Sự phát triển của thành phố Lào Cai – những dấu ấn không thể nào quên

Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập thành phố Lào Cai, Ban biên tập Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Cao Đức Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Lào Cai  – người có nhiều năm gắn bó với quá trình xây dựng và phát triển của thành phố Lào Cai.
Lên thành phố trong khi thị xã còn 2 xã vùng cao thuộc Chương trình 135, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn về mọi phương diện, là thách thức rất lớn. Tôi rất nhớ, ngày ấy (ngày 07/4/2002), sau ngày công bố sáp nhập hai thị xã một tuần, thị xã thành lập đoàn công tác trực tiếp đến làm việc tại thôn Phìn Hồ Thầu. Đây là thôn xa nhất của xã Tả Phời, trong thôn hầu hết là người Mông sinh sống. Đoàn công tác có tới gần 20 người, đủ các thành phần do anh Kim (Bí thư Thị ủy) làm Trưởng đoàn, mất một ngày đường đi bộ, ngược núi bằng những đường mòn, nhiều chỗ dốc đứng mới tới thôn. Tôi và anh Dương (Phó Chủ tịch UBND thị xã) đều phải đeo ba lô nặng khoảng 10 kg, gồm mì tôm, đài cát sét, quần áo mưa để cho đồng bào. Lúc đầu thì hăm hở, càng đi càng thấy nặng, gần đến nơi phải leo nốt đoạn đường quá dốc làm vai thêm trĩu xuống, như muốn đứt hơi. Rồi đoàn cũng đã đến được thôn. Chiều tà, trời se lạnh, tại nhà trưởng thôn, giữa bạt ngàn xanh mênh mông, tôi và anh Dương cùng hỏi chuyện trưởng thôn và không khỏi chạnh lòng: Thôn có 28 hộ, các hộ ở xa, đi đến nhà nhau có khi mất 2 giờ đồng hồ, hầu hết là hộ nghèo, trẻ đều không được đi học, mấy đứa trẻ đứng ở sân nhà trưởng thôn nhìn chúng tôi ngơ ngác…Tôi và anh Dương cùng hướng về dưới núi xa xăm, khi những tia nắng cuối ngày đang tắt dần nói với nhau: “Thành phố tương lai đang chờ” chúng ta đấy. Sau chuyến công tác, những chương trình, kế hoạch được thị xã xây dựng dành riêng cho 2 xã Tả Phời và Hợp thành. Khẩu hiệu hành động được nêu ra, thường xuyên thôi thúc mọi người: Tất cả vì 2 xã vùng cao, 2 xã vì thị xã cho cuộc hành trình lên thành phố. Người dân các phường góp sức, doanh nghiệp cùng vào cuộc giúp đỡ 2 xã. Nhớ lắm, ngày hội mở đường lên vùng cao (01/11/2002), có nhiều người và cờ hoa, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Giàng Seo Phử phát lệnh mở đường - con đường giải phóng đói nghèo cho đồng bào vùng cao xã Tả Phời. Bây giờ, những việc như thế là bình thường, nhưng lúc đó quả là sự kiện trọng đại đối với nhân dân nơi đây, bởi làm đường to cho ô tô đi được đến các thôn chưa có chính sách, cũng chưa có phong trào, lãnh đạo thị xã phải mở nhiều hội nghị kiểu “Diên Hồng” để kêu gọi giúp đỡ và tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, các sở, ngành và các doanh nghiệp mới có được ngày hội mở đường và có được thành quả nhanh như thế. Sau hai năm, trước ngày thị xã lên thành phố, những tuyến đường ô tô dài tới gần 50 km vắt qua các thôn vùng cao Tả Phời, Hợp Thành đã thúc đẩy nhanh hơn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội 2 xã vùng cao, hội đủ tiêu chí để Tả Phời, Hợp Thành tự nguyện rút khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Thành phố chia tay đồng chí Giàng Seo Phử, nguyên Bí thư Tỉnh ủy về Hà Nội công tác (năm 2005) đã dành cả một ngày để đồng chí đến thăm và chào đồng bào, trong tình cảm lưu luyến tại các thôn vùng cao Tả Phời bằng ô tô, dù đó là tuyến đường vừa mở, thơm mùi đất mới; chia tay đồng chí Bùi Quang Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy về công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 2009) cũng vậy, nhưng đến với đồng bào đã được đi trên tuyến đường rải đá cấp phối. Còn gì vui hơn, khi đón chào thành phố 10 năm tuổi, tất cả tuyến đường đến các thôn của Tả Phời và Hợp Thành đều được bê tông hóa theo chuẩn nông thôn mới. Hôm nay, đến Phìn Hồ Thầu chỉ cần một giờ đồng hồ, thay vì ngày mới sáp nhập 2 thị xã phải mất cả một ngày đường, rất vất vả đã làm tôi nhớ mãi 2 xã vùng cao Tả Phời, Hợp Thành thân thương khi làm Bí thư Thị ủy và Thành ủy Lào Cai. Bây giờ, hai xã đã ra khỏi Chương trình 135 được 10 năm, nhưng vẫn còn khó khăn, làm tôi càng thêm nhớ thương bà con nơi đây.

