Uy linh cây gạo Nàng Niến

“Không như những cổ thụ bình thường, cây gạo Nàng Niến gắn với câu chuyện về công chúa nhỏ đoản mệnh của Vua Bầu - Quốc công Vũ Văn Mật. Nàng Niến theo tiếng địa phương có nghĩa là công chúa” - Trưởng thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, ông Lục Văn Tỉnh vanh vách kể về cây gạo bên bến đò Trung Đô, “thụ uy linh” không chỉ của bà con trong thôn mà của cả vùng.

Từ khoảng cách hàng giờ đi bộ đã thấy cây gạo vươn cao lên nền trời, vượt hẳn những chỏm núi đá lúp xúp, nhọn hoắt. Nhiều người dân ở đây nói vào mùa cây gạo nở hoa, đỏ rực như bó đuốc, là hoa tiêu của thung lũng Trung Đô gọi chim, bướm về hút mật. Cách bến đò Trung Đô không xa, cây gạo to lớn, cổ kính, cây bao nhiêu tuổi thì những vị cao niên nhất vùng cho rằng, khi còn nhỏ đã thấy cây gạo lớn lắm rồi.

Không có trong chính sử, nhưng câu chuyện về cây gạo này của những người cao tuổi trong vùng đều giống nhau. Họ cho rằng, cây gạo có từ thời Quốc công Vũ Văn Mật, tức Vua Bầu, (thời Lê - Mạc) khoảng những năm từ 1516 trở đi. Quốc công Vũ Văn Mật (chưa rõ năm sinh, năm mất) là người kế tục sự nghiệp của người anh Vũ Văn Uyên xây dựng căn cứ “chống Mạc, phục Lê” và làm tiền đồn bảo vệ biên cương Tổ quốc tại vùng đất Trung Đô, Bắc Hà. Chuyện kể rằng, Vua Bầu khi ấy có cô công chúa lên bảy tuổi, nàng vô cùng xinh xắn và hiếu động. Trong một lần theo mẹ ra sông hái hoa đuổi bướm, do mải mê đùa vui đã bị ngã xuống suối và đuối nước. Vua Bầu khi đó vô cùng đau lòng, ông đem thi hài cô công chúa nhỏ táng ngay ven bờ khúc sông ấy và lập miếu thờ lớn ở nơi này. Người dân trong vùng ai cũng tiếc thương cho số mệnh của công chúa nhỏ, nhiều người vào mỗi buổi sáng đã tới đây để thắp hương với lời cầu nguyện cho linh hồn công chúa được siêu thoát. Câu chuyện còn lưu truyền đến nay là hồi đó, vào những ngày đậm sương mù, nhiều người đã nhìn thấy có 9 nàng tiên bay tới khu vực này. Có lẽ tiên sa để rước linh hồn của nàng công chúa nhỏ về trời bởi mỗi lần giáng trần đều mang theo một kiệu nhỏ trang trí nhiều lụa đỏ thắm bay phấp phới. Không lâu sau, ngay cạnh ngôi mộ của nàng công chúa có một cây gạo mọc lên,  lớn nhanh khác thường và từ đó người dân đã tôn thờ, bảo vệ cây gạo, đặt tên riêng cho là Nàng Niến.

Bằng kinh nghiệm và kiến thức về thực vật, một cán bộ kiểm lâm huyện Bắc Hà khẳng định chắc chắn với chúng tôi rằng, cây gạo Nàng Niến có độ tuổi khoảng 500 năm. Dẫn chúng tôi ra viếng mộ nàng công chúa và thăm cây gạo nửa thiên niên kỷ, trên đường đi Trưởng thôn Lục Văn Tỉnh kể rằng, tại vị trí ngôi mộ Nàng Niến trước đây có Miểu Noi (tiếng địa phương có nghĩa là Miếu nhỏ). Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những biến cố lịch sử biên giới sau này, ngôi miếu không còn được nguyên vẹn, đến nay chỉ còn lại nền gạch cũ. Gần đây, người dân trong vùng ai nấy cũng xót xa, góp sức xây lại ngôi mộ với vóc dáng nhỏ bé như hiện nay. Còn phần về cây gạo Nàng Niến, ông Tỉnh quả quyết rằng, trong vùng Bắc Hà, Si Ma Cai trước đây và ngày nay gạo có rất nhiều, nhưng chưa có cây nào to lớn, cổ kính đến như thế.

Trước mặt chúng tôi, cây gạo Nàng Niến sừng sững, phủ bóng rộng cả một góc sông. Cây cao ngang với toà nhà 15 tầng, thân cây to phải 4 -5 người ôm mới xuể. Và quả như những gì ông Tỉnh nói, cây gạo có 9 cành lớn tỏa đều các hướng, riêng những cành hướng về hướng tây có tán lá xum xuê như chiếc lọng che mộ công chúa. Vào những đêm hè trăng thanh, gió lộng, ngồi dưới gốc gạo mà nghe tiếng gió luồn qua kẽ lá trên ngọn cây lúc thì vi vút như tiếng hát, lúc thì trầm bổng, ngân vang như lời ru về một câu chuyện cổ tích huyền thoại. Mùa trổ hoa, những bông gạo đỏ thắm rụng xuống mặt sông và phủ thành một thảm dày ven gốc, trông xa óng ánh như thảm nhung, mùa hoa của cây gạo Nàng Niến cũng dài hơn các cây gạo trong vùng. Đám mục đồng thường dùng sào trẩy các bông gạo mới nở để lấy mật uống, mật của cây gạo này ngọt lịm, sánh đặc và lượng mật nhiều hơn các cây gạo bình thường, mỗi bông gạo đong được cả chén mật. Cũng bởi thế mà vào mùa này, những bầy chim từ xa kéo về từng đàn, từng đàn, chúng râm ran, líu lo từ sáng đến chiều muộn.

Ông Tỉnh còn kể rằng, cách đây mấy chục năm, trong làng Trung Đô có 3 anh trai nhà nọ tính khí rất ngang bướng, ngỗ nghịch. Cây gạo thiêng không ai dám “phạm” thì họ lại rủ nhau vác rìu đến chặt, được vài nhát rìu thì ba anh em bỗng nhiên đau bụng quằn quại mà phải bỏ về. Không biết có phải sự uy linh hay trùng hợp ngẫu nhiên mà cả ba anh em sau đó đã liên tiếp gặp phải những chuyện không hay, thậm chí là mất mạng sau mấy tuần. Về phần cây gạo, chỉ một năm sau những viết rìu kia đã không còn, giờ đây chỉ là những vết sần lồi ra như khoảng sẹo lớn. Hằng năm, vào tuần cây gạo bị thương thì vết sần sùi kia lại chảy ra một dòng nhựa, buổi sáng trắng đục như sữa, đến chiều chuyển màu tím thâm như màu máu khô, quện chặt vào thân cây. Câu chuyện được lưu truyền như một điển tích sống, người lớn trong làng luôn dặn dò con trẻ không nghịch ngợm bên phần mộ của Nàng Niến. Đám trẻ trâu đến đứa tinh nghịch nhất cũng không dám trèo lên cây này.

Trong quan niệm dân gian và văn hóa tâm linh của người Việt thì cây gạo luôn chiếm giữ vị trí linh thiêng bởi sự uy dũng của nó trong tự nhiên và coi thân cây cổ thụ là nơi trú ngụ linh hồn của những người đã khuất. Trong tâm trí của mỗi người dân thôn Trung Đô, niềm tin về bóng gạo chở che cho mộ phần và linh hồn nàng công chúa nhỏ luôn luôn được vun đắp. Và rồi, vào những ngày lễ, tết trong năm, những kỳ hội làng, bà con trong vùng và du khách thập phương vẫn thể hiện sự thành tâm, kính cẩn trước mộ phần công chúa và cây gạo Nàng Niến uy linh vời vợi trên khúc sông trầm mặc Trung Đô./.

Theo Ngô Luyên/LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...