Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo nguy cơ giảm phát đối với kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 15/1 đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ kinh tế toàn cầu có thể rơi vào giảm phát do đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn trong năm 2014, bất chấp tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang trên đà phục hồi tích cực.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde.
(Nguồn: THX/TTXVN)
Phát biểu tại một Câu lạc bộ Báo chí quốc gia, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định, sau một thời gian bất ổn, kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu cải thiện tích cực, nhất là trong nửa cuối năm 2013. Xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm nay khi tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển dần lấy lại đà phục hồi sau một thời gian dài suy thoái.

Mặc dù lạc quan về triển vọng kinh tế của năm 2014 song bà Lagarde cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn và "dễ bị tổn thương" do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế năm 2008. Theo người đứng đầu IMF, sau 5 năm phục hồi kể từ "bão" tài chính năm 2008, tăng trưởng toàn cầu vẫn dưới mức 4%/năm khiến các nước phải thực hiện biện pháp kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi tỷ lệ lạm phát liên tục được kiềm chế dưới mức mục tiêu mà các ngân hàng Trung ương đặt ra thì lại làm tăng nguy cơ dẫn tới giảm phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phục hồi kinh tế khi giá cả hàng hóa sụt giảm mạnh khiến nền kinh tế bị đóng băng. Bà Lagarde khẳng định thể chế đa phương này sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế thành viên cũng như trong việc điều phối hoạt động kinh tế chung.

Nhận định về triển vọng kinh tế tại châu Âu, người đứng đầu IMF cho rằng mặc dù đã thoát khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài, song đà phục hồi kinh tế tại khu vực này vẫn chưa ổn định và không đồng đều do một số quốc gia vẫn đang gánh nhiều khoản nợ và tín dụng cao.

Bà Lagarde khuyến cáo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy đà phục hồi, đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn tái diễn khủng hoảng nợ trong tương lai. Với các nền kinh tế mới nổi hàng đầu, trong đó có Trung Quốc, bà Lagarde khuyến cáo các nước cần tăng cường củng cố và thắt chặt các quy định tài chính cũng như chuẩn bị tốt trước những nguy cơ bùng nổ bong bóng tài sản.

Liên quan đến việc Quốc hội Mỹ mới đây đã từ chối phê duyệt ngân sách 63 tỷ USD đóng góp cho IMF trong tài khóa 2014 để triển khai chương trình cải tổ tổng thể, bà Lagarde vẫn bày tỏ hy vọng chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ thuyết phục được Quốc hội thông qua ngân sách cải tổ IMF. Theo bà, điều này sẽ giúp IMF có nguồn lực hỗ trợ các nước chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Những nhận định của Tổng Giám đốc IMF được đưa ra một ngày sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố "Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu" trong đó dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay. Báo cáo của WB cũng cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi các luồng lưu thông vốn quốc tế vẫn chưa ổn định trong bối cảnh các nước thu nhập cao bắt đầu rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế./.

(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.