Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế thắp lên hy vọng kinh tế thế giới sẽ bước ra khỏi nguy cơ suy thoái.

Trong những tháng đầu tiên của năm 2024, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã liên tiếp đón các thông tin tích cực. Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố báo cáo cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Xứ cờ hoa trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; lạm phát cơ bản trong quý IV/2023 cũng được Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh giảm xuống còn 2%, từ mức 2,1% được ước tính trước đó. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.

Các nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ khởi sắc là nhờ chi tiêu tiêu dùng (chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế) tăng trưởng ở mức 3,3%, cao hơn mức ước tính 3% của các chuyên gia. Trong báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu kinh doanh cũng được điều chỉnh tăng, phản ánh mức đầu tư cho cơ cấu sản xuất cũng như thương mại và chăm sóc sức khỏe cao hơn so với ước tính trước đây.

Trong những tháng đầu tiên của năm 2024, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã liên tiếp đón các thông tin tích cực.

Giới phân tích nhận định, gần như tất cả các ngành đều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Mỹ quý cuối cùng của năm 2023, trong đó sản xuất hàng hóa không lâu bền dẫn đầu, tiếp theo là thương mại bán lẻ, sản xuất hàng hóa lâu bền, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội… Cùng với sản xuất, kinh doanh khởi sắc, lợi nhuận của các doanh nghiệp tại Mỹ cũng tăng ở mức cao trong quý IV/2023, được thúc đẩy nhờ các tập đoàn phi tài chính. Theo đó, lợi nhuận doanh nghiệp trong quý IV/2023 tăng 133,5 tỷ USD, sau khi đã tăng 108,7 tỷ USD trong quý trước đó.

Trong khi đó, nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc cũng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng, cho thấy "sức khỏe" nền kinh tế được cải thiện và hoạt động sản xuất đang phục hồi tốt.

Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc hôm 31/3, cho biết, PMI khu vực sản xuất trong tháng 3 đạt 50,8 điểm, tăng so với mức 49,1 của tháng 2. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy nền kinh tế phát triển tốt và khi dưới 50 phản ánh sụt giảm trong hoạt động sản xuất. Tín hiệu nêu trên là kết quả từ nỗ lực và quyết tâm phục hồi tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Trung Quốc nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% cho năm 2024.

Trong những tháng gần đây, nước này đã công bố một loạt biện pháp mục tiêu, phát hành trái phiếu chính phủ nhằm tăng chi ngân sách cho cơ sở hạ tầng và phục hồi hoạt động kinh tế. Chỉ số tiêu dùng ở nước này trong tháng 2 đã tăng trở lại, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2023… Ngân hàng Citibank vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay lên 5% từ mức 4,6%. Báo cáo của công ty tư vấn kinh tế China Beige Book nhận định: "Kinh tế Trung Quốc đã sẵn sàng cho một quý đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ".

Tại một nền kinh tế lớn khác của châu Á là Ấn Ðộ, tốc độ tăng trưởng cao vẫn tiếp tục được duy trì. Báo cáo chính thức của Cơ quan Thống kê Ấn Ðộ công bố mới đây cho thấy, trong quý IV/2023, kinh tế Ấn Ðộ đã tăng trưởng 8,4%, vượt xa con số dự báo 7% của Ngân hàng trung ương nước này. Trong quý IV/2023, lĩnh vực sản xuất của Ấn Ðộ dẫn đầu nhóm tăng trưởng với mức tăng hai chữ số, tiếp theo lĩnh vực xây dựng. Hai lĩnh vực này đã góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của quốc gia Nam Á này.

Các nền kinh tế châu Âu dù không thật sự khởi sắc như các "đầu tàu" kinh tế khác, nhưng cũng ghi nhận sự cải thiện về tăng trưởng và lạm phát. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mới đây dự báo GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay sẽ tăng 0,6%, đồng thời, ECB đã giảm dự báo lạm phát trong năm nay từ 2,7% xuống 2,3%. Ðiều này đồng nghĩa với việc ECB có thể đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong năm nay, thay vì vào năm 2025 như dự kiến trước đó.

Những tín hiệu tích cực nêu trên từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khiến bức tranh kinh tế toàn cầu dần sáng hơn và thắp lên triển vọng các nền kinh tế sớm bước ra khỏi thời kỳ đen tối sau cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để kinh tế toàn cầu thật sự "khởi sắc" ngay trong năm 2024 này, các nước trên thế giới cần đoàn kết để sớm ngăn chặn được những "làn gió ngược" từ các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra nghiêm trọng ở Trung Ðông, châu Âu, để bảo đảm không gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, phát triển.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Động lực thúc đẩy sự phát triển của EU

Liên minh châu Âu (EU) vừa nối lại các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Philippines, ký tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện với Ai Cập và khởi động quá trình đàm phán nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với Thụy Sĩ. Mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác với các nước góp...