Nhìn lại năm 2023: Mở rộng hợp tác, đóng góp thiết thực vì tương lai bền vững

Năm 2023 với Việt Nam là một năm sôi động các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao tới các nước, tiếp đón trọng thị các đoàn khách quốc tế, qua đó tăng cường hợp tác mạnh mẽ, cả song phương lẫn đa phương. Với uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao, Việt Nam thường xuyên đóng góp một cách tích cực, thực chất vào công việc chung, với những thông điệp và sáng kiến được thế giới đón nhận. Được cộng đồng quốc tế tin tưởng giao phó nhiều trọng trách, Việt Nam khẳng định năng lực điều hành và đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực toàn cầu vì tương lai hòa bình, phát triển bền vững.

Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh VĂN HIẾU)

Mở rộng, nâng tầm quan hệ đối tác

Một trong những sự kiện quan trọng khởi đầu năm 2023 sôi động trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam diễn ra đầu tháng 1, với việc Việt Nam và Bahamas thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra chương hợp tác mới trên nhiều phương diện. Chưa đầy một tháng sau, Việt Nam tiếp tục thiết lập quan hệ ngoại giao với Trinidad và Tobago, đánh dấu cột mốc Việt Nam có quan hệ ngoại giao với toàn bộ 35 quốc gia châu Mỹ. Đại diện Trinidad và Tobago khẳng định, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với đất nước Việt Nam tự cường và đối tác tin cậy là mốc son trong chính sách đối ngoại của Trinidad và Tobago.

Tháng 9/2023, quan hệ ngoại giao của Việt Nam tiếp tục được mở rộng, với việc nước ta thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc đảo Thái Bình Dương Tonga, nâng số quốc gia mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao lên 193, qua đó tái khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Không chỉ thiết lập các mối quan hệ mới, Việt Nam tích cực thúc đẩy, nâng tầm quan hệ song phương với nhiều đối tác. Nổi bật trong đó là: Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững; Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới; Việt Nam và Trung Quốc đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới.

Hiện Việt Nam có 18 Đối tác chiến lược trong đó có 6 Đối tác chiến lược toàn diện, cùng 12 Đối tác toàn diện. Trong ASEAN, 5 nước là Đối tác chiến lược và 2 nước là Đối tác toàn diện với Việt Nam. Toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, trong đó có 3 Đối tác chiến lược toàn diện, qua đó tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước.

Thông điệp quan trọng, đóng góp thực chất

Từ khu vực đến toàn cầu, Việt Nam tích cực đóng góp bằng những nỗ lực cụ thể, nêu bật sáng kiến bằng thông điệp lớn tại các cơ chế đa phương. Đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam coi ASEAN là bộ phận quan trọng, không tách rời trong chính sách đối ngoại. Tinh thần đó được Việt Nam thể hiện rõ tại các Hội nghị cấp cao ASEAN trong năm, lan tỏa thông điệp hướng tới khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, cũng như định hướng thiết thực củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng. Một Việt Nam tham gia chủ động, tích cực và đóng góp thực chất, hiệu quả, trách nhiệm được các đối tác đánh giá cao.

Với vai trò và vị thế ngày càng tăng, Việt Nam liên tiếp đón các nguyên thủ, nhà lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế. Tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương, Việt Nam cũng là mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và thế giới, tích cực mang nhiều sáng kiến và thông điệp quan trọng đến các hội nghị toàn cầu về tăng trưởng kinh tế, ứng phó thách thức. Dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hay Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”, Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tuần lễ cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28)..., Việt Nam đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, nhiều ý tưởng, đề xuất Việt Nam đưa ra có giá trị thiết thực, phù hợp, thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, được các bên đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể để giải quyết các thách thức toàn cầu. Kết quả tham gia thực chất, trách nhiệm của Việt Nam đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển.

