Giữ hồn bản sắc văn hóa dân tộc

Vừa đến đầu thôn Bản Mạc, xã Trịnh Tường (Bát Xát), chúng tôi đã nghe thấy tiếng kèn, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã. Nhịp điệu vui tai ấy cuốn hút và đưa chúng tôi tới nhà ông Hù Văn Vủi, thành viên của đội nhạc, đội văn nghệ của thôn. Bên trong nhà, có khoảng chục thanh niên nam, nữ đang ngồi quây quần bên ông Vủi nghe ông chỉ bảo cách thổi kèn, đánh trống, chiêng và sử dụng chũm chọe, tiếng cười nói rộn vui. 
Ông Vùi tâm huyết truyền dạy kinh nghiệm cho thanh niên trong xã.

Trong đời sống văn hóa của người Giáy ở Trịnh Tường, đội nhạc vô cùng quan trọng. Những khi gia đình nào trong bản có việc cưới, việc tang hoặc lễ hội của bản đều không thể vắng mặt đội nhạc. Các bài nhạc sẽ nói thay lời thành kính, tâm nguyện của cả thôn tới các vị thần trong ngày lễ, tết. Trong ngày cưới của đôi bạn trẻ, đội nhạc sẽ có mặt cùng bước chân đầu tiên của chú rể khi sang nhà bố mẹ vợ hỏi vợ, cho đến ngày cô dâu về đến nhà chồng. Những bài nhạc như trên đường đón dâu, chào tổ tiên, chào bản làng, chúc phúc hai người là không thể thiếu. Đội nhạc thường có 4 người sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau như kèn, trống, chiêng và chũm chọe (chũm chọe là âm chủ đạo). Trong các loại nhạc cụ, kèn là nhạc cụ khó học nhất. Để có thể thổi tốt tất cả 36 bài kèn, thường phải học trong vòng 5 - 6 năm. Trò chuyện cùng ông Vủi, chúng tôi được biết, thời gian học kéo dài cũng bởi vì chỉ vào dịp cuối năm, khi mọi việc đã tạm hoàn tất để đón tết thì cũng là lúc ông và những người trong đội văn nghệ của thôn mới có thời gian để bắt đầu tập trung truyền dạy tận tình cách sử dụng các loại nhạc cụ cho lớp thanh niên.

Điều đặc biệt của đội nhạc thôn là đi phục vụ làng, phục vụ bà con trong thôn, chỉ nhận công là món quà tinh thần, niềm vui và lời cảm ơn chân thành. Đôi khi đội nhận “lý” chum rượu hay vài cân gạo, cái bánh giày. Ông Vủi vui vẻ cho biết: Niềm say mê và yêu thích âm nhạc dân tộc từ khi còn nhỏ của chúng tôi đều được cha truyền lại. Bản thân tôi cũng như mọi người luôn đau đáu một niềm muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, hướng cho con cháu thế hệ sau giữ lại cái hồn của dân tộc.

Em Hồ Văn Được (sinh năm 1997) cùng với những người bạn của mình là Cù Văn Ngọc, Hoàng Minh Tăng ở thôn Phố Mới 2 cũng đến xin ông Vủi cho học cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Các em đã bắt đầu thổi được những bài khèn, đánh được những bài chiêng, trống, chũm chọe cơ bản. Em Được chia sẻ rằng: Em đã học được 2 đợt, qua 2 năm rồi, học kèn rất khó, nên cần phải kiên trì lắm, luyện tập thường xuyên. Em thấy những bài nhạc này rất hay và muốn góp chút công sức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.  

Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: Thế hệ trẻ ở địa phương đã có ý thức muốn học hỏi và biết yêu quý bản sắc văn hóa dân tộc, đây là tín hiệu vui của văn hóa truyền thống. Những vốn quý trong văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Trịnh Tường sẽ được giữ gìn và lưu truyền, không bị mai một.

Hiện nay, không chỉ riêng ở Trịnh Tường mà việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang được các địa phương hết sức coi trọng. Ngành văn hóa đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả của việc làm trên, như xây dựng các đội văn nghệ ở các thôn, bản với mục đích đưa văn hóa, văn nghệ truyền thống trở thành nhu cầu tự thân của các địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 549 đội văn nghệ xung kích với hơn 2.745 người, như: Câu lạc bộ Khắp Nôm Tày (Văn Bàn); đội văn nghệ dân gian phục vụ du lịch ở các bản Cát Cát, Hàm Rồng, Bản Hồ, Tả Van (Sa Pa), Trung Đô, Tà Chải (Bắc Hà); các câu lạc bộ khiêu vũ, đội văn nghệ tổ dân phố (thành phố Lào Cai)...

Ông Vũ Đình Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết thêm: Việc giữ gìn và phát huy văn hóa, văn nghệ truyền thống không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền bằng lời mà còn được Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức bằng các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng. Bên cạnh đó, trong hoạt động tuyên truyền lưu động, Trung tâm cũng đều phối hợp chặt chẽ với những địa phương mình đến, sử dụng lồng ghép những tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang tính truyền thống của đồng bào địa phương. Tại các buổi biểu diễn văn nghệ, không chỉ tuyên truyền đường lối của Đảng tới người dân mà âm nhạc dân tộc, tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán tốt đẹp của các tộc người cũng đều được tôn vinh./.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...