Lào Cai: Tạo sức bật trong thu hút đầu tư

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, huy động vốn đầu tư phát triển với kỳ vọng tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế vùng biên.

Với đặc điểm địa hình và tiểu vùng khí hậu, Lào Cai có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu. Những năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai nhiều chính sách ưu đãi, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực thu hút đầu tư nhằm tạo xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

10 tháng năm 2023, tổng giá trị xuất, nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu Lào Cai ước đạt 1,76 tỷ USD.

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, như vận hành hiệu quả cao tổ hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi với mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước, nhất là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất - nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước… Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh.

Công tác thu hút đầu tư của tỉnh mang lại hiệu quả với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, như Sun Group, Alphanam, T&T, Geleximco, Bitexco, TNG, CD, Giáo dục Khôi Nguyên, Central Retail Việt Nam, Công ty TNHH Chính xác và công nghiệp Daeji Hàn Quốc, Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty Cổ phần KOSY... Giá trị các dự án mà các nhà đầu tư đăng ký tại tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2020 - 2030 đạt 125.000 tỷ đồng. Các dự án được đăng ký đầu tư tập trung vào các thế mạnh của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu...

Một góc thành phố Lào Cai.

Nắm vững những lợi thế lớn về du lịch, công nghiệp khai khoáng và kinh tế cửa khẩu, chính quyền tỉnh Lào Cai đã nỗ lực trong cải cách thể chế, tăng cường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đạt được một số thành tựu nhất định. Đến nay, tỉnh Lào Cai có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,84 triệu USD; từ đầu nhiệm kỳ, chấp thuận chủ trương đầu tư cho gần 50 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chỉ tính riêng kinh tế vùng biên, Lào Cai có 240 dự án với tổng vốn đăng ký trên 37.000 tỷ đồng đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu 10 tháng năm 2023 ước đạt 1,76 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt gần 772 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hiện có 61 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi với diện tích 72,7 ha, trong đó có 5 trung tâm logistics lớn. Hầu hết các trung tâm này đều hoạt động chuyên nghiệp từ việc vận chuyển, giao hàng thông quan qua cửa khẩu và thanh toán quốc tế. Tại Cửa khẩu quốc tế Kim Thành có từ 450 - 500 doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất, nhập khẩu.

Những động lực trên đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2023 của Lào Cai đạt trên 73.600 tỷ đồng, tăng 8,16% so với năm 2022, xếp thứ 4/14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 3 bậc so với năm 2022), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào Cai năm 2023 vẫn đạt 5,11%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,21% (đạt 100% mục tiêu).

Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã đầu tư xây dựng 3 khu công nghiệp với kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ gồm Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải và Tằng Loỏng, với tổng diện tích theo quy hoạch 1.285 ha, trong đó đất công nghiệp 868,68 ha. Các khu công nghiệp của tỉnh Lào Cai đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư. Đến nay đã cho thuê 661,94 ha, tỷ lệ lấp đầy là 76,2% đất công nghiệp; thu hút 161 dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh với tổng vốn đăng ký 25.637 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), thu nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng/năm.

Trong năm, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều Hội chợ giới thiệu sản phẩm xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm thu hút đầu tư, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hội chợ là cơ hội để giới thiệu sản phẩm của các đơn vị, địa phương, kết nối xúc tiến thương mại các sản phẩm, cũng là cơ hội đẩy mạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu. Thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh và nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài các văn bản quy định của Trung ương, tỉnh Lào Cai có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, cam kết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng mọi ưu đãi mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước. Khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp điện, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, lĩnh vực du lịch; sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, nuôi thủy sản, khai thác chế biến khoáng sản. Hằng năm, tỉnh đều rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân.

Xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực chính, Lào Cai đã chủ động về định hướng, chính sách để khai thác tối đa lợi thế của từng cặp cửa khẩu, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Cùng với đó, kiến nghị Trung ương có những cơ chế đặc thù để có nguồn lực đầu tư hạ tầng vào các cửa khẩu trọng điểm. Song song đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, Lào Cai đang tích cực phối hợp với phía Trung Quốc để tháo những nút thắt, đảm bảo có sự tương đồng về mặt chính sách hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời phát huy vai trò cầu nối đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại địa phương.

Để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực được xác định là “trụ cột” nền kinh tế, trong thời gian tới, Lào Cai lựa chọn hạ tầng giao thông là ưu tiên thu hút đầu tư; ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh để thực hiện theo quy hoạch của Tỉnh và các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa tích cực đối với Lào Cai, vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như: dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông - lâm - thủy sản, du lịch; khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu...

Phối cảnh Cảng Hàng không Sa Pa, công suất 3 triệu khách/năm đang được xây dựng.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào ngành, lĩnh vực then chốt; các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn như các trục giao thông chính tại các đô thị, trục giao thông kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các vùng kinh tế động lực và các tuyến đường kết nối đến Cảng Hàng không Sa Pa, khu kinh tế, khu du lịch và các khu vực có tiềm năng phát triển. Hoàn thành xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cấp 4C, định hướng là Cảng Hàng không quốc tế.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư; đẩy mạnh công tác thực thi quy hoạch, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, công khai hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế đầu tư, thủ tục giao đất, giới thiệu địa điểm, đăng ký kinh doanh một cửa liên thông, bảo đảm thuận lợi và chỉ tập trung tại một đầu mối, đẩy mạnh việc quảng bá về tiềm năng, cơ hội đầu tư tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước…. Đồng thời tập trung nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Thu Hiền

Tin Liên Quan

Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch năm 2024

Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2024.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

Chiều 9/3, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng về một số nội dung hợp tác thuộc phạm vi quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương.

Xuất - nhập khẩu: Chờ đợi sự khởi sắc

Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264% so với năm 2023. Không phải ngẫu nhiên đặt ra mục tiêu như vậy, bởi thực tế đang có nhiều cơ hội và sự khởi sắc đối với hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 12/12, bên lề hội nghị triển khai triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thông báo một tin vui khi Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc chính thức ký Nghị...

Trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Với vị trí “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát huy lợi thế riêng có để phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh khảo sát các cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới

Trong các ngày 22 đến 24/11, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các huyện Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai tổ chức khảo sát các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh.