“Nghe một câu Nôm yêu ơi là yêu…”

“Ai đi đâu về đâu, dẫu có cách xa bao lâu, xin đừng quên miền đất này. Đẹp tình người lắm lắm đấy! Em yêu quê hương của em, có hương núi mênh mang đắm say, người người ơi ngát hương rừng, rộn ràng cùng hương lúa mới, quê hương em bội thu…”. Ai từng nghe những câu hát mượt mà như mời gọi thiết tha, hẳn đều muốn một lần được khám phá vẻ lãng mạn, thanh bình của vùng đất Văn Bàn. Với tôi, cũng đã một lần “lạc bước” về chốn ấy, để rồi cứ nặng lòng với những điệu Nôm của đồng bào Tày nơi đây.
 


Văn bàn - vùng đất của những điệu Nôm ngọt ngào.

Từ ngã ba Xuân Giao (Bảo Thắng), theo Tỉnh lộ 151 rồi bắt vào Quốc lộ 279 hơn chục km là đến thị trấn Khánh Yên, “thủ phủ” huyện Văn Bàn. Tiếp tôi tại trụ sở, anh Cao Minh Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Yên hồ hởi khoe: Những năm gần đây, phong trào văn nghệ của thị trấn phát triển khá mạnh, địa phương đã thành lập các câu lạc bộ, các đội văn nghệ để dễ quản lý và định hướng hoạt động. Đặc biệt, những câu lạc bộ văn nghệ truyền thống đang làm sống lại giá trị văn hoá lâu đời trước nguy cơ bị mai một.

Để minh chứng lời nói của mình, anh cử cán bộ văn hoá đưa tôi đến tìm hiểu hoạt động của Câu lạc bộ Khắp Nôm (hát Nôm) của tổ dân phố Mạ 2. Chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà đơn sơ ngay bên đường, anh cán bộ văn hoá của thị trấn nhấn mạnh: “Mình đưa cậu đến gặp một người được xem như nghệ nhân hát Nôm của tổ đấy!”. Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông mái tóc đã ngả màu thời gian đang lúi húi giặt chài lưới cạnh bể nước. Đó là ông Sầm Tiến Dụng, năm nay 70 tuổi.

Khi chủ - khách đã “yên vị” bên bàn trà, ông Dụng trải lòng: Thấy văn hoá truyền thống của dân tộc mình đang mai một, lớp người cao tuổi chúng tôi buồn lắm, nên khi thị trấn có chủ trương thành lập câu lạc bộ, tôi tham gia ngay, chỉ mong muốn làm sao truyền dạy thật nhiều điệu Nôm cổ cho đời sau. Ông Dụng là người duy nhất trong tổ dân phố Mạ 2 còn biết trọn vẹn những điệu Nôm cổ. Ngoài ra, ông còn sáng tác lời mới để dạy cho các thành viên Câu lạc bộ Khắp Nôm. Ông có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ như đàn tính, đàn nhị, sáo… Theo ông Dụng, hát Nôm diễn ra trong mọi mặt đời sống xã hội, từ lao động sản xuất, lễ hội, cưới hỏi, ru con, đến mời rượu, răn dạy con cháu… tùy từng bối cảnh cụ thể mà con người bật ra lời hát để đối đáp nhau.
 


Ông Sầm Tiến Dụng (bên phải) và ông La Văn Mong thường xuyên ôn lại những điệu Nôm cổ.

Chúng tôi đang trò chuyện về hát Nôm thì nhà có khách. Ông là La Văn Mong, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khắp Nôm tổ dân phố Mạ 2, biết tin có người muốn tìm hiểu về hoạt động bảo tồn văn hoá truyền thống nên sang chơi. Ông cho biết: Câu lạc bộ được thành lập từ tháng 1/2014 có 19 thành viên, gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, rất mừng là trong số đó có nhiều người trẻ tuổi tham gia. Sau một ngày lao động vất vả, mọi người thường tụ họp tại sân Nhà văn hoá của tổ để tập hát Nôm và múa những điệu Then đặc trưng của người Tày. Thầy dạy không ai khác chính là ông Dụng, ông Mong và những người trong tổ còn biết nhiều về hát Nôm và múa Then. Cứ thế, mỗi tháng một kỳ sinh hoạt, trong tổ như có hội, mọi người đến xem, cổ vũ và thưởng thức những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” để nghe từng lời hát, cảm thụ từng động tác múa của các thành viên trong Câu lạc bộ.

