Bát Xát đẩy mạnh xây dựng bản, làng văn hóa

Những năm qua, cùng với các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế địa phương, công tác xây dựng bản, làng văn hóa được huyện Bát Xát quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đời sống văn hoá cơ sở.

Xác định vai trò quan trọng của việc xây dựng bản, làng văn hóa theo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc trên địa bàn, huyện Bát Xát đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của các phong trào đến tận cơ sở. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước, các thủ tục cần thiết trong việc xây dựng phong trào; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa thông tin cho cán bộ chuyên trách văn hóa xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa...

Bản định cư Lũng Pô (Bát Xát).

Song song với đó, để mang lại hiệu quả thiết thực, huyện Bát Xát đã đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa và phong trào xây dựng văn hoá ở khu dân cư. Các phong trào này đã thể hiện được sự chung sức đồng lòng của nhân dân và chính quyền các cấp trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở nơi cư trú, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Để đảm bảo chất lượng phong trào, các tiêu chí công nhận danh hiệu văn hóa được xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương. Ngay từ khi có danh sách đăng ký của các đơn vị cơ sở, ban chỉ đạo các cấp đã rà soát các thôn, bản, tổ dân phố để có kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện các tiêu chí, từ đó đưa ra những đánh giá đúng, sát nhất. Việc đánh giá, bình xét công nhận danh hiệu làng, bản, khu dân cư văn hóa được triển khai nghiêm túc, dân chủ, căn cứ trên kết quả thực hiện các tiêu chí thực tế tại cơ sở, do đó đảm bảo được sự công bằng, nghiêm túc, được nhân dân ủng hộ.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng của các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Bát Xát. Hằng năm, các khu dân cư, tổ dân phố đều tổ chức họp bàn, lấy ý kiến của các hộ dân về việc đăng ký thực hiện danh hiệu văn hóa. Trên cơ sở đăng ký của mỗi gia đình và tổ dân phố, chi bộ thôn, tổ thường xuyên chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ, tuân thủ chặt chẽ các quy định trong sinh hoạt văn hóa, giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự, tuân thủ hương ước, quy ước, quy định của pháp luật qua đó phấn đấu đạt các tiêu chí theo quy định. Nhờ vậy, đã có sự đổi thay rõ rệt trong đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn huyện về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Người dân đã nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, tích cực tham gia ý kiến xây dựng hương ước, quy ước bản, làng. Nhờ đó, tại các bản, làng đã giảm hẳn các hủ tục thách cưới cao, người chết không để lâu trong nhà, việc khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống được quan tâm, con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường đầy đủ. Bà con đã tự giác làm chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nhà, biết dùng nước hợp vệ sinh, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, khi ốm đau đến trạm y tế để được khám và điều trị. Đến nay, toàn huyện đã có 246/246 thôn, bản, tổ dân phố xây dựng quy ước; năm 2014, có 158 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 64,2%.

Cách làm sáng tạo của huyện Bát Xát là lồng ghép phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư với xây dựng nông thôn mới để đem lại hiệu quả cao. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các phong trào đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Người dân tích cực hiến đất, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, tu sửa nhà văn hóa thôn, bản, tích cực chỉnh trang nhà ở, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Song song với đó, phong trào xây dựng gương điển hình được coi trọng, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm luôn được củng cố; công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa ngày càng chất lượng hơn; đời sống kinh tế, văn hoá được nâng lên, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến.

Việc đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả nhà văn hóa xã, nhà văn hóa các thôn, bản, tổ dân phố được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm và chỉ đạo thực hiện sát sao. Hiện nay, huyện Bát Xát có 2 nhà văn hoá xã, 156 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố được đầu tư đầy đủ các trang - thiết bị: Tăng âm, loa đài, micrô, tivi… đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, tuyên truyền, giao lưu, gặp gỡ của người dân.

Thời gian tới, huyện Bát Xát tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng bản, làng văn hóa, gia đình văn hóa, thiết chế văn hóa, hạ tầng cơ sở; nâng cao chất lượng đăng ký, thực hiện các danh hiệu thi đua của các địa phương, đơn vị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa; khuyến khích các hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển...

Theo Hoàng Trường/LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...