Triển khai các giải pháp nhằm duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2013

Năm 2012, kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn, tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam vốn đã mang những khó khăn nội tại. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đưa ra các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm 2013 vẫn là năm còn rất khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bất ổn kinh tế toàn cầu làm Việt Nam thêm khó khăn


Kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn, đã tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam vốn đã gánh những khó khăn nội tại



Năm 2012, kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn như tăng trưởng kinh tế chậm lại, thâm hụt tài khóa nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt, các cuộc khủng hoảng nợ quốc gia ở châu Âu gây ra sự bất ổn tài chính làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Những yếu tố này đã tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam, bên cạnh những khó khăn nội tại như mất cân đối vĩ mô, lạm phát ở mức cao, doanh nghiệp gặp khó khăn...

Với mục tiêu phân tích, đánh giá thực trạng một năm đầy khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam và đưa ra những dự báo, triển vọng phát triển trong năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo khoa học “ Kinh tế Việt Nam năm 2012 – Triển vọng phát triển năm 2013”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, trong bối cảnh khó khăn chung đó, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc đưa ra các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế tránh được một năm giảm sâu; giá cả được kiểm soát; thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, cán cân tổng thể được cải thiện; các vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm…

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống mức 5,2%; nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất và khó khăn trong tiếp cận vốn; nợ xấu tăng cao; hiệu quả vốn đầu tư chưa được cải thiện nhiều; tiêu dùng giảm sút…

Trên cơ sở những phân tích, nhận định về tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu đã đưa ra những dự báo, những đề xuất, gợi mở những hàm ý chính sách đối với công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan trong năm 2013 – năm mà theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng như quốc tế đánh giá sẽ là một năm còn rất khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013


 


Mục tiêu năm 2013 vẫn là tiếp tục duy trì và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, làm cơ sở đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng



Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013. Theo đó, mức lạc quan nhất là tăng trưởng 6,3% và mức thấp nhất là 5%.

Theo ông Lương Văn Khôi, Trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, mục tiêu năm 2013 vẫn là tiếp tục duy trì và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, làm cơ sở đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Từ thực tế kinh tế Việt Nam trong những năm qua, dự báo cho rằng, tăng trưởng của kinh tế năm 2013 vẫn phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu. Nhóm nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013.

Kịch bản thấp dự báo tăng trưởng GDP ở mức 5% nếu kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, nợ công châu Âu chưa có lối thoát, bất ổn chính trị ở Trung Đông, tăng trưởng kinh tế Nhật chưa được cải thiện, kinh tế Mỹ không phục hồi như mong muốn… làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam (chỉ tăng trưởng 12,8%), nhập siêu 2,4%, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP chỉ là 29%.

Theo kịch bản 2-tăng trưởng GDP 5,68%, nếu nợ công châu Âu tìm thấy lối thoát, xung đột chính trị thế giới giảm bớt, kinh tế Mỹ phục hồi, tăng trưởng kinh tế Nhật bản như năm 2012, thương mại toàn cầu tốt hơn năm 2012, FDI vào Việt Nam khả quan hơn, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP là 30,5% và tăng trưởng xuất khẩu 14,6%.

Với kịch bản tăng trưởng cao ở mức 6,34% , nếu nợ công châu Âu được giải quyết cơ bản, kinh tế và thương mại thế giới tăng trưởng khá, còn trong nước khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh và giải quyết nợ xấu, đón bắt được xu hướng dịch chuyển dòng FDI từ Trung Quốc, Ấn Độ sang ASEAN, tăng trưởng xuất khẩu 16,3%, nhập siêu 6,6%.

Trong các dự báo trên, kịch bản chủ có nhiều khả năng xảy ra nhất là nền kinh tế Việt Nam năm 2013 tăng trưởng đạt mức 5,68%. Để đạt được mức tăng trưởng trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị một số chính sách mang tính tổng thể.

Cụ thể, đầu tiên cần chú trọng triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế nhà nước. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công. Cần khẩn trương có giải pháp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp như thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí…, hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chú ý tập trung vào đối tượng thu nhập trung bình và thấp trong xã hội. Thực hiện các chính sách thu hút các nguồn vốn trong nước đưa vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.


