Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2014): “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”

Môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người ở tất cả các quốc gia và trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, con người ngày càng tác động tiêu cực tới môi trường và những hệ quả không thể phủ nhận của hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp tới sự sống của nhân loại. Ngày Môi trường Thế giới là cơ hội cho tất cả mọi người nhận rõ không chỉ là trách nhiệm bảo vệ Trái đất mà còn trở thành tác nhân tạo nên sự thay đổi.
 
Tăng cường nhận thức về môi trường trên toàn thế giới 

Chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm 2014: "Hãy hành động để ngăn nước biển dâng". (Ảnh: UNEP)
Năm 1972, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 để kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới và giao cho Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi (Kenya) tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Ngày này cũng đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Stockholm về Môi trường con người (5/6/1972) và là ngày ra đời của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc.

Mỗi năm, Liên hợp quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.

Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1972 và đã phát triển theo thời gian để trở thành một trong những phương tiện truyền thông chính mà qua đó Liên hợp quốc tăng cường nhận thức về môi trường trên toàn thế giới và khuyến khích các hành động chính trị. Đây là một sự kiện thường niên với mục đích khơi gợi các hoạt động môi trường tích cực nhất có thể trên phạm vi toàn thế giới, thu hút sự chú ý của công chúng đến các vấn đề môi trường.

Ngày Môi trường Thế giới cũng là một cơ hội cho mọi người từ tất cả các tầng lớp xã hội tập hợp lại với nhau để cùng xây dựng một tương lai sạch hơn, xanh hơn và tươi sáng hơn cho bản thân và các thế hệ tương lai. Trong ngày kỷ niệm này, rất nhiều hoạt động được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú.

Đây là sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo người dân vào các hoạt động như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thải và làm sạch môi trường... Thêm vào đó, Ngày Môi trường Thế giới cũng hướng tới các hoạt động phổ biến kiến thức hữu ích như tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, các diễn đàn... về vấn đề môi trường.

Thông qua các hoạt động này, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hiệu quả đã được trao đổi và ứng dụng vào thực tế trong công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là dịp để thúc đẩy việc ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đồng thời tăng cường sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Bằng chứng có thể thấy rõ là số nước hưởng ứng sự kiện này ngày càng tăng; danh sách các thành phố, các doanh nghiệp và cộng đồng hưởng ứng ngày càng nhiều.

Hãy hành động để ngăn nước biển dâng

Hưởng ứng Năm Quốc tế các tiểu quốc đảo đang phát triển 2014, chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm nay (5/6/2014) được lựa chọn là: “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển.
 


Các tiểu quốc đảo đang đứng trước mối đe dọa biến đổi khí hậu và nước biển dâng. (Ảnh: UNESCO)

​Thông qua đó, Ngày Môi trường Thế giới cũng hướng tới mục tiêu chung của chủ đề Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về tiểu quốc đảo diễn ra vào tháng 9 tới đây cũng như sự cấp bách phải bảo vệ các hải đảo trước những nguy cơ ngày càng tăng, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

Quốc đảo là nơi lưu giữ các nền văn hóa và các di sản độc đáo, đa dạng; đồng thời cũng là nơi có hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các quốc đảo đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: Hiện tượng biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, tiêu thụ không bền vững, suy thoái tài nguyên thiên nhiên,… và cũng trở thành nạn nhân của hiện tượng gia tăng ô nhiễm và công nhgiệp hóa trên toàn cầu.

Theo UNEP, trong số những nguy cơ mà các quốc đảo phải đối mặt thì biến đổi khí hậu được xem là thách thức hàng đầu. Mặc dù chỉ phát thải ra lượng khí CO2 không quá 1% tổng lượng khí phát thải trên toàn thế giới song các quốc đảo lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo ước tính được Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu đưa ra năm 2007, hiện tượng nóng lên của khí hậu sẽ khiến mực nước biển dâng lên từ 180 – 590mm vào năm 2100. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy những ước tính trên có khả năng tăng lên ít nhất 2 lần.

Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) từng công bố báo cáo khẳng định mực nước biển tăng cao kỷ lục vào tháng 3/2013. Tốc độ mực nước biển dâng hiện tại là 3,2mm/năm, cao gấp đôi con số 1,6mm/năm của thế kỷ 20. Theo WMO, mực nước biển dâng cao khiến các khu vực ven biển dễ bị tổn thương hơn trước sóng lớn do bão gây ra.

Ngày Môi trường Thế giới năm nay được tổ chức tại Barbados, một trong số những nước đang phải đối mặt với mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu. Quốc đảo nhỏ vùng Carribbean này đang đứng trước nhiều thách thức như mực nước biển gia tăng do biến đổi khí hậu và dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Tuy nhiên, Barbados đang dần vượt qua những thách thức đó trong quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế xanh./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.