Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai: Thích ứng vì cuộc sống

Trong những năm gần đây, một thực tế không thể phủ nhận là sự ảnh hưởng ngày càng lớn của các thảm họa tự nhiên đối với đời sống con người. Phòng tránh và giảm nhẹ những rủi ro do thảm họa, thiên tai gây ra là việc làm cấp bách đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội.
 


Hướng dẫn phòng ngừa các thảm họa tự nhiên tại Philippines. (Ảnh: UNISDR)

Với Nghị quyết 44/236 ngày 22/12/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc ban đầu đã quyết định chọn ngày thứ 4 lần thứ 2 trong tháng 10 để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Ngày này đã được chọn trong Thập kỷ quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (1990 – 1999).

Sau đó, với Nghị quyết 64/200 ngày 21/12/2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đây là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những biện pháp cần thiết phải áp dụng để giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Năm nay, trọng tâm của Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai tập trung vào nhóm dân số cao tuổi. Với chủ đề "Người cao tuổi với thiên tai năm 2014: Thích ứng vì cuộc sống", ngày kỷ niệm này nêu bật sự cần thiết phải mở ra một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với những người lớn tuổi trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đây cũng là dịp để nêu bật vai trò quan trọng của những người cao tuổi trong việc hoạch định và hiểu biết về những rủi ro thiên tai và cách thức mà họ có thể giúp để xây dựng khả năng phục hồi trong cộng đồng thông qua các kinh nghiệm và kiến thức thực tế đã được tích lũy.

Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai năm 2014 sẽ tập trung vào sự đóng góp của những người cao tuổi vào thời điểm hiện tại và giai đoạn sau năm 2015 để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, 2014 cũng là năm cuối cùng trong 4 năm thực hiện chiến dịch về Năm quốc tế giảm nhẹ thiên tai. Chiến dịch này được thiết kế để nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, trong đó mỗi năm tập trung vào vai trò của một nhân tố quan trọng như: Thanh thiếu niên (2011), phụ nữ và trẻ em gái (2012), người sống chung với người khuyết tật (2013) và năm nay là người cao tuổi (2014).

Thực tế cho thấy thế giới của chúng ta đang già hóa dân số. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cuộc cách mạng về nhân khẩu học đang diễn ra trên thế giới. Ngày nay, số người trong độ tuổi 60 và trên 60 là khoảng 600 triệu người; con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 và lên tới 2 tỷ người vào năm 2050, trong đó phần lớn ở các nước đang phát triển. Trong một thế giới với quá trình già hóa đang tăng tốc thì những người cao tuổi sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khi tuổi thọ của con người tăng lên là một minh chứng cho thành công của quá trình phát triển thì sự kết hợp giữa những hiện tượng khí hậu cực đoan và thảm họa tự nhiên cùng với việc không thích nghi được trước những rủi ro thiên tai lại khiến cho nhóm dân số cao tuổi càng dễ bị tổn thương và tổn thương nặng nề hơn trước những rủi ro và hiểm họa thiên tai. Trong khi đó, những yêu cầu và thế mạnh của những người cao tuổi lại thường không được xem xét một cách thích hợp trong quá trình nỗ lực nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Hiện không ai có thể phủ nhận những hệ quả và tác động ngày càng gia tăng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu tăng lên dẫn đến rủi ro môi trường và khí hậu lớn hơn. Và biến đổi khí hậu đang diễn ra cùng với quá trình tăng trưởng dân số nhanh chóng và quá trình già hóa dân số. Tại các nước đang phát triển, dân số đang già đi nhanh chóng khi 60% người lớn tuổi nhất thế giới tập trung tại đây và dự kiến sẽ tăng đến 80% vào năm 2050. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa toàn cầu và ngày càng có nhiều người cao tuổi phải gánh chịu tổn thương từ những tác động của thiên tai.

Chính vì vậy, việc tính đến những nhu cầu quan trọng của người cao tuổi trong quá trình hoạch định và quản lý thiên tai là tối quan trọng để bảo đảm rằng những tác động của thảm họa không tiếp tục gia tăng cùng với xu hướng biến động dân số này.

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai năm nay (13/10/2014), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ, gia đình nhân loại của chúng ta đang già hơn. Trên toàn cầu, chúng ta có gần 10% dân số thế giới đã ở độ tuổi trên 60 và tới năm 2030, lần đầu tiên trong lịch sử, số người già sẽ nhiều hơn số trẻ em. Chính vì vậy, Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai năm nay là “một cơ hội để nhấn mạnh vai trò của những người cao tuổi trong việc thúc đẩy khả năng thích nghi, đối mặt với thiên tai”.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, khi một thảm họa tự nhiên xảy ra, những người cao tuổi sẽ gặp phải nguy cơ cao nhất là bị chết và bị thương. Xu hướng bi thảm này cần phải được đảo ngược thông qua những kế hoạch, dịch vụ và chương trình hỗ trợ để bảo đảm rằng chúng ta có thể lấp đầy các lỗ hổng mà những người cao tuổi phải đối mặt, đồng thời vẫn có thể tối ưu hóa đóng góp của họ cho sự an toàn và hạnh phúc chung của toàn nhân loại.

Lập kế hoạch ứng phó với thảm họa cần phải tính đến đặc thù của những người cao tuổi như khả năng di động giảm và những kinh nghiệm thực tế của họ. Chúng ta phải giúp những người cao tuổi tự chuẩn bị để ứng phó với một thảm họa có thể xảy ra, để họ được an toàn và tự bảo vệ được mình. Các nhu cầu của người cao tuổi cũng nên được tính đến trong các hệ thống cảnh báo sớm, cơ chế bảo trợ xã hội, kế hoạch sơ tán và ứng phó khẩn cấp, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.

Đồng thời, điều quan trọng là cần nhận thức rõ ràng về những thế mạnh của người cao tuổi có thể phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng. Những năm kinh nghiệm quý báu của họ có thể giúp giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Chúng ta nên để những người cao tuổi tham gia vào quản lý rủi ro thiên tai cũng như các quá trình lập kế hoạch và ra quyết định liên quan. Người cao tuổi cũng có thể có ý nghĩa làm phong phú thêm các cuộc thảo luận quan trọng toàn cầu của chúng ta về vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được phát triển bền vững.

Vào Ngày quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng “nhắc nhở mình rằng việc xây dựng và củng cố khả năng đối mặt với thảm họa không có giới hạn về thời gian trong cuộc sống của mỗi con người: Nó phải bắt đầu ngay từ khi chúng ta còn rất trẻ và ngày càng phát triển hơn khi chúng ta về già”.

Nhận thức và phát huy vai trò quan trọng của người cao tuổi cũng như đặt họ vào trung tâm trong quá trình lập kế hoạch và ra quyết định, tiến hành các công việc nhằm phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai chính là bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng hòa bình và ổn định trên thế giới, hướng tới một thế giới phát triển bền vững cho tất cả mọi người./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.