Mùa xuân của phụ nữ vùng cao

Khi sương bám trắng trên những nhánh thông già, dưới những cơn mưa phùn lất phất, hoa mận, hoa đào khoe sắc khắp núi rừng, không khí tết len lỏi khiến lòng người rạo rực.

Khi ấy, cây ngô chắc hạt đã được bẻ về chất đầy trên gác, cây lúa ngoài đồng đã thu về đầy kho; việc ruộng, nương cũng đã ngơi tay, những người phụ nữ nơi rẻo cao lại tất bật chuẩn bị cho mùa xuân mới.

BÀN TAY CỦA PHỤ NỮ VÙNG CAO

Phụ nữ vùng cao không có những ngón tay dài và thon như phụ nữ thành thị. Bàn tay trải qua sương gió, sự vất vả in hằn với biết bao vết chai sần, nhưng cô giáo trẻ trên bản bảo tôi: Bàn tay phụ nữ vùng cao là bàn tay đẹp nhất. Những bàn tay thô ráp mà chẳng vụng về. Đó là bàn tay gói bánh chưng, bánh gù vuông vức, nắn bánh giầy tròn trịa cho ngày tết; bàn tay đan áo cho chồng, may váy cưới cho con; bàn tay thoăn thoắt nấu thật ngon những món ăn truyền thống.

Cứ độ tết đến, xuân về, những bàn tay chỉ quen cày cuốc lại được dịp trổ tài khéo léo. Phụ nữ vùng cao chuẩn bị tết từ rất sớm. Nhà nào cũng nuôi lợn, nuôi gà cho thật béo, trồng lúa nếp để làm bánh và trồng ngô để nấu rượu. Phụ nữ còn tranh thủ những lúc đi chợ, khi đôi chân trần men theo đường núi, thì đôi tay thoăn thoắt xe lanh, tách sợi để dệt vải may áo. Những chiếc áo người Dao, người Giáy, người Nùng, hay chiếc váy hoa của người Mông đều từ đôi bàn tay lấm màu chàm của người phụ nữ vùng cao tảo tần. Chị Phàn Mùa Mẩy ở xã Tả Phìn (Sa Pa) cười tươi trong nắng sớm khoe với tôi chiếc váy chị đang thêu. Mùa xuân này, con gái chị Mẩy đi lấy chồng. Những họa tiết hình tam giác biểu trưng cho dãy núi, hình sóng lượn là con sông, con suối cạnh nhà, hình cây thông, hình trẻ con, người lớn được chị thêu một cách tỉ mẩn. Phụ nữ người Dao ở đây từ bao đời nay vẫn thế, khi con gái đi lấy chồng thì người mẹ sẽ thêu váy cho con. Sau này, con gái về nhà chồng cũng thêu trang phục cho chồng, cho con mình mỗi độ tết đến, xuân về, cứ như thế từ đời này sang đời khác.

Phơi lanh.

Và mùa xuân như đang đứng trước hiên nhà, đợi người phụ nữ ra mở cửa. Khi bàn tay chỉ quen cày cuốc được ngơi nghỉ, họ thoăn thoắt dọn dẹp ruộng vườn, quét nhà ở sao cho thật sạch để đón xuân vào nhà. Mùa xuân của mỗi gia đình như được vẽ lên từ bàn tay họ. Ngôi nhà khi ấy sẽ được trang trí thật khác mọi hôm, cành đào sẽ đặt ngay ngoài cổng, bàn thờ trang trí bánh kẹo, hoa quả và những món ăn truyền thống. Khác với người dân miền xuôi thường làm bánh chưng vuông, người dân vùng cao làm bánh chưng dài. Qua bàn tay của những người mẹ, của các sơn nữ, chiếc bánh được gói vuông vắn bằng thứ gạo nếp nương cùng lá dong rừng xanh mướt dùng để dâng cúng tổ tiên, báo lên thành quả của một năm làm việc chăm chỉ. Mùa xuân, mâm cơm người vùng cao cũng no ấm hơn, những món ăn truyền thống được chế biến công phu với thịt gà, canh măng, với lạp xường, thịt treo gác bếp…

Những đêm 28, 29 tết, đâu đó văng vẳng trên các bản làng, tiếng chày giã bánh giầy, tiếng cười đùa, trò chuyện to nhỏ của những phụ nữ giã bánh bên cối đá, rồi cả tiếng bếp lửa reo tí tách từ nồi bánh chưng sôi sùng sục tỏa hương, quyện với mùi hương trầm tỏa ra nghi ngút đến từng ngóc ngách trong nhà, ngoài ngõ. Tết, phụ nữ người Mông chỉ giã bánh giầy, người Nùng, người Giáy thì gói bánh gù, làm bánh khảo, bánh bỏng, còn người Dao thì gói những chiếc bánh chưng dài... Mỗi dân tộc đều có những nghi lễ, ẩm thực, quan niệm khác nhau trong ngày tết, nhưng nhìn chung đều thú vị, hấp dẫn với những sắc màu văn hóa độc đáo.

MÙA XUÂN CỦA PHỤ NỮ “NÔNG THÔN MỚI”

Hai chữ “mùa xuân” hay “ngày tết” tự gợi cho con người sự mới mẻ, tươi vui. Với phụ nữ vùng cao, mùa xuân không chỉ là khởi đầu mới của một chu kỳ luân chuyển thiên nhiên và vạn vật, mà còn là một mùa ngơi nghỉ sau những tháng ngày lam lũ, vất vả. Mùa xuân trong những năm gần đây còn là mùa của những người phụ nữ “nông thôn mới”. Gọi như thế là bởi từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, cuộc sống của đồng bào vùng cao có nhiều đổi thay, nhất là với phụ nữ. Ngày tết, khi những người chồng đang ngà ngà cơn say, việc cơm nước, thờ cúng đã xong, những người phụ nữ trong thôn, trong bản sẽ tập trung tại nhà văn hóa mới được xây xong để múa hát, vui chơi, chuyện trò. Những cô vợ trẻ sẽ đưa con thơ ra trước hiên nhà văn hóa sưởi nắng, hỏi han các bà, các mẹ về cách nuôi dạy con. Rồi những người phụ nữ cũng dạy nhau cách đi xe máy trên con đường nông thôn đã đổ bê tông láng mịn.

Vào những ngày tết, người ta dễ gặp từng tốp phụ nữ các thôn giao lưu thi đấu bóng chuyền. Họ chơi thứ bóng chuyền với luật chẳng giống ai và cũng chẳng rõ ai nghĩ ra. Với họ, luật trong thể thao không phải điều gì lớn lao khi mà chính rào cản từ ngàn đời nay “phụ nữ thì không chơi thể thao” họ đã vượt qua một cách lạ kỳ. Khi ấy, những ông chồng sẽ ngạc nhiên hay tự hào khoe với nhau rằng, “vợ tôi, vợ ông hằng ngày chỉ biết lên nương trồng ngô, hái chè, cấy lúa, chẳng biết học từ bao giờ mà đánh bóng chuyền hay chẳng khác gì đàn ông trong làng”…Tết đến, phụ nữ cũng quây quần bên nhau, ngồi cùng mâm cơm, chúc nhau những chén rượu nồng mình cất công nấu từ những ngày giáp tết. Và khi những đôi má rám màu nắng đã ửng hồng vì hơi rượu cay, họ hát cho nhau nghe những khúc ca từ thời cha ông để lại; khúc ca mời rượu, khúc ca tạ ơn trời, đất, tạ ơn sông suối đã cho một năm đủ đầy, hát tạ ơn cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục để họ có cuộc sống hôm nay. Khi rượu tàn, họ giúp nhau dọn dẹp. Mùa xuân cũng là lúc phụ nữ rảnh rang nhất, là lúc họ diện những bộ quần áo, bộ váy mới, rồi e ấp ngồi sau xe chồng chở đi chơi hội. Họ cùng nhau đi thăm hỏi họ hàng, làng xóm, tham gia các lễ hội của các dân tộc trong vùng như hội Say Sán, chọi trâu, chọi dê, hội xuống đồng... Những phụ nữ vùng cao khi ấy sẽ như những “danh ca”, cùng hát đối đáp và múa những điệu múa uyển chuyển, để quên hết mỏi mệt, vất vả thường ngày.

Lên vùng cao vào những ngày xuân, chúng ta dễ bắt gặp nụ cười của những sơn nữ người Mông, người Dao, người Nùng… như tỏa nắng ấm, như đóa hoa rừng chúm chím đợi ngày hé mở. Từ bản xa, những cô gái duyên dáng, điệu đà trong bộ váy mới, thong dong trên con đường đẫm sương núi đến với các lễ hội./.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...