Việt Nam dự Hội nghị G-7 mở rộng: Đóng góp vì hòa bình, phồn vinh của khu vực và thế giới

Hội nghị thượng đỉnh G-7 mở rộng được tổ chức vào ngày 27/5 tại tỉnh Mie, Nhật Bản với sự tham dự của các nước G-7, Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea, Chad và một số tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WB, IMF, OECD, ADB.
Hội nghị thượng đỉnh G-7 mở rộng được tổ chức vào ngày 27/5 tại tỉnh Mie, Nhật Bản
Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam năm 2009, nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam (năm 2011) và cũng tại Nhật Bản, lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 mở rộng, cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản nói riêng và nhóm G-7 nói chung đối với vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực.

Từ ngày 26-28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. 
Mặc dù chỉ vừa thoát khỏi danh sách những nước có thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình, Việt Nam đã có nhiều đóng góp chung cho khu vực và thế giới, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, cùng các nước khác thực hiện Chương trình nghị sự 2030 triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, kiến tạo cấu trúc an ninh khu vực trong ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương, bảo đảm an ninh, hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, phát triển.

Với Việt Nam, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 mở rộng là cơ hội để đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung, góp phần vì hòa bình, phồn vinh, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh G-7 mở rộng bao gồm 2 phiên, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030 và các SDG và hợp tác với châu Phi.

Hội nghị thượng đỉnh G-7 được tổ chức vào ngày 26/5 tại Ise-Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản với sự tham gia của 7 nước công nghiệp phát triển và Liên minh châu Âu.

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, nước chủ nhà Nhật Bản cũng đã tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng (HNBT) như: HNBT Tài chính và Thống đốc Ngân hàng ngày 20-21/5 tại Sendai, HNBT Khoa học công nghệ ngày 15-17/5 tại Tsukuba; HNBT Môi trường ngày 15-16/5 tại Toyama, HNBT Giáo dục ngày 14-15/5 tại Okayama, HNBT Năng lượng ngày 1-2/5 tại Kitakyushu, HNBT Công nghệ thông tin ngày 29-30/4 tại Takamatsu, HNBT Nông nghiệp ngày 23-24/4 tại Niigata, HNBT Y tế tại Kobe và HNBT Ngoại giao ngày 10-11/4 tại Hiroshima.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển được thành lập năm 1975 theo sáng kiến của Hoa Kỳ trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu khủng hoảng dầu năm 1973 và suy thoái toàn cầu để thảo luận các vấn đề kinh tế, ban đầu gồm 6 thành viên (Pháp, Tây Đức, Italy, Nhật, Anh, Hoa Kỳ). Năm 1975, Tổng thống Pháp Valery Discard d’Estaing mời nguyên thủ của 6 nước tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên đầu tiên tại Rambouillet. Tại Hội nghị thượng đỉnh năm 1976, tổ chức ở Puerto Rico, nhóm trở thành G7 với sự tham gia của Canada.
(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.