Giữ hồn Krênh trên mảnh đất mây ngàn

“... Cuốc đất, đất ra hoa/ Trồng cây, cây ra quả/ Nương lúa lên bông mẩy hạt/ Bè bạn kéo đến, cầm tay nhảy/ Cùng múa hát dưới trăng…”. Giữa muôn trùng núi non, người Mông (Sa Pa) bao đời vẫn ngân cao tiếng hát về “báu vật” của dân tộc mình.

Sự tích Krênh nơi xứ sở trong mây

Đối với người Mông, âm nhạc như một gia vị không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Trong số những nhạc cụ của đồng bào nơi xứ sở trong mây này, khèn (hay còn gọi là Krênh) được coi là nét đẹp văn hóa đặc sắc và nổi bật nhất. Với họ, tiếng khèn là sợi dây tâm linh nối người sống với người đã khuất, là cây cầu bắc lời tỏ tình lứa đôi, là giai thoại cổ xưa được kể bằng giai điệu. Giữa phố núi sương mây giăng giăng, tiếng khèn vang lên, khi thì rắt réo, khi thì trầm bổng, mà tha thiết thấm đẫm tình đất, tình người.

Khèn (Krênh) - báu vật của người Mông trên mảnh đất mây ngàn.

Trong những sắc màu huyền ảo nhuốm màu truyền thuyết, người Mông kể cho con cháu đời sau về sự ra đời của khèn Mông: Xưa kia, trên bản Mông xa xôi có bảy cha con nhà nọ, ai cũng hát hay, thổi sáo giỏi. Sau mỗi buổi làm nương vất vả, họ thường ngồi bên nhau và thổi sáo, hát hò. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, người cha vì tuổi già, sức yếu đã qua đời. Từ đó, bản nhạc của sáu người con cũng rời rạc, trầm buồn. Dần dần, năm người anh cũng khuất núi, để lại người em út đơn côi. Vì nhớ thương cha và các anh, người em út mới nghĩ ra một cách là tìm một cái bầu, đục thành 6 lỗ to, nhỏ khác nhau, lấy sáu cây sặt luồn thật khít vào cái bầu đó. Khúc gỗ làm thân là cha, khúc sậy to nhất là anh cả, bốn khúc còn lại là anh hai, anh ba, anh tư, anh năm và khúc nhỏ nhất là em út. Sau khi đẽo gọt cẩn thận, tỉ mỉ, anh đem ra thổi. Kỳ lại thay, âm thanh phát ra hệt như âm thanh ngày xưa mấy cha con cùng thổi với nhau. Anh gọi nhạc cụ đó là khèn và đi đâu cũng mang theo. Mỗi khi mỏi mệt, nhớ cha và các anh, người em lại mang khèn ra thổi. Khi tiếng khèn ngân lên, người em có cảm giác như được quay lại những tháng ngày vui tươi xưa, được cùng cha và các anh tấu khèn trên núi. Cảm động trước tình cảm của gia đình anh, sau khi người em út qua đời, người dân trong bản trân trọng và nâng niu chiếc khèn như một báu vật.

Theo năm tháng, người Mông học cách làm khèn và sáng tác nhiều bài hát, bản nhạc và điệu múa, khiến cho chiếc khèn trở nên gần gũi với cuộc sống hơn. Dần dần, chiếc khèn gắn bó với cuộc sống sinh hoạt và lao động của người Mông như một người bạn không thể thiếu. Khèn được sử dụng thường xuyên và phổ biến trong cuộc sống, từ sinh hoạt hằng ngày cho đến lễ hội, nghi lễ tang ma. Vật liệu chế tạo khèn thường là những nguyên liệu tự nhiên. Cấu tạo của khèn gồm 2 phần chính: Ctnir krênh và tâuz krênh (Ống khèn và bầu khèn).

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Thào A Tùng sinh sống ở thôn Sín Chải, xã Tả Giàng Phìn - một trong những hộ người Mông đã nhiều đời làm khèn. Anh Tùng cho biết: Muốn làm được một chiếc khèn phải lặn lội vào sâu trong rừng, vượt những dốc núi đá thẳng đứng để tìm sặt về làm vật liệu. Khi chọn sặt, người ta thường nắn vuốt xung quanh bề mặt cây, lấy cây sặt tròn đều, thân mượt, các đốt trong một cây dài bằng nhau, có như vậy thì mới đạt yêu cầu để làm khèn, tiếng khèn làm ra cũng thanh và vang xa hơn. Cây khèn cổ của người Mông thường được làm từ gỗ pơ mu. Sở dĩ, cây pơ mu được người Mông chọn để làm bầu khèn không chỉ vì có đường vân đẹp, chắc tay, mùi thơm dịu nhẹ như cỏ, mà nó gắn với mảnh đất Sa Pa. Pơ mu với dáng đứng thẳng tắp đầy kiêu hãnh như người Mông, dù mưa to, bão lớn cũng không thể làm gãy đổ. Loài cây này còn mang hơi thở của núi rừng, gắn liền với nguồn gốc của người Mông luôn làm nhà trên núi cao.

Người Mông phóng khoáng trong tính cách nhưng cũng rất cẩn thận trong việc chọn nguyên liệu làm khèn. Bởi theo họ, khèn là một vật linh thiêng, tượng trưng cho cả cộng đồng, nên những nguyên liệu làm khèn phải được chọn kỹ. Nguyên liệu có tốt thì khèn mới tốt được. Người Mông luôn quan niệm, họ sống với núi rừng thì chết cũng trở về với núi rừng, chỉ có núi rừng mới là người mẹ duy nhất của họ. Chính vì vậy, họ luôn kiếm tìm những vật liệu có sẵn trong thiên nhiên, là sản vật đặc biệt riêng có của đồng bào Mông để làm nên cây khèn quý. Có vậy mới biết, người Mông nơi đây tinh tế, cẩn trọng như thế nào.

Để Krênh vượt núi vang xa

Ngoài sự độc đáo trong cách làm nhạc cụ, Krênh còn khiến người ta mê đắm bởi những điệu múa rắn rỏi, khỏe khoắn, tràn đầy sức sống. Biểu diễn khèn là sự cộng hưởng hài hòa giữa động tác nhảy múa và nhạc, thường là những động tác như: Lộn nhào, xoay vòng, trồng chuối, múa bằng một chân, vừa đi, vừa múa. Những động tác này được sử dụng linh hoạt. Trong một bài khèn, người ta có thể múa nhiều điệu múa khác nhau.

Gắn bó với những điệu khèn từ khi sinh ra, với hơn 20 năm dày công khổ luyện, từ cậu bé theo cha học khèn, giờ đây anh Giàng A Sài, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sa Pa đang là một trong những nghệ nhân múa khèn đẹp nhất trên mảnh đất mù sương. Anh cho biết: Điều làm nên sự khác biệt của biểu diễn khèn Mông ở Sa Pa với những nơi khác, đấy là người Mông Sa Pa không bao giờ để khèn “chết”. Tiếng khèn ngân lên là lúc người ta nhảy múa theo âm thanh, giai điệu, khi tiếng khèn kết thúc cũng là lúc các động tác dừng lại. Chính vì vậy, người biểu diễn phải thổi liên tục, không ngừng nghỉ, không đứt quãng trong suốt cả bản nhạc. Do đó, để được một bản nhạc hay, hoàn chỉnh, nghệ nhân biểu diễn khèn cần có sự khéo léo, niềm đam mê cháy bỏng.

Làm khèn đòi hỏi sự kỹ lưỡng, công phu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sa Pa, những nghệ nhân giỏi biết thổi và múa khèn chỉ còn lại 5, 6 người. Việc sử dụng và bảo tồn khèn Mông tại huyện vùng cao này ngày càng bất cập, thậm chí có nguy cơ mai một. Hình ảnh những chàng trai người Mông tay cầm cuốc, thuổng, lưng đeo gùi, vai đung đưa chiếc khèn trên những nẻo đường giờ chỉ còn trong hồi ức. Anh Giàng A Sài ngậm ngùi tâm sự: Học khèn khó lắm. Người có năng khiếu, chỉ mất vài tháng học thổi, học nhảy, nhưng có những người học chục năm vẫn chưa chắc nhịp. Học thổi khèn đã khó, học biểu diễn khèn còn khó hơn, vì thế, những nghệ nhân gắn cuộc đời mình với vũ điệu từ Krênh của người Mông ngày một ít. Những “cây đại thụ” gìn giữ điệu Krênh, như Lùng A Sèo, Giàng A Vàng, Giàng A Sài cũng không còn nhiều.

Năm 2010, Câu lạc bộ Khèn xã Sa Pả ra đời, với 30 thành viên tham gia, gồm nhiều lứa tuổi cùng có chung tình yêu và đam mê với khèn. Sau một thời gian, vì nỗi lo mưu sinh, kinh phí dành cho sinh hoạt của Câu lạc bộ ít dần và cạn kiệt, nên hoạt động của Câu lạc bộ cũng thưa vắng dần. Lớp thanh niên trẻ cũng không mấy người mặn mà với nghệ thuật truyền thống của người Mông, bởi muốn gắn bó với Krênh phải có cả tâm lẫn tài. Hơn nữa, khi cuộc sống đổi thay, điệu Krênh chỉ vang lên trong những ngày hội lớn, rồi xa vắng dần.

Ngày nay, lên Sa Pa, du khách thường mua khèn về làm quà, nhưng những thứ quà đó không còn được làm trau chuốt, tinh tế như trước kia. Những bài khèn biểu diễn trên đường phố hoặc trong một số lễ hội cũng khó làm say đắm lòng người bởi nhiều khi người biểu diễn vì mục đích thương mại nên đôi lúc nhịp khèn vội vã, lạc điệu.

Nhằm bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây, hằng năm, huyện Sa Pa vẫn tổ chức hội thi khèn, sáo Mông vào dịp đầu xuân, việc biểu diễn khèn cũng thường được lồng ghép trong một số hoạt động du lịch của huyện. Tuy nhiên, việc bảo tồn nghệ thuật đặc sắc này hiện vẫn gặp nhiều bất cập. Chia sẻ về vấn đề này, ông Giàng Seo Gà, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Sa Pa cho biết: Krênh là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông Sa Pa, nhưng hiện nay, Krênh bắt đầu bị thương mại hóa và có nguy cơ mai một. Khó khăn trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy điệu nhạc của người Mông là về kinh phí hoạt động và cơ sở đào tạo bài bản...

Người Mông thường có câu “Nghe khèn, biết khóc hay cười”, “khèn đem lại cái vui trong bụng”. Tiếng và điệu Krênh đang rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành bảo tồn, lưu giữ, tránh cho “báu vật” của người Mông Sa Pa mai một theo năm tháng./.

Theo Quỳnh Trang/LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...