Tết cổ truyền của người Mông Lào Cai

Tết cổ truyền của người Mông Lào Cai có nhiều nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, thể hiện rõ nét trong các món ăn có ý nghĩa tâm linh, trong phong tục thờ cúng tổ tiên và truyền thống giáo dục đạo đức, lối sống cho các thế hệ con cháu. 
Đối với người Mông, 3 món đặc trưng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết là thịt, rượu ngô và bánh dày. Rượu ngô được nấu từ trước Tết hàng tháng, nấu xong đựng vào chum, đậy lá chuối rừng khô để giữ được mùi thơm.
 

Phụ nữ dân tộc Mông làm bánh dày ngày Tết.

Bánh dày thể hiện đặc trưng của tết người Mông, bởi họ quan niệm, bánh dày tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra vũ trụ và loài người. Sau khi nếp được xôi chín, họ đổ ra máng gỗ giã bằng nhịp chày đôi cho đến khi nhuyễn thì tạo hình dáng bánh. Theo phong tục truyền thống, bất kỳ gia đình người Mông nào dù giàu hay nghèo thì rong những ngày tết món bánh dày không thiếu trên bàn thờ tổ tiên cũng như trong bữa ăn.

Trong mâm cơm cúng ngày 30 Tết của người Mông bao giờ cũng phải làm thịt một con gà trống thiến, con gà được người chủ nhà mang ra trước bàn thờ cúng, khấn rồi cắt tiết ngay cạnh bàn thờ. Sau khi cắt tiết xong họ vặt một túm lông ở cổ quết một chút tiết rồi dán lên tiền vàng (một tờ giấy đỏ hình chữ nhật bên trên dán tờ giấy vàng nhỏ hơn hình quả trám) đã được dán sẵn trên bàn thờ. Lúc đó chủ gia đình mới cúng khấn mời tổ tiên về ăn Tết, báo cáo thành quả lao động sản xuất, đời sống gia đình năm cũ, cầu khấn tổ tiên phù hộ cho năm mới gia đình yên vui, làm ăn phát đạt, sung túc, ấm no, hạnh phúc.

Vào thời khắc giao thừa, người đàn ông trong gia đình tiếp tục làm lễ cúng tổ tiên bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (phải là gà trống hoa). Sau khi cúng xong, đem lợn và gà đi giết thịt, rồi cúng một mâm thịt chín. Sau đó mới được ăn và uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Đối với họ, tiếng gà gáy sáng sớm của mùng Một mới đánh dấu một năm mới bắt đầu.

Ngày mùng 1 Tết, người Mông tiếp tục cúng tổ tiên bằng con gà mái đã luộc chín và chặt sẵn cùng cơm mới để mời tổ tiên về ăn tết với con cháu, gia đình. Sang ngày mùng 2 Tết, người Mông không phải làm thủ tục mời cơm tổ tiên mà chỉ thắp hương, thắp nến và đón tiếp khách gần xa đến chúc tết. Họ quan niệm, nếu nhà nào có nhiều khách đến trong dịp đầu năm mới thì năm đó gia đình làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn, phát đạt.


Múa khèn – hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào Mông Lào Cai.

Đối với đồng bào Mông buổi sáng sớm ngày mùng 1 Tết họ kiêng không gọi nhau thức dậy, cũng từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 2 Tết, họ kiêng không ăn hoa quả và rau xanh với dụng ý không đánh thức sâu bọ, chim chóc, muông thú đến phá hoại mùa màng và cuộc sống trong năm mới. Đàn ông thức dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm. Họ cũng kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng không tiêu tiền, không hót rác,... Người Mông không chọn người xông nhà nhưng nếu phụ nữ đến chúc tết nên đi cửa phụ. Trong ba ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hằng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân đã giúp con người lao động, sản xuất trong năm cũ.

Trong những ngày đầu xuân, người Mông còn tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc như múa khèn, múa ô, chơi quay… Tết của người Mông vừa là dịp để trẻ con các bản làng chơi các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao. Cũng trong dịp này, ở nhiều nơi, người Mông nô nức mở hội Gầu Tào. Với người Mông, đây là lễ hội lớn nhất trong năm và thể hiện nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu./.
Phương Hiền

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...