Các địa phương trong tỉnh tổ chức lễ hội

Từ ngày mùng 3 – 5 Tết Nguyên Đán Bính Thân, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức lễ hội Gầu Tào, Say Sán, Lồng Tồng… theo phong tục truyền thống của dân tộc để cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh, ấm no.

* Rộn ràng lễ hội Gầu Tào xã Bản Cầm (Bảo Thắng)

Ngày 12/2 (ngày mùng 5 tháng Giêng), tại thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm (Bảo Thắng), đã tưng bừng khai hội Gầu Tào, thu hút rất đông du khách và đồng bào dân tộc Mông từ các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên  đến tham dự.

Đến dự lễ hội có đồng chí Đặng Phi Vân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Bảo Thắng.

Lễ hội Gầu Tào ở Bản Cầm được tổ chức hằng năm trong dịp Tết Nguyên đán, đó là nghi lễ truyền thống của đồng bào Mông nhằm tạ ơn trời đất, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội  Gầu Tào năm nay được tổ chức với các hoạt động chính: Rước lễ, hành lễ, biểu diễn văn nghệ, thi kéo co, đẩy gậy và trồng cây đầu xuân…

Lễ hội Gầu Tào ở Bản Cầm thu hút rất đông người đến dự.
Các tiết mục văn nghệ, trò chơi trong ngày lễ hội.
Đồng chí Đặng Phi Vân, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trồng cây đầu xuân.

* Tưng bừng hội Gầu Tào Pha Long (Mường Khương)

Ngày mùng 4 Tết Bính Thân 2016, đồng bào dân tộc Mông ở Pha Long (huyện Mường Khương), tưng bừng mở hội Gầu Tào cầu cho mọi nhà khoẻ mạnh, con cháu thảo hiền, mùa vụ bội thu, bản làng yên vui .

Đường lên nơi tổ chức lễ hội Gầu Tào.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông Pha Long, huyện Mường Khương mang giá trị nhân văn thu hút hàng nghìn người dân các xã lân cận từ Tả Ngải Chồ, Dìn Chin đến Tả Gia Khâu (Mường Khương) tham dự.

Múa khèn cùng cây nêu.

Mở đầu hội Gầu Tào, thầy Mo tiến hành các nghi lễ truyền thống cầu khấn trời, đất những điều tốt lành nhất cho mọi người và mọi nhà.

Thầy Mo và người có uy tín trong cộng đồng đi xung quanh cây nêu được dựng bằng cây luồng rất to, cao và thẳng. Trên ngọn cây nêu để nguyên cành lá, buộc một dải vải lanh dài thả từ ngọn cây xuống sát mặt đất. Dải vải có 2  màu, màu đen ở trên và màu đỏ ở dưới, với ý nghĩa nối người dự lễ với thần linh.

Sau nghi lễ cúng là phần hội, mọi người dự hội có thể tham gia các tiết mục văn nghệ và các trò chơi như: Hát giao duyên, múa gậy sinh tiền, chọi chim họa mi…

Lễ hội sẽ kết thúc vào sáng ngày mồng 6 tháng Giêng năm Bính Thân.

Văn nghệ chào mừng lễ hội.
Chơi đu quay.
Chọi chim họa mi.
Đông đảo người dân đến xem lễ hội Gầu Tào.

* Xã Cán Cấu (Si Ma Cai) tổ chức lễ hội Say Sán

Ngày 10/2 (tức ngày mùng 3 Tết), đông đảo người dân xã Cán Cấu (Si Ma Cai) đã đến tham dự lễ hội Say Sán. Lễ hội Say Sán còn gọi là Gầu Tào được tổ chức vào mùa xuân trong ba năm liền, mỗi năm người ta trồng một cây nêu để gia chủ lần lượt mang cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc.

Địa điểm làm lễ được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời.

Người Mông quan niệm, đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn, những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển, con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.

Đây là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông

* Xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà) tổ chức lễ hội Say Sán

Ngày 11/2 (ngày mùng 4 Tết), nhân dân thôn Ngài Ma, xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà) cũng tưng bừng tổ chức lễ hội Say Sán.

Đây là năm thứ 9 huyện Bắc Hà thực hiện khôi phục lại lễ hội Say Sán (lễ hội Gầu Tào) của người dân tộc Mông địa phương. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Mông được tổ chức hàng năm vào dịp Tết, nhằm cầu mong cho mọi người một năm mới khỏe mạnh, an lành, sản xuất mùa màng tốt tươi.

Ngày hội cũng là một sân chơi lớn để người dân các xã trên địa bàn huyện Bắc Hà và một số huyện lân cận cùng tham gia để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất và sẵn sàng bước vào một năm mới Bính Thân 2016 với nhiều thắng lợi mới.

Một số hình ảnh tại lễ hội Say Sán của người dân tộc Mông Bắc Hà:

Đông đảo người dân tham gia lễ hội Say Sán.
Sân khấu chính của lễ hội.
Các thanh niên người Mông múa võ cổ truyền tại ngày hội.
Náo nhiệt với trò chơi kéo co giữa các thôn, xã.
Trò chơi đánh quay của người Mông.

* Xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) tổ chức lễ hội Lồng Tồng

Ngày 12/2 (tức ngày mùng 5 Tết), tại thôn Nhuần 4, xã Phú Nhuận đã tổ chức Lễ hội Lồng Tồng năm 2016.

Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Xuống Đồng) là nét văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày, Giáy, xã Phú Nhuận tổ chức vào dịp đầu xuân với mục đích cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi…

Lễ hội bao gồm có 2 phần, phần lễ bao gồm các hoạt động rước lễ, lễ cúng trời đất, thần linh, lễ cúng dân gian do các vị chức sắc và các thầy cúng trong làng sắp đặt. Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động thi văn nghệ, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy… Sau lễ cầu an, người chủ hội dắt một con trâu được chọn từ trước để đi những đường cày đầu tiên. Trong lễ hội còn diễn ra phần thi cày ruộng, các chàng trai khéo léo điều khiển trâu vỡ ruộng, trong tiếng cổ vũ sôi động của mọi người. Kết thúc phần thi cày cũng chính là báo hiệu hết lễ hội, mọi người vui vẻ trở về nhà bắt tay vào lao động sản xuất tràn đầy niềm tin một năm mới nhiều thắng lợi.

Một số hình ảnh trong lễ hội Lồng Tồng xã Phú Nhuận:

Quang cảnh lễ hội Lồng Tồng xã Phú Nhuận.
Rước lễ.
Phần hội diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Lãnh đạo huyện Bảo Thắng tham gia đi những bước cày đầu tiên trên ruộng.
Lễ hội thu hút đông đảo sự theo dõi của nhân dân.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...