Rước kiệu lễ hội đền Thượng.   Ảnh: Ngọc Luyến

Lên thành phố. Đòi hỏi phải xây dựng một thành phố tiêu biểu nơi biên cương phải văn minh, hiện đại. Quy hoạch, kế hoạch, những dự án lớn làm thay đổi diện mạo, tăng trưởng về quy mô và chất lượng đô thị, kinh tế, xã hội là quyền quyết định của Trung ương và tỉnh. Thành phố chăm lo thực hiện những nhiệm vụ cụ thể được phân công, phân cấp. Biết bao nhiêu chuyện trong quản lý, bởi lúc này, hàng trăm dự án đầu tư mở mang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- kĩ thuật, công trình phúc lợi trong điều kiện chính sách về đất đai, đền bù luôn có sự thay đổi… trên địa bàn thành phố được triển khai; hàng ngàn hộ dân phải di dời, nhường đất cho các dự án, việc làm cho người lao động thay đổi, cuộc sống của nhân dân phải được nâng lên. Đô thị mới phải mở mang, đô thị cũ phải chỉnh trang, hoàn thiện theo yêu cầu phát triển; làm Bí thư Thành ủy không thể đứng ngoài, đã nhiều lần cùng tập thể trực tiếp vận động nhân dân di dời nơi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, có những hộ phải di chuyển lần thứ 5 để thành phố có mặt bằng sân Đền Thượng như bây giờ, ngày tết cổ truyền sắp đến, các hộ vẫn vui vẻ khi tiếp chúng tôi đến thăm nơi ở tạm, vì biết rằng, ngay sau tết năm ấy (năm 2001), Lễ hội Đền Thượng lần đầu tiên do cấp thị xã và tỉnh sẽ được tổ chức; rồi việc đi tìm mẫu gạch lát vỉa hè và kêu gọi doanh nghiệp và phát động nhân dân tham gia đóng góp chỉnh trang đô thị. Cả Ban Thường vụ Thị ủy về Vân Hà, Đông Anh mời gọi doanh nhân Hà Nội lên đầu tư, mở các ngành nghề truyền thống tại thành phố Lào Cai. Thành phố bình yên, thành phố hữu nghị có sự biến chuyển mạnh mẽ, đi lên từ chính kinh tế, đô thị theo những quy luật khách quan và sự quản lý khoa học, hệ thống mang tính chủ quan mà thành phố là chủ thể  quan trọng.


