Lộ trình bảo đảm an ninh lương thực bền vững

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) mới đây công bố lộ trình toàn cầu hướng đến xóa bỏ nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng, phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Trong lộ trình này, thế giới phải vượt qua những cột mốc và thực hiện mục tiêu hành động, nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, coi đây là "chìa khóa" bảo đảm an ninh lương thực bền vững.

Ảnh minh họa.

Tuyên bố với tên gọi "Lộ trình toàn cầu hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) mà không vượt ngưỡng 1,50C" kêu gọi thực hiện những thay đổi mang tính chuyển đổi từ nay đến năm 2030, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu nghiêm trọng và trước thực trạng 600 triệu người đang đối mặt nạn đói kinh niên. Trong ngắn hạn, lộ trình này cam kết đến năm 2030 giảm 25% lượng khí thải methane từ các hệ thống sản xuất thực phẩm nông nghiệp so với mức của năm 2020 và đến năm 2035 đạt mục tiêu trung hòa các-bon. Mục tiêu dài hạn của lộ trình bao gồm chuyển đổi hệ thống nông nghiệp hướng tới trung hòa các-bon vào năm 2050, có khả năng thu giữ 1,5 tỷ tấn khí thải nhà kính mỗi năm.

Đáng chú ý, tuyên bố của FAO cảnh báo việc chuyển đổi hệ thống lương thực và nông nghiệp, vốn rất quan trọng trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và mất an ninh lương thực, đang gặp rủi ro do nguồn tài trợ giảm. Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn tài trợ cho khí hậu đối với chuyển đổi nông nghiệp trong việc duy trì hệ thống thực phẩm bền vững "cho tất cả mọi người trong hôm nay và ngày mai".

Tuyên bố cũng bao gồm những nội dung được đề cập trước đó, trong lộ trình được trình bày tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), trong đó đề ra 120 hành động trong 10 lĩnh vực, như năng lượng sạch, rác thải thực phẩm, dinh dưỡng, chăn nuôi..., nhằm dung hòa hệ thống thực phẩm với khí hậu.

Một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức cao nhất trong 5 năm, với hơn 238 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao và xu hướng này có thể tồi tệ hơn.

Mối liên hệ quan trọng giữa thách thức khí hậu và tình trạng mất an ninh lương thực đã được nêu bật trong báo cáo công bố tại COP28. Một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức cao nhất trong 5 năm, với hơn 238 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao và xu hướng này có thể tồi tệ hơn. Năm 2023, có gần một tỷ người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và hiện có 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính.

Trước những nguy cơ của nạn đói gia tăng do chịu tác động của biến đổi khí hậu, Liên minh châu Phi (AU) và các cơ quan của Liên hợp quốc cùng lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở châu Phi, với gần 282 triệu người cận kề nạn đói, tương đương 20% dân số thế giới. Hơn 1 tỷ người, tương đương 78% dân số châu Phi, không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh, và con số này đang tăng lên. Các hiện tượng thời tiết cực đoan tại các quốc gia dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đã đẩy hơn 27 triệu trẻ em vào nạn đói trong năm ngoái, tăng 135% so với con số năm 2021.

Đáng chú ý, dữ liệu từ hệ thống Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc cho thấy, trẻ em chiếm gần một nửa trong số 57 triệu người lâm vào tình trạng khủng hoảng do mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại 12 quốc gia do các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2022. Trong đó, các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng nặng nhất, với khoảng một nửa trong số 27 triệu trẻ em phải đối mặt với nạn đói là ở Ethiopia và Somalia.

Các số liệu thống kê đáng báo động về tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng cho thấy nhu cầu cấp thiết phải hành động toàn diện. Các nước phải nỗ lực hơn nữa hướng tới mục tiêu thế giới không còn nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2030. Tại COP28, hơn 130 quốc gia đã nhất trí đưa vấn đề lương thực, thực phẩm và nông nghiệp vào kế hoạch hành động khí hậu quốc gia, nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực bền vững.

https://nhandan.vn/lo-trinh-bao-dam-an-ninh-luong-thuc-ben-vung-post787561.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.