Phát huy mạnh mẽ giá trị lịch sử của di tích Bạch Đằng

Tối 17/4, tại sân đền Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Yên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng và đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử Bạch Đằng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt
 Di tích lịch sử Bạch Đằng cho tỉnh Quảng Ninh

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, là sự tri ân những hy sinh, cống hiến của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước.

Bạch Đằng – dòng sông đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây đã chứng kiến 3 chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta trước những thế lực ngoại xâm. Trong đó, đại thắng quân xâm lược Nguyên – Mông năm 1288 trên dòng sông Bạch Đằng là một mốc son chói lọi của lịch sử giữ nước của dân tộc, thể hiện trí tuệ, sáng tạo và lòng dũng cảm kiên cường của cha ông.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng phổ biến “Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng” sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, tạo ra đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch. Qua đó phát huy vai trò và trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia giám sát thực hiện quy hoạch, góp phần nâng cao trách nhiệm cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử Bạch Đằng.

Việc phát huy giá trị của di tích sẽ phục vụ phát triển kinh tế du lịch, xây dựng đời sống văn hóa và tín ngưỡng của nhân dân. “Coi trọng công tác giáo dục với thế hệ trẻ về truyền thống Bạch Đằng chính là phát huy lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ

Sau phần phần nghi lễ và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích lịch sử Bạch Đằng là chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Bạch Đằng giang, bản anh hùng ca của dân tộc”. 

Trước đó, ngày 27/3, Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về di tích chiến thắng Bạch Đằng với 16 bài nghiên cứu của các nhà khoa học nêu bật những giá trị văn hóa, lịch sử và quân sự vô cùng to lớn của di tích Bạch Đằng.

Hiện nay, cả nước có 34 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng công nhận và xếp hạng, trong đó có 7 di tích trở thành di sản thế giới. Hà Nội là địa phương sở hữu 4 di tích quốc gia đặc biệt, tiếp đó là các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam và An Giang mỗi địa phương sở hữu ít nhất 2 di tích quốc gia đặc biệt.


Bãi cọc Bạch Đằng

Năm 1953, khi đào đất đắp đê, người dân huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh (nay là thị xã Quảng Yên) đã phát hiện ra bãi cọc Yên Giang. Còn khoảng 300 chiếc cọc bằng gỗ lim, sến, táu  được cắm thẳng đứng, đa số nằm chếch theo hướng 15 độ Đông, cách nhau từ 0,9m đến 1,1m, đường kính cọc từ 13cm đến 33cm được đóng sâu vào lòng sông từ 3m đến 5 m.

Năm 2009, tại đây phát hiện thêm bãi cọc Đồng Má Ngựa đã giúp chúng ta hiểu hơn chiến lược, chiến thuật tài tình của Trần Hưng Đạo. Ông đã nghiên cứu và cho đặt cọc vào những chỗ cốt tử nhất, những bãi cọc với mục đích thu hẹp dòng sông cản thuyền của giặc chạy, đồng thời cắm rích rắc các cụm cọc rất phức tạp như hướng cọc đan nhau, cắm cọc nhỏ đan vào dưới chân khiến địch phải lội vào đầm lầy sâu đến hàng mét.

 
 
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.