Lên thành phố. Thành phố biên cương không chỉ là đô thị phát triển bởi những công trình xây dựng hiện đại, tăng trưởng nhanh về kinh tế, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam trong đối ngoại, hội nhập. Văn hóa, văn minh thành phố là phải hướng tới để nhân dân được sáng tạo và hưởng thụ cao nhất. Có nhiều việc làm phải kiên trì và cũng cần cả những mục tiêu, tính quyết liệt, tập trung giải quyết trước mắt; những vấn đề về giáo dục, y tế, chính sách xã hội phải dẫn đầu cả tỉnh; hoạt động văn hóa phải điển hình về khả năng huy động các nguồn lực cho phát triển và có tính vượt trội về kết quả; kiềm chế và đẩy lùi tệ nạn, tội phạm. Vấn đề đặt ra làm thế nào để giữ gìn truyền thống và tiếp thu tinh hoa để tạo nét văn hóa riêng của thành phố? Thật khó khăn khi thành phố mới hình thành, đa dạng về dân cư và hầu hết mới nhập cư từ mọi miền về đây đan xen; là tỉnh lỵ của tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số, văn hóa đa dạng, giàu truyền thống. Ngay những ngày đầu tái lập thị xã tỉnh lỵ (tháng 9/1992), anh Đào Văn Ngoạn, Bí thư Thị ủy lâm thời đã cùng lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các cơ quan chuyên môn khảo sát thực tế và  có ý tưởng gắn di tích văn hóa Đền Thượng và các di tích văn hóa khác của thành phố với phát triển du lịch, tạo động lực phát triển của thị xã. Ngay sau khi Đền Thượng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia (năm 1996), Lễ hội đền Thượng được phục dựng vào Rằm tháng Giêng hằng năm. Những năm đầu, Lễ hội đền Thượng do phường Lào Cai tổ chức, bắt đầu từ năm 2001, do thị xã chủ trì, phối hợp với các ngành của tỉnh tổ chức. Lễ hội được tổ chức theo kịch bản do UBND tỉnh duyệt, thị xã phải tổ chức luyện tập rất công phu. Kịch bản do tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin xây dựng; Chúc thư dâng tổ tiên do Thường trực Tỉnh ủy duyệt có nói tới quyết tâm của Lào Cai trong thực hiện 7 Chương trình công tác trọng tâm của BCH Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên được xây dựng và tổ chức thực hiện ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2000 - 2005. Lời khai mạc Lễ hội do Chủ lễ đọc, lời tế trong Chúc thư do Chủ tế dâng tổ tiên được truyền thanh trực tiếp đến với các phố, phường làm lay động lòng người, tưởng nhớ cha ông, dốc tâm thờ phụng và cất cao lời hứa, quyết tâm hành động vì một Lào Cai phồn thịnh, văn minh. Từ đây, nơi này thêm linh thiêng hơn. Lễ hội, là nơi hội tụ, tôn vinh truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc Việt Nam, tăng cường giao lưu và phát triển; là điểm nhấn để tạo động lực hướng tới các hoạt động tôn tạo, xây dựng đền Thượng và các di tích lịch sử văn hóa, các phong trào hoạt động sáng tạo, bảo tồn, tiếp thu và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, hình thành những nét đẹp văn hóa của người thành phố… nên đã được tỉnh và thành phố chú trọng chỉ đạo thực hiện. Mỗi năm lễ hội được bổ sung, hoàn thiện, các hoạt động văn hóa gắn với du lịch đền Thượng ngày càng đa dạng và phong phú, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhân dân và du khách thập phương. Cũng từ đây, đã hình thành văn hóa dâng hương Đền Thượng sau giao thừa và hái lộc đầu xuân của người thành phố; văn hóa ẩm thực, ứng xử văn minh thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thể hiện rõ nét…Hơn thế nữa, từ tôn kính giá trị văn hóa tinh thần dân tộc, cột mốc biên cương trong tâm hồn người Việt, nồng nàn chủ nghĩa yêu nước, yêu độc lập, tự do, khát vọng hòa bình mãi mãi không chỉ là tình cảm, tư tưởng thuần thúy, mà còn là sắc thái đặc thù mong muốn ở nơi đây thật linh thiêng, tâm linh hóa, thành một thứ “tín ngưỡng” được nhân dân thờ phụng. Vì lẽ đó, tại đền Thượng, thành phố đã hình thành những ý tưởng và tổ chức đưa các làn điệu quan họ Bắc Ninh, hát chèo hòa quyện với dân ca, dân vũ các dân tộc thiểu số trong hội xuân Đền Thượng. Biết bao nhiêu việc đã làm, thành phố và tỉnh đã hết lòng chăm chút để có được đền Thượng, Lễ hội đền Thượng hôm nay… Quan trọng hơn, đền Thượng luôn linh thiêng, Lễ hội đền Thượng ngày càng thể hiện vai trò điểm nhấn, hội tụ trong xây dựng những nét đặc trưng văn hóa của người thành phố, đã và đang điều tiết nhiều hoạt động văn hóa, kinh tế có tính thường xuyên, lan tỏa trong toàn tỉnh và trong vùng, sang cả nước bạn.

Thị xã sau sáp nhập, người nghiện ma túy diễn biến phức tạp khiến nhân dân lo lắng, chính quyền cũng chưa có lời giải cụ thể để kiềm chế và đẩy lùi tệ nạn này. Trước tình hình đó, vào đầu năm 2003, đoàn công tác của thị xã có 46 người đi học tập ở Tuyên Quang về mô hình “Cai nghiện ma túy ba giai đoạn”, “kiểu quản lý người nghiện ở xã, phường và Công trường 06”. Tôi còn nhớ, trên đường từ Tuyên Quang về, ngồi trên xe, anh em phấn khởi thể hiện quyết tâm tuyên chiến với ma túy. Học ở Tuyên Quang ở phương châm hành động của họ trong cai nghiện ma túy, đó là: “Đồng loạt, đồng bộ, kiên quyết, kiên trì”, Ban Thường vụ Thị ủy tích cực tham mưu và chỉ đạo, Thị ủy ra nghị quyết chuyên đề, thành lập Ban chỉ đạo cấp thị xã và xã, phường do Bí thư cấp ủy đảng làm trưởng ban, UBND xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ để triển khai với tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Chiều 9/8/2003 thị xã phát lệnh, sáng sớm hôm sau, cùng một thời điểm, các đơn vị  đồng loạt đưa người nghiện vào 14 nhà cai nghiện xã, phường để thực hiện cai nghiện giai đoạn một (cắt cơn); cơ sở báo cáo từng giờ và thị xã chỉ đạo liên tục ngày đêm, cả thị xã “nóng” lên từng ngày. Ngày 19/8/2003 (đúng ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám) sơ kết 10 ngày thực hiện việc đưa người nghiện vào nhà cai nghiện ma túy ở xã, phường, đồng chí Bùi Quang Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo. Ngày 20/10/2003 (đúng ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đưa người nghiện hoàn thành giai đoạn một vào Công trường 06 tại Tả Phời thực hiện cai nghiện giai đoạn 2; sau một năm cũng đã có những người hoàn thành giai đoạn 2 (phục hồi chức năng) về thực hiện giai đoạn 3 (tái hòa nhập cộng đồng). Không thể nào quên những sự kiện, sự việc xảy ra trong quá trình thực hiện cai nghiện 3 giai đoạn. Người nghiện bỏ trốn, chống đối đủ đường, các điều kiện cho thực hiện cai nghiện thiếu thốn, khó khăn chồng chất. Tất cả đều căng như dây đàn; có đêm, rạng sáng, bí thư đảng ủy phường bật khóc, xin lỗi Bí thư thị ủy vì để người nghiện đào ngạch nhà cai nghiệ, trốn hết. Không thể nhớ nổi đã bao đêm trắng, tôi cùng anh em đi kiểm tra các nhà cai nghiện xã, phường, đến đâu cũng thấy cán bộ, đảng viên, có cả những người tình nguyện thay nhau trực suốt đêm vì người nghiện, trụ sở chính quyền của dân ở cơ sở lại thêm những việc chẳng luật nào quy định: Hoạt động 24 giờ cả 7 ngày trong tuần. Có nhiều đêm, lãnh đạo thành phố phải đỗ xe ô tô từ xa, tắt đèn, đi bộ vào từng phòng ở để kiểm tra sỹ số người nghiện tại Công trường 06 (theo Quy chế, nên cổng Công trường 06 và phòng nghỉ của học viên không khóa) vì tình hình tại đây diễn biến rất phức tạp, không ít cán bộ chán nản, thiếu niềm tin, né tránh, phân tâm, bỏ buông nhiệm vụ…

