Năm năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 7, Khóa X về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn: Thức dậy những miền quê (Bài 1) - Ánh sáng từ một Nghị quyết chiến lược

Nghị quyết Hội nghị TW 7, Khóa X về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn - được biết đến với tên gọi Nghị quyết Tam nông, là một chủ trương lớn của Đảng, đã thực hiện sâu rộng trên toàn quốc trong 5 năm qua. Nghị quyết như kim chỉ nam, mở đường cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó chủ thể là người nông dân – đổi thay và phát triển với những bước đột phá toàn diện trong xu thế hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự ra đời tất yếu một Nghị quyết mang tính chiến lược

Nghị quyết 26, Hội nghị TW 7, Khóa X ra đời khi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã diễn ra được hơn 20 năm, với nhiều thành tựu căn bản trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, tạo nên bước ngoặt to lớn của đất nước. Trong hơn 20 năm đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta cũng đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn, khi nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả to lớn. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao...

 

 

Sau hơn 20 năm đổi mới, nông thôn nước ta đã đạt nhiều thành tựu, nhưng
 sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún


Tuy nhiên, thực tế trong 20 năm đổi mới cũng cho thấy, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp. Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh sản xuất hàng hoá. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc...

Trước tình hình ấy, Hội nghị lần thứ 7 BCHTW khóa X đã tập trung thống nhất, ban hành Nghị quyết 26- Nghị quyết về Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn, trong có mục tiêu cơ bản là nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững, văn minh, giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...

Những mục tiêu quan trọng và nhiệm vụ mang tính cấp bách

Nghị quyết 26, Hội nghị TW 7, Khóa X khẳng định, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.

 

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân
 là một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết
 


Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng và biển; khai thác tốt các điều kiện thuận lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế cho phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn; phát huy cao nội lực; đồng thời tăng mạnh đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân.

Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đàm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 26, Hội nghị TW 7, Khóa X cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,5 - 4%/năm; sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả; duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần.

 

 

Những con đường như thế này, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, đã
 hầu như chỉ còn trong ký ức


Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thuỷ lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích đất lúa 2 vụ, mở rộng diện tích tưới cho rau màu, cây công nghiệp, cấp thoát nước chủ động cho diện tích nuôi trồng thủy sản, làm muối; đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô tô tới các thôn, bản; xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và hạ tầng nghề cá; cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; đảm bảo cơ bản điều kiện học tập chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn tiến gần tới mức các đô thị trung bình.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xoá đói, giảm nghèo; nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ quan trọng, mấu chốt và căn bản để giải quyết vấn đề Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nhấn mạnh, phải xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn; đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn;phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân.

Chứng minh tính đúng đắn của một nghị quyết

Phong trào xây dựng Nông thôn mới được triển khai với hiện trạng nông thôn cả nước đang phát triển thiếu quy hoạch và tự phát, hầu hết các xã không có quy hoạch dân cư nông thôn, thiếu quy hoạch sản xuất Nông nghiệp - TTCN - Dịch vụ; môi trường ô nhiễm, nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống bị huỷ hoại hoặc mai một; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài. Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, đời sống người dân còn ở mức thấp, thu nhập ở nông thôn năm 2008 chỉ bằng 60% bình quân chung, tỷ lệ hộ nghèo 16.2%; Cả nước có 45,5% thôn bản không có lớp mẫu giáo, 84% không có nhà trẻ, tệ nạn xã hội cao, hủ tục lạc hậu còn dai dẳng. Hệ thống chính trị cơ sở còn yếu, nhất là trình độ, năng lực điều hành, vẫn tồn tại 0,1% công chức xã chưa biết chữ.

Sau khi phong trào Nông thôn mới được phát động, 95,7% số xã đã triển khai quy hoạch Nông thôn mới. Mục tiêu là Phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho nông dân, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình mới, như "cánh đồng mẫu lớn", dồn điền đổi thửa gắn với cơ giới hoá sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao-nông nghiệp đô thị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trong giai đoạn 2009-2013, GDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm, trong đó, nông nghiệp tăng 2,5%, lâm nghiệp tăng 5% và thủy sản tăng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2% (dự kiến năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD).

 

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn - 
mô hình sản xuất hiệu quả đang được nhân rộng


Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ lan rộng cả nước, qua 3 năm thực hiện đã góp phần thay đổi diện mạo, cải thiện điều kiện sống của dân cư nhiều vùng nông thôn. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008. Trong hơn 4 năm, từ năm 2009 đến năm 2013, cả nước đã giải quyết việc làm cho gần 5 triệu lao động nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm so với 2008. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được nhiều địa phương hưởng ứng và nhân rộng ở 43 tỉnh, trên diện tích khoảng 100 ngàn ha trồng lúa. Xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó, có nhiều doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.

