Rộn ràng chợ phiên Cán Cấu

Dù không được xây dựng khang trang như ở Sa Pa, Bắc Hà, nhưng chợ phiên Cán Cấu (Si Ma Cai) lại thu hút khách thập phương bởi sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nơi vùng cao miền biên viễn Lào Cai.

Toàn cảnh chợ  Cán Cấu

Nằm ngay dưới chân con dốc quanh co, nhìn từ trên cao xuống, chợ Cán Cấu rực rỡ muôn vàn sắc màu trang phục của những thiếu nữ người Mông trên miền sơn cước. Bao quanh chợ là những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau bám vào sườn núi, tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Chợ phiên Cán Cấu họp trên một bãi đất nhỏ thuộc xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 80 km. Tuy chỉ là phiên chợ nhỏ, với những lều tạm, những gian hàng chỉ được dựng lên vào ngày họp chợ, nhưng chợ lại làm say lòng du khách bởi tính hoang sơ, dân dã của đất và người Cán Cấu. 

Rất đông người dân xuống chợ mua sắm đồ.

Chợ họp vào thứ bảy hàng tuần, là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của người Mông, Dao, Tày các xã Cán Cấu, Lửu Thẩn (Si Ma Cai) và Lùng Phình (Bắc Hà). Bà con đến chợ mang theo đủ thứ hàng nông thổ sản, nào là ngô, ớt, lạc, mía, sắn, chè shan, hoa quả, mật ong, rượu, trang phục thổ cẩm, đồ trang sức bạc những thứ hàng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người vùng cao. Đây đó, những thanh niên từ các bản vùng cao xuống chợ dắt theo những con ngựa, trâu, lợn... càng làm cho hoạt động trao đổi hàng hóa nơi đây thêm phần nhộn nhịp. Không chỉ đến để mua bán, người dân các xã xung quanh xuống chợ, chơi chợ như một thú vui vào mỗi dịp cuối tuần. 

Chợ Cán Cấu có nhiều khu, mỗi khu bày bán những mặt hàng đặc trưng khác nhau, từ rau quả, thảo dược, gia vị, đồ dùng gia đình... nhưng đặc trưng nhất có lẽ là khu vực bán gia súc. Người dân Si Ma Cai chủ yếu dùng gia súc tốt để phục vụ nông nghiệp, những con gia súc đem đi bán phải là những con khỏe nhất, béo nhất. Đây có lẽ cũng là khu vực náo nhiệt nhất và được nhiều người quan tâm nhất và thu hút nhiều người không kém là khu ẩm thực. Đây là nơi những người ở các bản xa gặp gỡ, cùng nhau thưởng thức thắng cố - đặc sản của đồng bào Mông nơi đây. Và trong không khí náo nhiệt, du khách dừng chân, thưởng thức bát thắng cố nóng hôi hổi, thơm thơm mùi lá chanh, ngòn ngọt vị xương ngựa và nhâm nhi chén rượu ngô đậm đà, cay cay và cùng tận hưởng không khí rộn ràng, náo nhiệt của chợ... 

Đến chợ Cán Cấu, du khách đừng quên ghé thăm khu chợ chim. Ở đây, có rất nhiều loài chim được đồng bào mang bán như họa mi, ngũ sắc, quế lâm, khướu… Mỗi loài mang một nét đẹp riêng, có những loài được người chơi thích vì có bộ lông đẹp mượt mà như hoàng yến, thanh tước, hồng tước, yến phụng, chích chòe lửa... cũng có những loài chim được lựa chọn bởi có tiếng hót hay như chào mào, khướu, họa mi… 

Với những nét văn hóa độc đáo của mình, chợ Cán Cấu không chỉ hấp dẫn người bản địa, mà những du khách đều bị hút hồn bởi sắc màu rực rỡ của những bộ váy, áo truyền thống của thiếu nữ dân tộc Mông, những gian hàng bán thổ cẩm, họ cũng bị cuốn hút bởi sự náo nhiệt của những hàng thắng cố đông đúc, nhộn nhịp… 

Bài và ảnh: Đặng Ngọc Luyến (Theo baotintuc.vn)

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...