Men theo câu hát then Tày

Dường như ngay từ thuở lọt lòng, những câu hát then Tày đã ngấm vào huyết quản của mỗi người dân sinh sống ven dòng Nậm Luông. Qua câu hát ru của bà, của mẹ, những lời then cứ thế được cất lên, ngấm dần và trở thành niềm đam mê của những thầy then,“nàng khiển” ở vùng đất này…



Hát then Tày đang được các nghệ nhân quan tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Gặp “hậu duệ” của nghệ nhân then Tày

Chúng tôi gặp nghệ nhân hát then Tày là anh Hoàng Văn Thụy ở xã Vĩnh Yên (Bảo Yên) khi anh vừa trở về từ Hội thi hát dân ca then Tày, đàn tính toàn quốc tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Bên ấm trà nóng, câu chuyện theo mạch cảm xúc của người tâm huyết với dân ca Tày cứ thế cuốn hút chúng tôi. Trước khi về Vĩnh Yên, tôi đã nghe nhiều về cố nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Cứ - người có công lớn trong việc gìn giữ từng lời ca, từng giai điệu then Tày, thì nay lại may mắn gặp được “hậu duệ” của bà. Anh Hoàng Văn Thụy gọi cố nghệ nhân Hoàng Thị Cứ là dì ruột… Cũng chính từ niềm đam mê, yêu thích và muốn gìn giữ, bảo tồn giai điệu then, hơn 10 năm nay, anh Hoàng Văn Thụy đã vừa sưu tầm, sáng tác lời mới vừa trực tiếp tham gia biểu diễn hát then, đàn tính.

Là “thầy” hát chính trong mỗi bài then, lại biết đánh đàn tính, anh Thụy là thành viên nam giới duy nhất ở trong Đội hát then của xã Vĩnh Yên. Nhắc đến cố nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Cứ, anh Thụy kể: Hồi ấy, vì yêu thích và đam mê hát then nên anh được dì truyền nghề cho. Cũng đã nhiều lần anh Thụy theo dì trèo đèo, lội suối khắp bản trên, làng dưới để sưu tầm lời then cổ…Sau này lâm bệnh, bà Cứ không đi lại được, anh Hoàng Văn Thụy tiếp nối nghiệp giữ gìn, bảo tồn hát then Tày của dì mình. Cứ có dịp đi, anh lại tìm hiểu và ghi chép, sưu tầm những bài then cổ còn lưu truyền ở các thôn, bản.

Say sưa kể về những bài hát then đoạt giải do chính mình biểu diễn cùng các “nàng khiển” (thành viên nữ trong đội then), anh Hoàng Văn Thụy tâm sự: Bài hát then do tôi biểu diễn đoạt giải lần đầu tiên là bài “Xôi hương động tưởng” - bài hát nói về chuyện “thầy” then làm lễ gọi ông vua, ông thánh trên trời xuống phù hộ cho con, cháu trong gia đình có sức khỏe, mọi nhà bình an. Hay như bài hát “Lên bàn khoác, bàn nam” nói về việc truyền nghề thầy cúng; phải trải qua “bàn chông, bàn gai” mới thành thầy được. Bài hát này cũng được giải A tại Hội diễn văn nghệ ở Lạng Sơn năm 2012.

Mới đây, tại Tuyên Quang, “thầy” then Hoàng Văn Thụy và các “nàng khiển” của Đội hát then xã Vĩnh Yên đã tham gia 5 tiết mục và giành giải Nhì toàn đoàn với thành tích: 2 giải A và 2 giải B cá nhân, trong đó, bài “Khai boóc khảm thông” (Bán hoa sang sông) do anh Thụy và tốp then nữ biểu diễn đoạt giải B...

Gìn giữ cho muôn đời sau

Hiện tại, kho tàng dân ca Tày ở Vĩnh Yên mà Đội hát then đang lưu giữ, bảo tồn có khoảng 50 bài hát then, chủ yếu là các bài then cổ, riêng anh Hoàng Văn Thụy có công sưu tầm khoảng 20 bài. Để lưu giữ điệu then cổ cho thế hệ mai sau, ngoài công việc của thôn, xã, của gia đình, cứ có thời gian là anh Hoàng Văn Thụy lại tìm đến những “thầy” then cao tuổi ở trong bản. Nghe ở đâu “mách mối”, anh Thụy lại lên đường… Anh đến vừa để học hát, vừa ghi chép lại, rồi truyền dạy cho các thành viên trong đội. Trước mỗi hội thi, anh Thụy vất vả tìm “lời then” để chuẩn bị tập luyện, đem đến cuộc thi những tiết mục đặc sắc. Cùng với đó, dựa trên giai điệu then, anh Thụy còn dày công sáng tác những lời then mới để biểu diễn trong những ngày hội của thôn, bản. Hiện, anh đã sáng tác được một số bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương, đất nước, điển hình như: Hát then đổi mới, Hát về quê noọng, mừng miền Nam giải phóng, Bảo Yên huyện noọng…

Đội hát then xã Vĩnh Yên hiện có 8 người thường đi biểu diễn tại các hội diễn toàn quốc, của tỉnh và địa phương. Ngoài luyện tập để biểu diễn và giữ gìn bản sắc, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Tày, các nghệ nhân hát then ở đây đã và đang phát triển loại hình dân ca, truyền nối cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy, Đội hát then đã tập hợp được nhiều học sinh ở các trường học trong xã Vĩnh Yên, Nghĩa Đô (Bảo Yên) tham gia để truyền nghề. Trong lần tham gia tại Hội thi hát dân ca then Tày, đàn tính toàn quốc tổ chức ở tỉnh Tuyên Quang mới đây, em Nguyễn Thị Giang, dân tộc Tày, học sinh lớp 12 Trường THPT số 3 Bảo Yên đoạt giải cao. Đây là hạt nhân tích cực trong thế hệ trẻ, bước đầu khơi dậy niềm đam mê ca hát cũng như yêu thích dân ca của dân tộc mình.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Văn Thụy cho biết: Mấy năm trước, để vận động được chị, em vào đội hát then thật khó khăn, bởi trong quan niệm của nhiều gia đình, phụ nữ là phải lên nương trồng cấy, ở nhà nội trợ và chăm sóc chồng con. Gần đây, được tuyên truyền, vận động, người dân bắt đầu hiểu được ý nghĩa của việc bảo tồn, giữ gìn làn điệu then cổ, bởi đó là chất liệu dân ca chắt lọc từ cuộc sống. Họ thấy được việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa qua lời then, điệu nhạc đàn tính trong cuộc sống tinh thần là cần thiết, vì thế, nhiều phụ nữ đã tham gia Đội hát then của xã.

Như ai đó đã từng ví, hát then, đàn tính như cây đa nhiều cành, nhiều rễ lan tỏa đi khắp nơi, không chỉ có các nghệ nhân mà tất cả người dân đều yêu thích câu dân ca cổ của đồng bào Tày. Tuy nhiên, mỗi nghệ nhân phải thực sự nắm được “hồn cốt” của then mới phát huy được hết ý nghĩa, tạo niềm tin với thần linh và thể hiện ước vọng truyền đời của mỗi người trong cuộc sống. Vì vậy, những nghệ nhân trong Đội hát then, đàn tính xã Vĩnh Yên vẫn ngày đêm miệt mài tập luyện, nhằm “gìn giữ cho muôn đời sau” những làn điệu dân ca của dân tộc mình...

Hát then là nét văn hóa độc đáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày. Các bài hát then thường là để gọi hồn vía, cầu sức khỏe, hát chữa bệnh, đuổi ma tà…nhưng chủ yếu được diễn xướng có ca hát, âm nhạc, nhảy múa trước bàn thờ then, nên có nhiều người gọi là nghi lễ then Tày. Nghi lễ then là loại hình văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc Tày, thường có mặt trong các nghi lễ cầu mùa, cấp sắc... Hiện có 2 dòng then: Then cổ được một số ít nghệ nhân và những người làm nghề then lưu giữ, truyền dạy; Then mới là do những người am hiểu hát then, yêu thích hát then đặt lời mới cho giai điệu cổ mang nội dung của cuộc sống hiện đại./.
Theo Thanh Cường/LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...