Theo Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, 5 năm qua, hạ tầng KT-XH được coi là khâu đột phá và có sự chuyển biến rõ với tổng kinh phí đầu tư là 30.180 tỷ đồng, với trên 9.000 hạng mục công trình, trong đó đã nâng cấp, mở mới khoảng 38 ngàn km đường giao thông; 15 ngàn km kênh mương. Nhiều tỉnh có chính sách, giải pháp sáng tạo, như hỗ trợ vật liệu xây dựng, giao cho cộng đồng tự triển khai. Điển hình như Tuyên Quang, với 1.074 km đường Giao thông nông thôn. Xã Mỹ Bằng, Yên Sơn của Tuyên Quang đã làm mới 100 km đường Giao thông nông thôn trong 2 năm, trong đó nhà nước chỉ hỗ trợ khoảng 40%.

Từ một tỉnh nghèo, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế nông thôn của Phú Thọ đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát triển tương đối toàn diện và liên tục duy trì tăng trưởng khá bình quân tăng 6,08%, năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng - năm 2013 đạt 74 triệu đồng/ha, tăng hơn 26 triệu đồng so với năm 2008. Người dân đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 16,6 triệu đồng/năm, 68% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Giai đoạn 2009 – 2013, tỉnh đã đào tạo nghề cho 68.400 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49%; chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được nâng cao...

Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, đông đồng bào dân tộc thiểu số, Hà Giang đã lồng ghép Nghị quyết Tam nông với các chương trình, dự án khác trên địa bàn của tỉnh như “Phong trào xây dựng nông thôn mới”, chương trình “Dân vận khéo”, mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”… từ đó đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Năm 2008, bình quân lương thực đầu người của Hà Giang đạt 395 kg/người/năm, 5 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông, năm 2013 này, bình quân lương thực đầu người của Hà Giang đã đạt 465 kg/người/năm. Hà Giang đã đẩy mạnh triển khai các mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi giống mới có năng suất và chất lượng cao, kết hợp với đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT, làm thay đổi nhận thức của người nông dân từ nền sản xuất nhỏ manh mún chuyển sang sản xuất tập trung với qui mô lớn. Tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 371.740 tấn năm 2012, tăng 92.119 tấn so với năm 2008; đưa giá trị của sản xuất nông nghiệp tăng dần, tổng thu nhập của ngành Nông nghiệp đạt 5.776,6 tỷ đồng, chiếm 31,98 % cơ cấu kinh tế của tỉnh, tăng 195,8 % so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25,3 %. Hiểu rõ những lợi ích khi thực hiện chủ trương của Đảng, người dân Hà Giang đã đóng góp gần 850 nghìn ngày công để xây dựng trên 270 km đường giao thông nông thôn; mở mới được 325 km đường cấp phối các loại; gần 9,0 km kênh mương; 3.804 chứa bể nước... Hiện 100 % số xã trên địa bàn Hà Giang đã có đường ô tô đến trung tâm các xã.

 

 

   Thực hiện Nghị quyết, nhiều địa phương trên cả nước 
đã chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp, có công đoạn lên tới 100% 


Là một thành phố lớn của cả nước, 5 năm thực hiện Nghị quyết, Thành phố Hồ Chí Minh đạt giá trị sản xuất nông nghiệp 239 triệu đ/ha năm trong năm 2012, tăng 72,5% so với năm 2009. Nông nghiệp - Nông thôn TPHCM đang dần hiện đại một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông, Long An đã thực hiện chính sách hỗ trợ cơ giới hóa theo phương thức hỗ trợ 30 % giá trị máy móc, thiết bị hoặc hỗ trợ lãi suất tiền vay. Kết quả, toàn tỉnh đã có hàng ngàn máy gặt đập liên hợp, máy kéo, máy tuốt lúa... tỷ lệ các các công đoạn được cơ giới hóa, từ làm đất, bơm nước, gieo cấy, thu hoạch tới 100%.

Cho tới nay, tốc độ tăng trưởng khu vực nông-lâm-thủy sản của Long An bình quân đạt 4,5%/năm. Tỉnh đã quy hoạch vùng trồng đay nguyên liệu tập trung; quy hoạch phát triển vùng rau an toàn, vùng lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu vùng Đồng Tháp Mười. Tỉnh đã nghiên cứu, phục tráng giống lúa, nếp truyền thống, chanh không hạt, rau an toàn, thanh long; triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi bò, trâu theo hướng thịt, nhằm khôi phục, cải tiến chất lượng đàn trâu, bò của tỉnh; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ khâu sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm đối với cá rô đồng, cá sặc rằn, cá lóc, cá nàng hai, tôm sú, tôm càng xanh, cá trê vàng...

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 26, Hội nghị TW 7, Khóa X trên cả nước, có thể nhận thấy, mục tiêu đầu tiên, quan trọng nhất đạt được là đã tăng cường nhận thức một cách sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân về vai trò của công cuộc xây dựng nông thôn, vai trò của nông dân trong tiến trình phát triển của đất nước. Nông thôn cả nước đã có bước phát triển mới, tiếp tục nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống của nông dân, góp phần quan trọng duy trì phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở các vùng nông thôn.

Việc triển khai Nghị quyết đã đưa lại nhiều thành tựu, góp phần làm chuyển biến quan trọng bộ mặt nông thôn, nâng cao một bước đời sống người nông dân trên cả nước. Nhiều mô hình mới, nhiều cách làm mới sáng tạo đã xuất hiện, chứng minh hướng đi đúng Nghị quyết đã vạch ra.

(theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ 15/5;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.