Nét đẹp truyền thống của người Tày Bắc Hà

Sau những ngày lao động vất vả, người Tày ở các xã: Na Hối, Tà Chải, Bản Liền của huyện Bắc Hà lại nhộn nhịp chuẩn bị cho những ngày hội xuân.
 
Lễ hội xuân là một nét đẹp riêng trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tày trên vùng “cao nguyên trắng”, được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc vốn có từ bao đời nay.
 
Rộn rã đêm hội xòe xuân

Từ thanh niên nam, nữ cho tới các cụ già trong các bản người Tày đều chuẩn bị cho mình những bộ áo, váy đẹp nhất để diện trong đêm hội xòe xuân. Năm nay, nhờ lao động sản xuất thuận lợi, gia đình chị Lùng Thị Hồng, thôn Na Hối Tày, xã Na Hối đã bớt khó khăn hơn, chị Hồng cho biết: Lễ hội mỗi năm tổ chức một lần với nhiều hoạt động vui chơi, ca hát. Trong không khí của mùa xuân, chị đã chuẩn bị cho mình một bộ trang phục đẹp, đặc trưng của dân tộc Tày để cùng chị em trong thôn, xã tham dự lễ hội trong niềm vui tươi của ngày xuân mới.
 

Các cô gái Tày trong điệu múa xòe quạt độc đáo.

Đã thành thông lệ, bắt đầu từ tối Mồng 3 Tết, không ai bảo ai, mọi người đều nô nức kéo nhau đến khu có sân rộng trong xã để tổ chức hội xòe. Hội xòe của người Tày nơi đây rất đặc biệt bởi hội không chỉ được tổ chức trong 1 ngày mà vào tất cả các buổi tối, từ ngày Mùng 3 cho đến hết ngày 13 tháng Giêng. Hội xòe là nơi để người dân được vui chơi, quên đi những vất vả trong lao động thường ngày, nơi các đôi nam, nữ làm quen, tìm hiểu và kết duyên vợ chồng.

Đêm xòe với những vũ điệu độc đáo như xòe đập lúa, xòe chiêng, xòe đôi… mỗi nhịp xòe đều mang một ý nghĩa riêng. Xòe đập lúa, mọi người cùng cầm tay nhau kết lại thành vòng tròn lớn, tạo sự đoàn kết vui vẻ, ấm cúng. Xòe chiêng, tất cả cùng xếp thành hàng vừa đi vừa nhảy những bước rộn ràng. Còn xòe đôi, từng đôi nam, nữ cầm tay nhau bước nhịp nhàng theo điệu nhạc của tiếng trống, tiếng chiêng, tạo nên sự thân mật, gần gũi. Bên cạnh đó, các cô gái trẻ trong bản Tày còn biểu diễn nhiều điệu múa hấp dẫn như điệu múa xòe nón, xòe quạt, xòe kết sao dịu dàng, uyển chuyển để làm duyên.

Trong đêm hội xòe, nét mặt ai cũng tươi cười, hồ hởi, say trong tiếng trống, tiếng chiêng, bị cuốn hút vào vòng xòe, cùng nối rộng vòng xòe xích lại gần nhau, quây quần, vui tươi.

Tưng bừng ngày hội xuống đồng

Kết thúc hội xòe, người Tày các thôn, bản lại cùng nhau họp mặt để chuẩn bị cho lễ hội quan trọng nhất trong năm. Đó là, Lễ hội Xuống đồng (hay Lễ hội Lồng tồng) được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.

Ông Vàng Văn Sương, người được xem là pho sử sống về văn hóa lễ hội của người Tày ở Bắc Hà, cho biết: Tương truyền xưa kia, người dân tộc Tày ở đây sinh sống chủ yếu dự vào sản xuất nông nghiệp, nhưng rồi vào một năm nọ thiên tai xảy ra, tất cả mùa màng đều bị mất trắng. Người dân trong làng đã cùng nhau góp một mâm cơm để cúng thần linh, cầu thiên tai qua mau, mùa màng tốt tươi. Chẳng biết có phải lời cầu xin của dân làng đã linh ứng tới các vị thần hay không, nhưng năm ấy lúa, ngô đều được mùa. Người dân mở hội ăn mừng, trong tiếng chiêng, tiếng trống vang rộn và không khí tưng bừng, náo nhiệt. Thế là hội xòe, hội xuống đồng cùng các làn điệu xòe độc đáo của người Tày ra đời từ đó và trở thành một nét đẹp văn hóa, phản ánh phong tục, tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào Tày nơi đây.
 


Cùng tham gia trò chơi ném còn.

Phần lễ được tổ chức trong không khí nghiêm trang, trước khi vào lễ chính là lễ rước đất, rước nước. Đất được chọn ở những vùng đất màu mỡ, nước được lấy ở mạch nguồn trong mát ở địa phương. Lễ rước đất, rước nước do các chàng trai, cô gái được chọn lựa ở các làng đảm nhiệm, người được chọn là người chăm chỉ, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất tại địa phương. Bên rừng mận Tam hoa nở trắng, mọi người tập trung quanh những mâm lễ cúng là sản vật địa phương do chính bàn tay lao động của đồng bào làm ra dâng lên các vị thần đất, thần nước, báo cáo thành quả sau một năm lao động sản xuất.

Sau hồi làm lễ, người chủ hội sẽ chia đất và nước thành nhiều phần để các làng mang về, đất được rải trên đất nông nghiệp trong làng, nước được đưa về gia đình sử dụng, cầu mong đất mới, nước mới mang lại một năm may mắn, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong làng có sức khỏe.

Phần hội được mở đầu bằng các tiết mục văn nghệ đặc sắc của bà con như múa quạt, múa nón, hát then, nhảy sạp đến những trò chơi dân gian để lấy may như ném còn, ném én, đánh quay, đẩy gậy… Theo lý của người Tày, nếu ai chiến thắng trong các trò chơi thì người đó sẽ là người gặp nhiều may mắn nhất trong năm mới.

Lễ hội Xuống đồng với một không khí vui tươi, phấn khởi, là dịp để người Tày các làng, bản, cùng gặp gỡ trò chuyện, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong lao động, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất nông - lâm nghiệp trong dịp đầu xuân. Sau những ngày hội vui vẻ đầu xuân, người Tày Bắc Hà lại cùng nhau ra đồng ruộng, thi đua lao động sản xuất vụ mùa đầu tiên của năm mới.

Khi những hạt giống mới nảy mầm cũng là lúc người dân trong làng tổ chức lễ cúng thần rừng, thần núi, mong cho mùa màng của nhân dân trong vùng luôn được bảo vệ. Đây cũng là lễ để kết thúc những lễ hội xuân, người dân trong vùng yên tâm tập trung vào lao động sản xuất, hướng tới một năm mới với nhiều thắng lợi./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...