Lùng Phình – Sắc màu văn hóa của chợ phiên vùng cao

Nằm về phía Tây Nam, cách Bắc Hà 10 km và trụ sở xã Lùng Phình 100m, con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai dẫn du khách đến với chợ Lùng Phình.

Lùng Phình theo tiếng Quan Hoả có nghĩa là Rồng Bằng. Cái tên này gắn với địa thế của chợ, bởi vậy từ khi hình thành đến nay, chợ Lùng Phình chưa một lần đổi tên.

Chợ Lùng Phình họp vào ngày chủ nhật hằng tuần. Ngay từ sáng sớm, khi núi rừng vùng thung lũng vẫn còn đậm hơi sương, mặt trời chưa kịp ló rạng, từng đoàn người Mông, Hoa, Giáy, Tày, Phù Lá… trong trang phục đặc trưng của dân tộc mình đã từ các bản làng nô nức kéo nhau về chợ. Người đi bộ, người đi ngựa mang theo các sản phẩm dệt may, nông sản và gia súc…

Chợ chia thành các khu khác nhau: Khu ẩm thực, khu vải vóc, quần áo, khu rau quả, khu bán gia súc... Tại khu ẩm thực, du khách sẽ có dịp được thưởng thức một số món ăn đặc sản dân tộc như: Món bún phở của người Phù Lá, ngon nhất là Phở chua. Đặc sắc hơn cả là món Thắng cố, món ăn từ thịt các loại gia súc như ngựa, trâu, dê, lợn... cùng với những hương liệu như gừng, thảo quả, địa liền nướng thơm và gia vị muối, bột ngọt.

Hàng nông sản phong phú với các loại rau củ, hoa quả, gạo… được đựng trong chiếc thồ nhỏ hay bày luôn xuống đất. Những trái mận chín đỏ, dịu ngọt, mát thơm bày thành dãy dài.
 

Sạp hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu.
 
Tại khu sản phẩm dệt may, những tấm vải của người Tày, những miếng thổ cẩm, chiếc ví hay bộ quần áo, váy xoè của người Mông sặc sỡ sắc màu, mẫu mã đa dạng, hoa văn tinh tuý, thêu thùa cầu kỳ được bày bán trên chiếc sạp nhỏ.

Ở góc chợ, rất đông người bán người mua những đàn gia súc, gia cầm như trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà, vịt… Người bán hàng, người đi lại, người mặc cả rì rầm nhỏ to suốt cả ngày chợ phiên. Chợ còn bày bán công cụ lao động như cuốc, lưỡi cày, dao phát… với kỹ thuật khá tinh xảo.
 

Công cụ lao động bày bán tại phiên chợ.

Đến với phiên chợ Lùng Phình vào ngày chủ nhật, du khách đang đến với ngày hội giao duyên, nơi gặp gỡ của tình yêu đôi lứa. Những người đã có tuổi đến chợ để trao đổi hàng hoá, buôn bán, để gặp bạn tâm giao bên chảo thắng cố hay bên mâm rượu thì với thanh niên nam nữ, chợ chính là không gian để trao lời tâm sự, lời yêu thương, hò hẹn. Họ đi chợ để chơi chợ, để tìm bạn chứ không bận tâm tính toán, bán mua.

Khi mặt trời đã ngả xuống núi, các chàng trai chếnh choáng men rượu, má các cô gái ửng hồng. Khi đó cuộc vui bên mâm rượu mới tạm dừng nhường chỗ cho tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi tâm tình cất lên dìu dặt, thủ thỉ, sâu lắng. Chợ tan, thanh niên nam nữ bịn rịn chia tay để cùng đợi chờ đến phiên chợ tới./.
Minh Phượng

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...