Thách thức trên tiến trình loại bỏ rác thải nhựa

Các đại diện đến từ 175 quốc gia đang nhóm họp tại Kenya nhằm xây dựng hiệp ước quốc tế đầu tiên về giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đối mặt nhiều khó khăn do những khác biệt về mục tiêu và tham vọng của các nước.

Ảnh: UNEP.

Theo báo cáo vừa được công bố trên tạp chí Global Policies Outlook, tại châu Phi cận Sahara, cứ mỗi phút trôi qua lại có một lượng rác nhựa, đủ để bao phủ một sân bóng đá, được thải ra môi trường một cách công khai.

Số lượng rác thải nhựa ở châu Phi đang vượt quá tầm kiểm soát và tăng nhanh hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Nếu xu hướng này không được ngăn chặn, đến năm 2060, Lục địa Đen sẽ gánh chịu thêm 116 tấn rác thải nhựa mỗi năm, gấp hơn sáu lần so con số 18 tấn năm 2019.

Số lượng rác thải nhựa ở châu Phi đang vượt quá tầm kiểm soát và tăng nhanh hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Nếu xu hướng này không được ngăn chặn, đến năm 2060, Lục địa Đen sẽ gánh chịu thêm 116 tấn rác thải nhựa mỗi năm, gấp hơn sáu lần so con số 18 tấn năm 2019.

Không chỉ tại châu Phi, số lượng rác thải nhựa trên thế giới tăng với tốc độ nhanh chưa từng có những năm qua. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, thế giới hiện sản xuất khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó chưa đến 10% được tái chế, số còn lại bị thải ra môi trường hoặc không được xử lý đúng cách.

Giới chuyên gia khẳng định, không chỉ làm gia tăng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa còn là mối đe dọa trực tiếp đối với môi trường, gây hại cho sức khỏe con người và làm mất cân bằng hệ sinh thái của Trái đất.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hoạt động sản xuất nhựa góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, khi chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019 và có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2060.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2022, hơn 170 quốc gia đã nhất trí đàm phán, xây dựng hiệp ước quốc tế đầu tiên mang tính ràng buộc pháp lý hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa. Thông qua cuộc đàm phán kéo dài suốt tuần này tại Kenya, đại diện các nước thảo luận các điều khoản được đưa vào thỏa thuận quan trọng nêu trên với kỳ vọng hiệp ước sẽ được hoàn tất cuối năm 2024.

Mặc dù các nước đồng thuận về việc cần có một hiệp ước ngăn chặn rác thải nhựa, nhưng vẫn tồn tại những bất đồng về nội dung văn kiện này. Tiến trình đàm phán đang đối mặt nhiều khó khăn do hai luồng ý kiến khác nhau: hạn chế sản xuất nhựa hay quản lý rác thải nhựa.

Liên minh châu Âu (EU) cùng hàng chục quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Canada và Kenya, ủng hộ quan điểm hạn chế sản xuất nhựa. Các nước này kêu gọi đưa vào hiệp ước những điều khoản cứng rắn, theo đó loại bỏ dần hoặc giảm sản xuất, sử dụng nhựa nguyên sinh, vốn có nguồn gốc từ dầu mỏ, đồng thời xóa bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa gây ô nhiễm, như PVC và các loại nhựa chứa các nguyên vật liệu độc hại. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cũng ủng hộ quan điểm này khi cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng hiện nay là hoạt động sản xuất và sử dụng nhựa tràn lan.

Quan điểm cắt giảm sản xuất nhựa nêu trên vấp phải sự phản đối từ các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng như những nhà sản xuất nhựa hàng đầu thế giới. Trong một đề xuất được đưa ra trước cuộc đàm phán lần này, Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, cho rằng nguồn gốc của ô nhiễm nhựa là do rác thải nhựa chưa được quản lý hiệu quả. Vì vậy, thay vì hạn chế sản xuất và sử dụng, hiệp ước cần tập trung vào việc quản lý chất thải, tái chế và tái sử dụng nhựa. Saudi Arabia đã công bố thành lập Liên minh toàn cầu về nhựa bền vững, với các thành viên gồm các quốc gia có ngành công nghiệp hóa dầu lớn, nhằm thúc đẩy hiệp ước tập trung vào xử lý rác thải nhựa thay vì hạn chế sản xuất nhựa. Các nhà phân tích nhận định, khoảng 98% nhựa dùng một lần có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, vì vậy không khó hiểu khi các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới không nhất trí với đề xuất cắt giảm sản lượng nhựa.

Theo kế hoạch, sau vòng đàm phán tại Kenya lần này, hiệp ước về giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa sẽ tiếp tục được thảo luận vào tháng 4/2024 tại Canada và kết thúc tại Hàn Quốc vào cuối năm 2024. Giới chuyên gia kêu gọi các nước sớm giải quyết bất đồng và thống nhất về một hiệp ước hiệu quả, có tính ràng buộc pháp lý trên toàn cầu, qua đó bảo vệ hành tinh trước những nguy cơ từ rác thải nhựa.

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng hòa bình toàn thế giới

Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, lãnh đạo các Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản trên thế giới, các Đảng đối tác, các tổ chức quốc tế đã gửi các điện/thư chia buồn đến Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Bảo vệ giới trẻ trước tác hại của thuốc lá

Thế giới có khoảng 37 triệu trẻ em, từ 13 đến 15 tuổi, hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các chính phủ nhanh chóng hành động để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

Với việc nhiệt độ trung bình thế giới tháng 6 vừa qua đã phá kỷ lục cao nhất mọi thời đại, các nhà khí tượng học cho rằng, năm 2024 sẽ có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử thế giới.

Thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine

Tăng cường khả năng châu Phi tự sản xuất vaccine là chủ đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới, vừa diễn ra ở Paris (Pháp). Để bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vaccine, các hãng dược thực hiện đầy đủ cam kết phân...

Cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn

Gần 120 triệu người trên thế giới phải rời bỏ mái ấm để trốn chạy khỏi các cuộc xung đột, bạo lực... Con số nhức nhối này là hồi chuông cảnh báo và cũng thúc giục cộng đồng quốc tế dang rộng vòng tay đón nhận và hỗ trợ người tị nạn, để tránh những thảm kịch tồi tệ.

Xu hướng tích cực trên thị trường năng lượng

Báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch. Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển...