Cơ chế gặp gỡ biên giới Việt - Trung phát triển lên tầm cao mới

Nhân dịp Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ hai được tổ chức tại tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng về chương trình giao lưu cũng như hợp tác biên phòng giữa hai nước.

Phóng viên (PV): Đề nghị Đại sứ cho biết đánh giá của mình về tình hình biên giới Việt Nam-Trung Quốc kể từ khi hai nước hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền vào năm 2008?

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng.

Đại sứ Hồng Tiểu Dũng: Với sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán trên tinh thần hiệp thương hữu nghị, ký kết Hiệp ước Biên giới trên đất liền Trung Quốc-Việt Nam vào năm 1999 và hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ vào năm 2008. Điều này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời kỳ mới, đánh dấu biên giới đất liền hai bên đã bước vào giai đoạn hợp tác quản lý.

Nhờ sự nỗ lực chung của cả hai bên, hiện nay, tình hình khu vực biên giới Trung-Việt tốt đẹp, đường biên giới rõ ràng và ổn định, trật tự khu vực biên giới có nền nếp, trình độ pháp trị hóa, quy phạm hóa và cơ chế hóa về quản lý biên giới không ngừng được nâng cao, hợp tác về thương mại, nhân văn và nối kết liên thông ở khu vực biên giới phát triển đi vào chiều sâu. Hoạt động giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa quân đội và lực lượng công an cũng như giữa các tỉnh biên giới của hai nước ngày càng diễn ra thường xuyên, sự phối hợp trong các lĩnh vực như quản lý biên giới, chống buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép… không ngừng được tăng cường. Tháng trước, hai bên đã tiến hành đàm phán vòng mới về Hiệp định tàu, thuyền tự do đi lại tại cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên) giữa Trung Quốc và Việt Nam, đạt nhiều nhận thức chung và tiến triển tích cực.

Các hoạt động này có ý nghĩa tích cực và quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới, làm mạnh mẽ hơn cầu nối biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển và phồn vinh cũng như việc củng cố mối tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt. Hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực biên giới hai nước cũng là sự thể hiện quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam.

PV: Các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa lực lượng biên phòng hai nước ở khu vực biên giới đã được triển khai như thế nào và mang lại những hiệu quả thiết thực gì, thưa Đại sứ?

Đại sứ Hồng Tiểu Dũng: Hiện nay, hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng hai nước đã bước sang quỹ đạo cơ chế hóa. Tháng 9-2007, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác biên phòng. Tháng 6-2013, nhân dịp Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc, hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác biên phòng (sửa đổi). Cũng vào năm đó, Biên bản ghi nhớ về việc thiết lập cơ chế hợp tác biên phòng ba cấp đã được ký kết. Tháng trước, nhân dịp đồng chí Quách Thanh Côn, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc sang thăm Việt Nam, hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc thiết lập cơ chế phối hợp biên phòng ba cấp giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc.

Bộ đội Biên phòng hai nước đã tiến hành thăm viếng lẫn nhau, tổ chức gặp gỡ hội đàm định kỳ và tuần tra chung trên biên giới trên bộ, mở đường dây nóng liên lạc, Bộ đội Biên phòng cơ sở hai bên lần lượt kết thành đơn vị hữu nghị. Cơ chế hợp tác biên phòng Trung-Việt không ngừng hoàn thiện, hình thức hợp tác không ngừng đổi mới, nội dung hợp tác phong phú, đa dạng. Giao lưu và hợp tác giữa Bộ đội Biên phòng hai nước là một phần quan trọng trong việc hai nước hợp tác quản lý biên giới trên bộ và thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng phát triển; phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác quản lý biên giới trên bộ Trung-Việt, giữ gìn an ninh và ổn định khu vực biên giới cũng như củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị truyền thống giữa quân đội hai nước.

PV: Đại sứ đánh giá thế nào về chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ hai?

Đại sứ Hồng Tiểu Dũng: Thượng tuần tháng 4 năm nay, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt nhiều nhận thức chung về hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Trong bối cảnh này, quân đội hai nước tổ chức gặp gỡ cấp cao biên giới có ý nghĩa quan trọng. Đồng chí Thường Vạn Toàn, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc và đồng chí Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ lần đầu tiên cùng chủ trì các phiên họp tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam, triển khai nhiều hoạt động giao lưu, đánh dấu cơ chế gặp gỡ cấp cao biên giới giữa quân đội hai nước đã lên tầm cao mới.

Tôi tin rằng, cuộc gặp lần này sẽ có vai trò quan trọng và tích cực nhằm thúc đẩy quan hệ giữa quân đội hai nước phát triển lành mạnh và ổn định. Việc quan hệ giữa quân đội hai nước ngày càng đi vào chiều sâu ắt sẽ có đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng phát triển về phía trước, dưới sự chỉ dẫn của phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.

PV: Đại sứ nhận định thế nào về tiềm năng và triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc nói chung và hợp tác quốc phòng giữa hai nước nói riêng?

Đại sứ Hồng Tiểu Dũng: Năm nay, Trung Quốc và Việt Nam kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai nước không ngừng cải thiện và phát triển. Trong Thông cáo chung Trung Quốc - Việt Nam nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, hai nước có chế độ chính trị tương đồng, có con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ vận mệnh tương quan. Việc không ngừng tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư, nhân dân Trung Quốc đang nỗ lực phấn đấu thực hiện giấc mơ Trung Quốc - sự chấn hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam cũng đang thực hiện toàn diện các mục tiêu do Đại hội Đảng XI đề ra, hướng tới xây dựng nước công nghiệp hiện đại, dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.

Sự phát triển của Trung Quốc và Việt Nam sẽ tạo ra không gian rộng rãi để hai bên làm sâu sắc và mở rộng hợp tác cùng có lợi, qua đó tạo nên nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của mỗi nước. Chúng ta nên nghiêm túc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, không ngừng tăng cường tin cậy chính trị, quản lý và kiểm soát thỏa đáng bất đồng, làm sâu sắc hợp tác trên các lĩnh vực, làm cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho nhân dân hai nước.

Hợp tác quốc phòng là một bộ phận quan trọng của quan hệ giữa hai nước. Tôi tin rằng, cuộc gặp gỡ cấp cao biên giới lần này được tổ chức thành công sẽ thúc đẩy quan hệ giữa quân đội hai nước phát triển hơn nữa, góp phần phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo QĐND

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.