Chúng tôi gặp Phạm Thị Tuyết Mai, một trong những thành viên trẻ tuổi nhất Câu lạc bộ Khắp Nôm của tổ dân phố Mạ 2 khi em vừa hoàn thành bài tập múa cùng nhiều thành viên khác. Mai thổ lộ: Mỗi lần nghe những điệu Nôm cổ, em như lạc về miền cổ tích để rồi thích tự lúc nào không hay. Nếu như lớp trẻ chúng em không tiếp nối và giữ gìn văn hoá truyền thống của dân tộc thì những thế hệ sau liệu còn biết gì về hát Nôm không? Đó là lý do em tham gia vào câu lạc bộ.

Nhớ lại cuộc trò chuyện với ông Dụng, ông Mong lúc chiều, các ông cũng cho rằng, để dạy cho thế hệ trẻ trọn vẹn những điệu Nôm cổ quả là rất khó. Hát Nôm cần một không gian nhất định để diễn ra. Ngày xưa, do điều kiện khó khăn, mỗi lần đi hội hoặc dự đám cưới hỏi, mọi người thường đi bộ. Trên quãng đường xa xôi ấy, những trai thanh, gái lịch mới hát đối với nhau, vừa để quên đi quãng đường dài, vừa là cơ hội giao lưu gặp gỡ và giao duyên. Không ít những cặp trai gái nên duyên chồng vợ từ hát Nôm. Những lời giao duyên tỏ tình trong hát Nôm thường nhẹ nhàng và tế nhị, không vồ vập: “Nương em còn rộng không để anh xin thầy mẹ sang đỡ em, đồng ý không? Ruộng em đã cấy xong chưa, để anh xin thầy mẹ sang nhổ mạ cấy giúp em?…”. “Nương em rộng dài lắm, anh có dám bỏ bác mẹ sang giúp em không”…”.

Chẳng nói đâu xa, ngay như chính cha mẹ ông Mong, sau những lời hát Nôm, đối đáp, họ hiểu nhau và quyết tâm vượt qua sự cản ngăn của hai bên gia đình đến với nhau. Kết quả của cuộc tình lãng mạn ấy là 4 anh chị em ông đã ra đời, còn cha mẹ ông cũng sống bên nhau tới khi đầu bạc răng long.

Cũng vì nặng lòng với những điệu Nôm cổ, những năm qua, ông Dụng đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, ghi chép lại thành sách để lưu truyền lâu dài cho thế hệ sau. Đồng thời, ông Dụng và ông Mong luôn nhiệt tình với công việc truyền dạy những điệu Nôm cổ chỉ với mong muốn giữ lại một nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình từ đời này sang đời khác...
 

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Khắp Nôm tổ dân phố Mạ 2, thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn).

Sau một thời gian Câu lạc bộ Khắp Nôm hoạt động, các thành viên trẻ đã hát được trích đoạn trong từng hoàn cảnh, không gian cụ thể. Kết quả này mới chỉ là khởi đầu cho những trăn trở làm sống lại và gìn giữ những điệu Nôm cổ của lớp người cao tuổi trong tổ dân phố bấy lâu nay, song thực sự đã có những tín hiệu vui bởi vẫn còn nhiều người trẻ say mê, đây mới chính là mấu chốt để khôi phục lại một nét văn hoá cổ truyền trong tương lai. Hiểu được điều đó, nên mỗi kỳ sinh hoạt của Câu lạc bộ, ông Dụng và ông Mong luôn có mặt để truyền dạy tất cả những gì về Nôm cổ còn đọng lại trong trí nhớ cho các thành viên.

Còn tôi, khi ra về vẫn mơ màng với tiếng tính tẩu đều đều, khắc khoải, rất gần mà thật xa xôi, gợi nhớ về cánh đồng lúa lao xao trong gió, nhớ những khuôn mặt thiếu nữ thấp thoáng, e ấp sau chiếc quạt múa uyển chuyển, xao xuyến: Noọng ơi, mùa xuân về! Nghe một câu Nôm yêu ơi là yêu, nghe một câu Then thương ơi là thương. Rồi mang nặng nghĩa tình lắm lắm người ơi! Để mang về trong lòng nỗi nhớ da diết Văn Bàn ơi!./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...