Hợp tác Việt Nam và các nước đạt thành quả tích cực

Quan hệ giữa Lào và Việt Nam trong mọi lĩnh vực đang ở mức cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước. Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam Khamjane Vongphosy về hợp tác hai nước thời gian qua.

Trả lời phỏng vấn của TTXVN, Bộ trưởng Khamjane Vongphosy cho biết, Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác sâu rộng trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương tăng dần qua các năm. Việt Nam hiện có hơn 400 dự án FDI tại Lào, trong đó phải kể đến các dự án tại vùng sâu, vùng xa, như cơ sở hạ tầng, giao thông, phúc lợi xã hội, giáo dục và văn hóa, đã góp phần giúp đời sống nhân dân Lào ngày càng tốt đẹp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ Lào tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào.

Hợp tác Việt Nam và các nước đạt thành quả tích cực ảnh 1

Ông Khamjane Vongphosy, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá cao việc kết nối giữa hai nền kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào-Việt Nam cho biết, hai nước đã hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn kết với hội nhập quốc tế; tăng cường sự kết nối giữa hai nền kinh tế, nhất là về thương mại, đầu tư, tài chính, hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch. Chính phủ Lào đang tập trung triển khai kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng như dự án đường sắt Lào-Việt Nam, đường cao tốc Viêng Chăn-Hà Nội, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư kinh doanh giữa hai nước.

Chia sẻ về quan hệ Anh-Việt Nam, Nghị sĩ Mark Garnier, Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về thương mại với Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam-Anh chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Nhận định về triển vọng hợp tác thương mại giữa hai nước, Nghị sĩ Mark Garnier chỉ ra các lĩnh vực Anh có nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam như công nghệ, nông nghiệp, tài chính, dịch vụ, dược phẩm, y tế, giáo dục, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng lưới điện. Việt Nam cũng có nhiều cơ hội giao thương với Anh, như mở rộng xuất khẩu sang Anh các mặt hàng điện thoại di động lắp ráp tại Việt Nam, quần áo, hàng dệt may…

Theo Nghị sĩ Mark Garnier, việc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo thêm cơ hội cho thương mại giữa Anh và Việt Nam, bổ sung cho Hiệp định Thương mại tự do Anh-Việt Nam (UKVFTA). Việt Nam ở vị thế rất mạnh để thu hút các doanh nghiệp Anh đang tìm kiếm địa điểm tại châu Á để khai thác cơ hội từ CPTPP. Nghị sĩ Mark Garnier mong muốn, hai chính phủ tiếp tục hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp hai nước, thiết lập mạng lưới, tạo cơ sở để các doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác. Nghị sĩ Mark Garnier cho rằng, Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự thương mại của Anh, cũng như trong chiến lược của Anh tại ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Dư địa hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sĩ còn rất lớn. Đây là ý kiến chung của các đại biểu tại tọa đàm về hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ giữa hai nước, do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ phối hợp một số cơ quan tổ chức mới đây, tại thành phố Zurich.

Tại tọa đàm, trao đổi về tầm quan trọng của hợp tác và đổi mới công nghệ tài chính trong việc định hình một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, chuyên gia Ngân hàng điện tử Sygnum nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm đổi mới. Chuyên gia của ngân hàng Thụy Sĩ UBS cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển bền vững của Việt Nam thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài.

Đại diện quỹ đầu tư tài chính Bellecapital nhấn mạnh, Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận những bước tiến ngoạn mục. Bellecapital tin rằng, hiện là thời điểm tốt để đầu tư vào Việt Nam, điểm đến được đánh giá ổn định đối với giới đầu tư.

https://nhandan.vn/hop-tac-viet-nam-va-cac-nuoc-dat-thanh-qua-tich-cuc-post771812.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.