Những tín hiệu khả quan cho tăng trưởng kinh tế

Năm 2024 có ý nghĩa then chốt trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả giai đoạn 2021-2025, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Thi công dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. (Ảnh: DUY LINH)

Tiếp đà phục hồi từ cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2024 với các chỉ số thống kê trong nhiều ngành, lĩnh vực đều cho thấy đã có sự cải thiện đáng kể.

Nền kinh tế vững vàng vượt khó

Bước sang năm 2024, ngành sản xuất đón nhận tin vui khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu trở lại ngưỡng hơn 50 điểm sau bốn tháng liên tiếp sụt giảm. Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2024 cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt mức 50,3 điểm, tăng so với mức 48,9 điểm của tháng 12/2023. Chỉ số này phản ánh “sức khỏe” của ngành sản xuất đã có sự cải thiện khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Chia sẻ tại hội thảo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 diễn ra mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các doanh nghiệp thành viên bắt đầu có đơn hàng trở lại, dù giá chưa được cải thiện.

Tiếp đà phục hồi từ cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2024 với các chỉ số thống kê trong nhiều ngành, lĩnh vực đều cho thấy đã có sự cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ được kéo dài trong năm 2024 cũng là những yếu tố tích cực hỗ trợ để ngành dệt may đề ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023 và tương đương với kết quả kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành vào năm 2022.

Sự tăng trưởng trở lại của ngành xuất khẩu chủ lực này cũng phản ánh vào không khí tích cực chung của toàn ngành sản xuất công nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước đã tăng ở 60 địa phương và chỉ còn giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Về tình hình đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tháng 1/2024 tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ, vốn thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023.

Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức tăng trưởng gần 38% so với cùng kỳ; xuất siêu 2,92 tỷ USD cũng cho thấy tín hiệu khởi sắc sau thời gian dài doanh nghiệp chật vật vì thiếu đơn hàng. Dự kiến hoạt động đầu tư công năm 2024 cũng sẽ sôi động hơn nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong từng ngành, từng lĩnh vực và trong từng khâu của dự án đầu tư công đều được nhận diện, tìm giải pháp tháo gỡ. Kết quả là trong tháng 1/2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 16.900 tỷ đồng, bằng 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ cả về số tương đối và số tuyệt đối.

Đẩy mạnh cải cách thể chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức: sản xuất công nghiệp chậm phục hồi, doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn ở mức cao. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro thể hiện ở việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “0 đồng” còn nhiều khó khăn; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều vấn đề cần xử lý,…

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội mới nhưng để tận dụng được thời cơ đòi hỏi phải có sự đổi mới, cải cách thể chế mạnh mẽ. Cụ thể là phải xây dựng các cơ chế, chính sách mới, toàn diện trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ... từ bên ngoài và phát huy được sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Đây là những vấn đề lớn đặt ra cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn, trong đó năm 2024 cần được xác định là năm có ý nghĩa then chốt, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực ngay từ đầu năm.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội mới nhưng để tận dụng được thời cơ đòi hỏi phải có sự đổi mới, cải cách thể chế mạnh mẽ.

Theo Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, thể chế chính là nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh phát triển mới. Không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế. Đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng.

Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn,… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ. “Công tác cải cách thể chế kinh tế có những chuyển biến quan trọng, đặc biệt đối với việc hoàn thiện khung chính sách cho kinh tế số, bước đầu hiện thực hóa một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế địa phương,… Nhờ đó, Việt Nam đã xử lý tương đối hiệu quả tác động của các diễn biến trên thị trường thế giới đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn; đồng thời tiếp tục duy trì, củng cố niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, Viện trưởng CIEM nói về bài học thành công năm 2023.

Để đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2024, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng với các yêu cầu sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh.

Những tín hiệu khả quan cho tăng trưởng kinh tế (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ 15/5;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.