Quan hệ hợp tác Việt Nam - EU phát triển nhanh chóng

Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990), EU trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư.

Quan hệ Việt Nam - EU phát triển nhanh chóng cả về bề rộng lẫn chiều sâu đã đặt ra yêu cầu xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới, phản ánh được mối quan hệ đối tác đang phát triển mạnh mẽ và xây dựng khuôn khổ pháp lý mới thay thế cho Hiệp định khung Việt Nam - EC năm 1995.

Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng quan hệ song phương, mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt tương xứng, với tiềm năng và vị thế của hai bên, thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và thăm lẫn nhau.

EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20%/năm. Về đầu tư, hầu hết các nước thành viên và các tập đoàn lớn của EU đã đầu tư vào Việt Nam.

Trong vòng 11 năm, từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 5,9 lần từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 24,29 tỷ USD năm 2011 (tăng 36,88% so với năm 2010). Năm 2012, thương mại hai chiều đạt khoảng 28,3 tỷ USD (tăng 16,5% so với năm 2011).

Đặc biệt, năm 2012, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam - EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Việt Nam liên tục xuất siêu sang EU, đặc biệt trong 10 năm gần đây với mức xuất siêu trung bình từ 3-5 tỷ USD/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hoá chất lượng cao, thực phẩm sạch, hàng thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.

Về đầu tư, EU hiện là một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2012, đã có 20 trong tổng số 27 nước EU đầu tư vào Việt Nam, với 1.226 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký trên 18 tỷ USD.

Các dự án của EU được triển khai trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam mà EU có thế mạnh, dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 463 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 4,75 tỷ USD.

Các nước EU đầu tư nhiều nhất theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 850 dự án, tổng vốn đầu tư 6,06 tỷ USD; hình thức liên doanh có 322 dự án với tổng vốn đầu tư là 5,67 tỷ USD; hợp đồng hợp tác kinh doanh có 29 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,1 tỷ USD; hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO có 5 dự án nhưng có quy mô đầu tư trên 3 tỷ USD. Số còn lại là các hình thức khác như công ty cổ phần, công ty mẹ con.

Về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU, tính đến hết tháng 8/2012, Việt Nam có 33 dự án đầu tư sang 10 nước EU (gồm Đức, Ba Lan, Séc, Bỉ, Thụy Điển, Anh, Italia, Pháp, Bulgaria và Hy Lạp), với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 107 triệu USD.

Mốc mới trong quan hệ hợp tác

Hiện EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng ODA cam kết trong giai đoạn 1996 - 2011 là hơn 12 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như: phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, y tế, giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ cải cách hành chính, tư pháp, ngân hàng, tài chính và hội nhập quốc tế.

Tổng cam kết ODA của EU (EC và các nước thành viên) cho Việt Nam đạt 1,01 tỷ USD cho năm 2012, tương đương 13,24% tổng cam kết Viện trợ nước ngoài. Tài trợ không hoàn lại chiếm 32,5% bằng khoảng 324,05 triệu USD.

Sau 9 vòng đàm phán, Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) đã được ký tắt bên lề Hội nghị ASEM-8 tại Bỉ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Barroso. Ngày 27/6/2012, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh đã cùng ký chính thức Hiệp định PCA tại Brusel (Bỉ).

PCA giữa Việt Nam và EU đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hợp tác hai bên, thể hiện những bước phát triển to lớn, sâu rộng của quan hệ Việt Nam - EU trong 20 năm qua, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU bước sang một giai đoạn mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn.

Từ ngày 8-12/10/2012, hai bên đã tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) phiên đầu tiên tại Hà Nội, phiên thứ hai sẽ diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào cuối tháng 1/2013. Dự kiến sẽ có khoảng 4 vòng đàm phán trong năm 2013. Việc ký kết FTA Việt Nam - EU được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như: miễn thuế với ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU, nguồn vốn từ EU vào Việt Nam cũng được thu hút nhiều hơn.

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...