"Chắp cánh" cho văn hóa cổ

Với nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân; bảo tồn, giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống của địa phương, những năm qua, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, làm sống động những nét văn hóa cổ của các dân tộc.

Những ngày tháng 8 và tháng 9 vừa qua, đối với các nghệ sỹ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh là những tháng ngày ý nghĩa và cũng không kém phần căng thẳng khi đội ngũ liên tiếp phải luyện tập, biểu diễn cho các sự kiện lớn của tỉnh. Tại Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup Ferroli 2023, đoàn được giao thực hiện các tiết mục văn nghệ biểu diễn tại lễ khai mạc và lễ bế mạc giải. Đây là giải đấu có uy tín trong hệ thống các giải thể thao quốc tế tại Việt Nam. Thêm vào đó, đây là lần đầu tiên giải thể thao có quy mô quốc tế được tổ chức tại mảnh đất biên cương nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn bè trong và ngoài nước.

Xác định được tầm quan trọng đó nên khi được lựa chọn xây dựng các tiết mục văn nghệ tại chương trình, các nghệ sỹ đã có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng từ khâu lên ý tưởng kịch bản, lựa chọn các tiết mục xây dựng chương trình, tập luyện cũng như biểu diễn. Nhiều tiết mục được đề xuất nhưng dựa trên tiêu chí phù hợp với nội dung sự kiện và quảng bá được tối đa vẻ đẹp của đất và người Lào Cai, giới thiệu được bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của quê hương, các đạo diễn, biên đạo đã lựa chọn những tiết mục mang đậm âm hưởng núi rừng Hoàng Liên như Mời anh về Tây Bắc, Lào Cai thành phố trên mây, Lào Cai - Tây Bắc vào xuân… Do giới hạn thời lượng chương trình nên mỗi tiết mục có khoảng thời gian lên sóng không nhiều, nhưng đã là những nét chấm phá về văn hóa, về mảnh đất Lào Cai xinh đẹp. Khán giả đón xem qua truyền hình hoặc xem trực tiếp tại giải đều thể hiện sự yêu thích, ngỡ ngàng và mến mộ với vẻ đẹp ấy.
32.jpg

Cũng trong tháng 9 vừa qua, 2 sự kiện lớn của tỉnh là kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai và 120 năm du lịch Sa Pa được tổ chức thành công với sự đóng góp quan trọng của đội ngũ diễn viên, nghệ sỹ Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh. Thời gian luôn “căng” như dây đàn, các nghệ sỹ đã luyện tập đêm ngày để đem đến chương trình những tiết mục hay nhất. Ca sỹ Đình Phong, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh cho biết: "Được lựa chọn phục vụ chương trình, tôi cùng các anh em nghệ sỹ, diễn viên của đoàn rất tự hào và cũng nhận thấy trọng trách nên luôn nghiêm túc thực hiện mọi nhiệm vụ được giao".

Ngày chương trình biểu diễn giữa đất trời Sa Pa mờ sương, du khách muôn phương đã được thưởng thức bữa tiệc văn hóa nhiều sắc màu, cung bậc cảm xúc với thực cảnh “Vũ điệu dưới trăng”. Đây được xem là sản phẩm du lịch độc đáo, lần đầu tiên được tổ chức tại thị xã Sa Pa để chào mừng mảnh đất du lịch tròn 120 tuổi. Tổng thời lượng của vở diễn kéo dài trong khoảng 40 phút, điểm đặc biệt là không có người dẫn chương trình. Tất cả các mảng nghệ thuật được kết nối nhịp nhàng, khéo léo bằng các phần trình diễn thông qua âm nhạc, hoạt cảnh, nghệ thuật múa, lời ca, tiếng khèn, tiếng đàn... “Vũ điệu dưới trăng” là vũ điệu được dệt nên từ tinh hoa của mây, núi, trở thành nhịp sống diệu kỳ, là những lát cắt nho nhỏ khắc họa nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Sa Pa. Đắm chìm trong không gian văn hóa ấy là hàng trăm nghìn du khách trong nước và quốc tế. Mỗi người đã giữ trọn trong tim hình ảnh về mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó hiểu và thêm yêu mảnh đất Sa Pa xinh đẹp.

42.jpg

Chị Burton Emma, du khách đến từ Australia tâm sự: "Tôi biết đến Việt Nam, biết đến Sa Pa qua các trang quảng bá, xúc tiến du lịch châu Á và được biết đây là vùng đất với khung cảnh thiên nhiên, con người xinh đẹp, mến khách. Những ngày lưu lại, được đến các bản làng, được tham dự chương trình “Vũ điệu dưới trăng”, tôi rất ấn tượng. Mong rằng giá trị văn hóa này sẽ được lưu giữ mãi, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về vùng đất mới".

Không chỉ tại các sự kiện văn hóa, văn nghệ biểu diễn tại tỉnh, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh cũng tích cực đến với bạn bè trong nước và quốc tế thông qua các kỳ hội diễn, giao lưu, các cuộc thi văn hóa, văn nghệ.

Lào Cai có 25 dân tộc anh em, có bản sắc văn hóa đậm đà, phong phú, đa dạng, hình thành và phát triển rất lâu đời. Dựa trên những âm hưởng dân gian đó, các nhà biên đạo, đạo diễn, âm nhạc chuyên nghiệp của tỉnh đã cố gắng khai thác, sưu tầm vốn văn hóa dân gian, tuyển lựa chất liệu đưa vào xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh và hướng về cơ sở. Mỗi dân tộc được khai thác đều có màu sắc và tiếng nói riêng.

Ông Nguyễn Việt Phong, Trưởng Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai ----

22.jpg

Với sự cố gắng, miệt mài, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh đã có nhiều tiết mục sưu tầm, khai thác từ chất liệu dân tộc, được nâng cao và đã đưa vào hội diễn trong khu vực và toàn quốc, giành được nhiều giải cao. Gần đây nhất vào tháng 6/2023, tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc tại Nha Trang, đoàn dự thi với chủ đề “Lào Cai những thanh âm đại ngàn” là những tiết mục xây dựng dựa trên làn điệu dân ca Mông, nghi lễ trong đám cưới của người Dao. Phần thi đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, để lại ấn tượng sâu đậm trong khán giả và giành Huy chương Bạc. “Chúng tôi luôn trau chuốt trong từng bài hát, điệu múa. Đặc biệt, mỗi khi biểu diễn ở các tỉnh bạn, trước khách quốc tế, chúng tôi luôn thể hiện với tâm thế là những “sứ giả” văn hóa địa phương, bởi từ ấn tượng với những điệu múa, giọng hát mang âm hưởng vùng miền, có nhiều du khách hẹn gặp Lào Cai với sự rung động thiết tha”, ông Nguyễn Việt Phong, Trưởng Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh cho biết thêm.

Từ đầu năm đến nay, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh đã xây dựng 10 tiết mục nghệ thuật mới, phần đa tiết mục được xây dựng trên âm hưởng văn hóa dân gian các dân tộc. Đơn vị cũng xây dựng 12 tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững biểu diễn trong các chương trình hướng về cơ sở. Để có chất liệu thực tế, đoàn thực hiện giai đoạn 1 khảo sát, sưu tầm chất liệu dân ca Mông (một số bài hát cổ), dân ca Hà Nhì và đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 xây dựng, phát triển thành các ca khúc biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp… Với trách nhiệm và lòng say mê với nghề, đây chắc chắn tiếp tục là những nhịp cầu đưa văn hóa Lào Cai bay xa hơn.

“Chắp cánh” cho văn hóa cổ truyền | Báo Lào Cai điện tử (baolaocai.vn)

Theo baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...