 


Trong 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013, nhiều khả năng nền kinh tế Việt Nam năm tới tăng trưởng đạt mức 5,68%
 


Đặc biệt, cần có giải pháp phá băng thị trường bất động sản nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp (nhất là những chính sách về đất đai, đầu tư…) nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn FDI từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, …, vào các nước ASEAN, định hướng dòng vốn này vào những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, loại bỏ những dự án đầu tư với công nghệ cũ, lạc hậu…

Đây cũng là những giải pháp đã được Chính phủ triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa được ban hành cũng tiếp tục yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải bám sát tình hình, tiếp tục nỗ lực thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát, xây dựng đề án xử lý nợ xấu; có giải pháp tích cực, đồng bộ để tranh thủ và thu hút mạnh nguồn vốn ODA, FDI, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng nhiều lao động.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phù hợp với điều kiện thực tế, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản; có giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.

“Hiện kịch bản giải cứu cho nền kinh tế, cho bất động sản chúng tôi đã có trong tay rồi. Bất động sản sẽ được cứu bằng giải pháp tài chính”. Thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Tp.HCM và các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, ngày 15/12.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, việc tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản hiện nay là rất quan trọng. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% hiện nay xuống còn 20 - 23%. Những doanh nghiệp dưới 200 lao động, doanh thu dưới 20 tỉ đồng sẽ có mức thuế 20%.

Bộ Tài chính cũng đang đề xuất tiếp tục giãn thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng năm 2013 và các doanh nghiệp bất động sản sẽ có thời gian giãn thuế nhiều hơn, đồng thời phối hợp với các địa phương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư phát triển, làm tăng tổng cầu qua đó sẽ giúp kích thích thị trường bất động sản. Đối với thị trường vật liệu xây dựng, Bộ Tài chính cũng đang đề nghị giải pháp hỗ trợ thích hợp.

Ổn định kinh tế vĩ mô và trách nhiệm cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp


 


Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, trong năm 2013, vấn đề quan trọng nhất là tạo được sự gắn kết trách nhiệm cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp



TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ví nền kinh tế của Việt Nam qua 11 tháng đầu năm 2012 giống bức tranh kinh tế chung của thế giới và khu vực, với chủ đề chung là màu xám. Nhưng nhìn ra xa hơn và nhìn vào những yếu tố vi mô thì trong nền màu xám đã có ánh sáng màu hồng trong tương lai.

Ông Kiên cho rằng sang năm 2013, chúng ta phải xác định được đâu là nút thắt, đâu là điểm tắc để có thể tác động vào và tạo hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng, một trong những vấn đề là phải giải quyết được mối liên hệ giữa các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp.

Trong mối liên hệ đó có thể nhìn vào nhiều chiều, trong đó có việc đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp.

Chúng ta không thể duy ý chí để nói là sẽ dừng lại hết các khoản vay tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp vì nền kinh tế của Việt Nam trong 10 năm qua tăng trưởng là do đầu tư và gắn liền với tăng trưởng tín dụng.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, trong năm 2013, vấn đề quan trọng nhất là tạo được sự gắn kết trách nhiệm cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Bây giờ nợ xấu rất lớn nhưng ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp có chỉ số báo cáo tài chính đẹp thì mới cho vay tiếp, mà quên một điều là doanh nghiệp “xấu” như thế là do một thời các ngân hàng đã nới lỏng chính sách tín dụng.

Hiện nay, những dự án, công trình đang trong hoàn cảnh đó, nền kinh tế vĩ mô đang khó khăn, ngân hàng phải thấy rõ trách nhiệm với doanh nghiệp, với xã hội và phải tính toán bài toán kinh tế là nếu ngân hàng có dừng cho vay thì có đòi được nợ hay không?

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, mục tiêu lớn nhất của Việt Nam năm tới vẫn là ổn định vĩ mô và giải quyết khó khăn của hệ thống tài chính. Nhiệm vụ của 2013 là giữ mức lạm phát 5-6%, tiếp tục ổn định tỷ giá và cải thiện thanh khoản của hệ thống tài chính.

Nhiệm vụ đó quan trọng hơn là quan tâm và cố đạt mức tăng trưởng GDP. Hệ quả của việc tái cơ cấu nền kinh tế có thể khiến GDP giảm tốc nữa, tuy nhiên đó không phải là điều đáng quan ngại. Điều quan trọng là nỗ lực chính sách để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô./.

(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.