Chương trình cai nghiện ma túy sau gần hai năm thực hiện tưởng chừng “phá sản”. Thế nhưng, nhân dân vẫn luôn là chỗ dựa lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn; từ thực tiễn và luôn trăn trở trước mọi diễn biến trong thực hiện mục tiêu đề ra đã giúp cho thành phố bổ sung, hoàn thiện các điều kiện cai nghiện cho người nghiện ma túy. Qua những lần trò chuyện thân tình với các cụ cao niên ở phường Phố Mới, tất cả đều đề nghị: Không thể có “đồng bộ” theo phương châm đã đề ra mà thiếu sự “đồng tâm”. “Đồng tâm” phải đặt lên hàng đầu. Thực tiễn, sau hai năm thực hiện thấy rõ nhiều hạn chế, nếu “đồng bộ” mà chỉ dựa vào tính tự giác của người nghiện là chính đối với tất cả người nghiện ma túy theo phương pháp cai nghiện ma túy 3 giai đoạn, lấy “Công trường 06” là thước đo rèn luyện ý chí và tính tự giác của người nghiện ở giai đoạn 2 làm cơ sở để họ có thể trụ được, không tái nghiện khi trở về tái hòa nhập cộng đồng là chưa đủ. Cần phải tiến hành “đồng bộ” cả 2 hình thức cai nghiện cộng đồng và cai nghiện tập trung theo quy định của pháp luật mà cấp ủy đảng, chính quyền thành phố là chủ thể chỉ đạo tập trung, thống nhất, hệ thống, chặt chẽ để thực hiện trong cả quá trình quản lý từ giai đoạn một đến khi người nghiện được cộng đồng dân cư, chính quyền cấp xã thừa nhận hoàn thành cai nghiện. Đó cũng là lý do tại sao phải bổ sung tên gọi của Chương trình là: “Cai nghiện ma túy 3 giai đoạn, 2 hình thức”. Có đồng tâm, đồng bộ, kiên quyết, kiên trì nhưng không chỉ rõ tính lâu dài, tính liên tục thì dễ dẫn đến chán nản, buông xuôi, bỏ cuộc khi chậm thấy kết quả cai nghiện thành công ở từng cá nhân người nghiện ma túy. Chương trình cai nghiện ma túy 3 giai đoạn, 2 hình thức với những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm vừa quyết liệt giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt, vừa phải có tính chiến lược lâu dài. Với ý nghĩa đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định bổ sung, hoàn thiện phương châm hành động, với 15 chữ: “Đồng tâm, đồng bộ, đồng loạt, kiên quyết, kiên trì, liên tục và triệt để”. Theo đó, Quy chế, Quy định về cai nghiện ma túy tiếp tục hoàn thiện, tổ chức bộ máy được kiện toàn, đề nghị tỉnh bổ sung chính sách, xã hội hóa các nguồn lực được tăng cường, 2 hình thức cai nghiện được tiến hành đồng bộ, bền bỉ để từng bước giải quyết vấn nạn ma túy của thành phố. Những bất cập được giải quyết, tình hình dần ổn định; người nghiện ma túy được quản lý chặt chẽ, đã có nhiều người cai được nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng tệ nạn ma túy trên địa bàn. Điều đáng nói, vấn đề không chỉ đã cai được bao nhiêu người nghiện, mà quan trọng hơn, thành phố phải thực hiện quản lý chặt chẽ ma túy, còn ma túy, còn người nghiện ma túy thì còn tiếp tục yêu cầu người nghiện phải cai nghiện, dù họ có tái nghiện bao nhiêu lần, đồng bộ với thực hiện mục tiêu cai nghiện ma túy là đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy; trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải được đề cao, sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và toàn dân phải được duy trì, phát huy mọi lúc, mọi nơi trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện Chương trình cai nghiện ma túy gắn với phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội khác. Lúc đó, những khi khó khăn nhất, tôi vẫn thường tự nhủ: Không thể thất bại trong việc này, vì đó là nguyện vọng của nhân dân, nhất là đối với những gia đình có người nghiện ma túy; nhất định sẽ có lời giải cho cuộc chiến chống ma túy, cai nghiện cho người nghiện ma túy vì chúng ta đã có sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân. Những lúc căng thẳng, tôi vẫn thường nói với mọi người rằng, việc này chắc phải sau 10 năm nữa, mới thấy được hiệu quả của những việc chúng ta đang làm.
 
