hướng nội và nguy cơ địa chính trị ngày càng gia tăng có thể tác động xấu đến hoạt động kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hợp tác khu vực cũng đang thu hút sự chú ý bởi năm 2017 đánh dấu mốc 20 năm xảy ra cuộc khủng hoảng châu Á 1997, từng khiến động baht của Thái Lan và nội tệ nhiều nước khác mất giá thảm hại, gây rối loạn các nền kinh tế khu vực.

Ngân hàng ADB, có trụ sở tại Manila (Philippines), dự báo các nền kinh tế trong khu vực, bao gồm cả một số nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm 2017. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự không chắc chắn liên quan đến các chính sách kinh tế và thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), và cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp. Thông qua các cuộc thảo luận, dự kiến kéo dài tới ngày 7/5, các phái đoàn tham dự sẽ đề cập các nguy cơ tiềm ẩn đối với tăng trưởng kinh tế và tìm cách thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các nước về xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng chống dịch bệnh và cải thiện chăm sóc y tế.

Dự kiến, một loạt cuộc gặp đa phương sẽ diễn ra bên lề hội nghị thường niên của ADB. Ngày 5/5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ gặp nhau để trao đổi quan điểm về các diễn biến tài chính gần đây trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang sau khi Triều Tiên liên tục phóng tên lửa. Cùng ngày, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhật Bản và ASEAN sẽ nhóm họp để thảo luận hợp tác trong các tình huống khủng hoảng. Sáng kiến Chiang Mai (Chiềng Mai), một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương ký kết sau cuộc khủng hoảng năm 1997, dự kiến là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa các lãnh đạo tài chính của ASEAN với các đồng cấp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc./.