Bước đột phá trong sản xuất công nghiệp

Từ khi tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay, quy mô nền kinh tế của Lào Cai đã tăng gấp 10 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 69 lần. Có được kết quả trên một phần quan trọng là do tỉnh đã xác định sản xuất công nghiệp là khâu đột phá và thực tế lĩnh vực này đã có những bước chuyển biến rất tích cực trên tất cả các phương diện, nội dung phát triển.

Hiện, toàn tỉnh có 240 doanh nghiệp tham gia sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp với giá trị sản xuất năm 2013 đạt 4.940 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 1994), tính giá năm 2010 thì con số này là 9.876 tỷ đồng, dự kiến trong cả năm 2014 đạt 12.690 tỷ đồng; tỷ trọng sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm 82% cơ cấu kinh tế của tỉnh (GRDP), trong đó, riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn một nửa. Trước đây, sản xuất công nghiệp của tỉnh chủ yếu tập trung vào hoạt động khai thác, chế biến nguồn quặng apatít, do doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đảm nhận. Thực hiện chiến lược phát triển ngành, trong khoảng 10 năm trở lại đây tỉnh đã có bước đột phá mạnh trong xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển. Từ khai thác khoáng sản, đến nay công nghiệp Lào Cai đã mở rộng sản xuất trên nhiều ngành mới, như luyện kim, sản xuất phân bón, hóa chất, vật liệu xây dựng, thủy điện, chế biến nông - lâm sản và công nghiệp phụ trợ. Điển hình là ngành khai thác khoáng sản, ngoài việc tập trung khai thác nguồn quặng còn là quặng đồng, sắt, vàng, cao lanh, fenspat nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và phục vụ chiến lược chế biến sâu nguồn khoáng sản trên địa bàn. Công nghiệp luyện kim, sản xuất phân bón, hóa chất tuy còn non trẻ, nhưng đã có sự tăng trưởng mạnh về chất với tỷ trọng sản xuất chiếm tới 32,5% tỷ trọng toàn ngành với trị giá 1.300 tỷ đồng trong năm 2013 (thời giá năm 1994). Chủ lực ngành luyện kim của Lào Cai là luyện đồng và sản xuất gang thép, trong khi vẫn phát huy được thế mạnh sản xuất các sản phẩm hóa chất và phân bón như phốt pho vàng, a-xít-sun-fua-ric, phụ gia thức ăn gia súc, phân bón tổng hợp NPK, phân lân và tới đây là sản phẩm phân bón cao cấp DAP. Bên cạnh đó, ngành sản xuất điện năng (thủy điện) của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, thu hút nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 32 dự án nhà máy thủy điện đi vào sản xuất với công suất lắp máy hơn 500 MW, trong đó đáng kể là Nhà máy Thủy điện Bắc Hà với công suất 90 MW, Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát công suất 72 MW. Nguồn điện năng sản xuất dồi dào vừa phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp và góp phần nâng số hộ trong toàn tỉnh được dùng điện lưới quốc gia vào mục đích sản xuất, sinh hoạt lên 90%, cũng tính đến nay toàn tỉnh có 88% số thôn, 100% số xã đã có lưới điện quốc gia.


Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản vẫn là thế mạnh của Lào Cai.

Bước tiến trong sản xuất công nghiệp của tỉnh còn là việc hình thành và tổ chức hợp lý, rõ nét các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tiêu biểu là Khu Công nghiệp Tằng Loỏng với diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp khoảng 650 ha, địa thế gần nguồn nguyên liệu quặng apatít, sắt, đồng, nên hướng phát triển khu công nghiệp này là tập trung cho ngành công nghiệp luyện kim, hóa chất, phân bón, sản xuất phụ gia thức ăn gia súc. Khu Công nghiệp Đông Phố Mới và Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải (thành phố Lào Cai) có lợi thế là gần với Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và thuận tiện về giao thông, nên hướng phát triển được ưu tiên cho ngành tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông - lâm sản, xây dựng kho, bãi hàng hóa công nghiệp - thương mại.

Tuy nhiên, bước đột phá rõ nét và mang lại hiệu quả lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh trong những năm qua phải kể tới chiến lược chế biến sâu nguồn khoáng sản trên địa bàn. Từ việc dựa vào khai thác lộ thiên nguồn quặng apatít loại I và xuất trực tiếp đến các nhà máy sản xuất phân bón trong nước, thì hiện nay tỉnh đã có 3 nhà tuyển quặng loại II và loại III với công suất hơn 1 triệu tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho những dự án chế biến sâu của ngành công nghiệp trên địa bàn như Nhà máy Phân bón cao cấp DAP số II với công suất 330 nghìn tấn/năm chuẩn bị đi vào hoạt động, những dự án đang đẩy mạnh sản xuất như 5 nhà máy sản xuất phốt pho vàng, 2 nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp NPK, nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn gia súc DCP tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng. Cùng với việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Tuyển đồng Sin Quyền (Bát Xát) có công suất chế biến hơn 40 nghìn tấn quặng đồng/năm thì Nhà máy Luyện đồng Lào Cai với công suất 10 nghìn tấn đồng tấm kim loại 99,5% cũng đi vào hoạt động nhằm tạo thế khép kín, liên hoàn từ khai thác khoáng sản đến luyện kim. Ngoài sản phẩm đồng tấm kim loại, Nhà máy Luyện đồng Lào Cai còn xuất xưởng các sản phẩm phụ như hơn 300 kg vàng, 160 kg bạc thỏi và hàng chục nghìn tấn a-xít-sun-fua-ríc/năm. Đến nay, đây vẫn là dự án duy nhất của cả nước sản xuất đồng tấm kim loại. Lào Cai đứng thứ 2 cả nước về trữ lượng quặng sắt trong lòng đất, tuy nhiên, trước đây việc khai thác chỉ dành cho hoạt động xuất khẩu và vận chuyển tới các nhà máy luyện kim trong nước với chặng đường xa xôi, thì đến nay 100% sản lượng khai thác đã làm nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai với công suất giai đoạn I là 1 triệu tấn gang, thép/năm. Chiến lược chế biến sâu nguồn khoáng sản được thực hiện đã giảm bớt chi phí vận chuyển nguồn khoáng sản tới các điểm tiêu thụ có cự ly dài, tạo chu trình khép kín, hỗ trợ nguồn nguyên liệu giữa các cơ sở sản xuất công nghiệp trên cùng địa bàn. Từ đó, không chỉ tạo sự bứt phá về giá trị gia tăng nội ngành công nghiệp mà còn hạn chế và chấm dứt tình trạng xuất khẩu thô nguồn khoáng sản, kích thích ngành công nghiệp phụ trợ và tạo thêm nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Công nghiệp Lào Cai đã có những bước đột phá mạnh, chuyển dịch đúng định hướng, nhưng để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng sẵn có, địa phương đang cần hơn nữa sự đầu tư, quan tâm của các bộ, ngành, các tỉnh bạn và các doanh nghiệp.
 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Họp Ban Chỉ đạo Dự án GREAT 2 Lào Cai

Sáng 8/5, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại Lào Cai (Dự án GREAT 2 Lào Cai).

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam

Chiều 7/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam do Tiến sỹ Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Lào Cai.

Quân và dân Lào Cai góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Âm vang và giá trị trường tồn

Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, cơm dầm mưa vắt, máu trộn bùn non” (từ ngày 13/3 đến 7/5/1954), quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm của Pháp vốn được coi là “pháo đài bất khả xâm...

Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh

Đó là chỉ đạo của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị giao ban 3 lực lượng quân sự - công an - biên phòng diễn ra vào chiều 6/5.

Học sinh Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại Cuộc thi triển lãm phát minh quốc tế

Hai dự án của Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại cuộc thi là: “Bàn tay robot hỗ trợ người khuyết tật chi trên” và “Thiết bị thông minh hỗ trợ người mù”.