Ngoài những thông điệp lớn, thực chất, Việt Nam còn mang đến một tinh thần trao đổi cởi mở, góp phần truyền tải mạnh mẽ những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, giúp giới doanh nghiệp hiểu sâu sắc hơn về chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, qua đó tăng niềm tin và đẩy mạnh kinh doanh tại Việt Nam. Thông qua các cuộc gặp song phương, đa phương, Việt Nam có cơ hội củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các bên, tranh thủ sự hỗ trợ và nguồn lực, tạo thêm xung lực và cơ hội phát triển. Các đối tác bày tỏ ấn tượng về Việt Nam, đánh giá Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực, đang phát triển năng động và hội tụ nhiều tiềm năng để đóng góp ngày càng tốt cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.

Dấu ấn từ những trọng trách lớn

Năm 2023 là năm ghi dấu nhiều trọng trách quan trọng của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, là năm bắt đầu nhiệm kỳ 2023-2025 trong vai trò Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam kêu gọi các nước cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng của nhau, cùng đoàn kết, đối thoại và hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu, trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng pháp luật quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, cùng các nguy cơ về an ninh lương thực và nguồn nước... đang thách thức những thành tựu mà nhân loại đạt được trong hàng chục năm qua. Để khẳng định lại những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR), Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA), cùng cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại, ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến kỷ niệm 75 năm UDHR, 30 năm VDPA và được Hội đồng Nhân quyền đồng thuận thông qua. Đây được đánh giá là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền và cộng đồng quốc tế.

Năm 2023 cũng là năm Việt Nam được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (tháng 9/2022-tháng 9/2023). Đảm nhiệm trọng trách tại Liên hợp quốc, Việt Nam tham gia sâu rộng vào quá trình thảo luận, thúc đẩy Đại hội đồng thông qua chương trình nghị sự bao trùm mọi khía cạnh của đời sống quốc tế, tham gia đầy đủ vào quá trình đề xuất, hoạch định những quyết định quan trọng của thế giới. Việt Nam cũng cùng một số nước đề xuất các sáng kiến, giải pháp, như đề cao luật pháp quốc tế, đại dương và luật biển, an ninh nguồn nước, trách nhiệm bảo vệ và phòng ngừa tội ác chống lại nhân loại, tiếp cận công lý bình đẳng, chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao về phòng chống dịch bệnh, bảo hiểm y tế toàn cầu, bệnh lao, cải tổ hoạt động của Đại hội đồng, các nỗ lực về chống biến đổi khí hậu... Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký “Hiệp ước Biển cả”, văn kiện quốc tế đầu tiên điều chỉnh toàn diện việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gien biển ở các vùng biển quốc tế.

Sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đã khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam. Không chỉ những sáng kiến của Việt Nam được đánh giá là kịp thời, đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, mà năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu cũng nhận được sự ủng hộ, tin tưởng. Minh chứng là việc tại Khóa họp lần thứ 42 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam cũng trúng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với 121 phiếu, đứng đầu nhóm châu Á-Thái Bình Dương.

Chia sẻ về thành tựu mới của Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh, với việc lần đầu tham gia cùng lúc 5 cơ chế điều hành quan trọng hàng đầu của UNESCO, Việt Nam có cơ hội tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung và về văn hóa nói riêng, nâng nhận thức về tầm quan trọng của di sản không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội, mà còn là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, việc Việt Nam được tín nhiệm giao nhiều trọng trách quốc tế khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, tham gia vào các tiến trình định hướng chính sách chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa đối ngoại song phương và đối ngoại đa phương. Việc trúng cử với số phiếu cao càng thể hiện sự tin tưởng, ủng hộ của bạn bè quốc tế và uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Năm 2023, hình ảnh quốc kỳ Việt Nam tiếp tục tung bay tại lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cùng những nỗ lực chung tay khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hay tích cực lên tiếng kêu gọi đối thoại, hợp tác tại các điểm nóng toàn cầu khiến bạn bè quốc tế ấn tượng sâu sắc, là lời khẳng định về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng góp sức cùng cộng đồng thế giới đẩy lùi khó khăn. Năm 2024 gõ cửa thế giới với không ít những thử thách phía trước. Việt Nam tiếp tục nỗ lực phát triển năng động, đổi mới, là điểm hẹn của hợp tác và đầu tư, đồng thời chủ động, tích cực đóng góp trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...