Hoàng hôn thành phố. (ảnh: Ngọc Bằng).

Sau bốn năm thực hiện, kết quả quan trọng nhất là sự thay đổi căn bản về nhận thức. Nhận thức đầy đủ và rõ hơn về tính chất, nội dung, phương pháp cai nghiện ma túy gắn với phòng, chống tội phạm về ma túy trong điều kiện của thành phố đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển và hội nhập. Thành phố có sự điều chỉnh từ mô hình “Cai nghiện ma túy 3 giai đoạn” thành mô hình “Cai nghiện ma túy 3 giai đoạn, 2 hình thức”; từ “Đồng bộ, đồng loạt, kiên quyết, kiên trì”  thành “Đồng tâm, đồng bộ, đồng loạt, kiên quyết, kiên trì, liên tục và triệt để” trong phương châm hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với vấn nạn ma túy trên địa bàn. Đó là kết quả bước đầu, có ý nghĩa rất quan trọng được rút ra từ tổng kết thực tiễn, quá trình vận dụng cụ thể chủ trương cụ thể của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy của Đảng bộ và chính quyền thành phố trước yêu cầu mới. Sau năm 2008, tình hình người nghiện mới trên địa bàn giảm mạnh, số người cai được nghiện ma túy tăng. Đó cũng là cơ sở để đề ra mục tiêu đến năm 2015, giảm 50% thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố không có người nghiện ma túy theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2010 – 2015. Người đời vẫn nói: Nghiện gì thì cũng rất khó cai. Để có được thành công trong công tác tổ chức quản lý và tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy không đơn giản, nếu chỉ trông vào một giải pháp nào đó như không ít người đến bây giờ vẫn đang nhầm tưởng. Nhưng, chắc chắn rằng, thành phố sẽ đi đến đích, sẽ đẩy lùi tệ nạn ma túy, giảm thiểu số người nghiện ma túy, xây dựng cộng đồng lành mạnh, không có ma túy, một khi đó là công việc thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của toàn dân./.
Cao Đức Hải - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai.

Tin Liên Quan

[Infographic] 10 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024

Ngày 17/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 220-KH/UBND về phát triển kinh tế - xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024, với mục tiêu thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã nghèo; giúp người nghèo cải thiện sinh kế, khơi dậy...

Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành đạt hơn 46 triệu USD trong 5 ngày nghỉ lễ

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) đạt hơn 46 triệu USD.

Lào Cai trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Chiến dịch Hồ Chí Minh với đỉnh cao là chiến thắng ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam có phần đóng góp đáng kể của quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Đó là đóng góp to lớn về sức người, sức của với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng" để cùng dân tộc làm nên những...

Ban Tuyên giáo tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 4/2024

Sáng 3/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 4/2024. Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Lào Cai xử lý gần 600 trường hợp vi phạm giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã bố trí 347 tổ tuần tra kiểm soát, thực hiện 15.245 lượt kiểm tra, qua tuần tra phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với 591 trường hợp, ước số tiền xử phạt khoảng 1.751 triệu đồng.

Lào Cai tiếp tục nhân rộng mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”

Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa nhằm khuyến khích, vận động người dân không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, khuyến khích thay thế túi nilon bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường.