Nguy cơ suy thoái phủ bóng đen lên bức tranh kinh tế thế giới

Những số liệu thống kê đến từ các nền kinh tế lớn trên thế giới phản ánh mối lo ngại mạnh mẽ đối với thị trường và nguy cơ suy thoái phủ bóng lên bức tranh kinh tế thế giới. Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và tác động mạnh tới các thị trường.

Ảnh minh họa.

Mặc dù vấn đề trần nợ của Mỹ đã đạt tiến triển khả quan, làm giảm nhiều nguy cơ đối với kinh tế thế giới, song vẫn xuất hiện những yếu tố gây lo ngại cho tăng trưởng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự báo, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ suy thoái nhẹ năm nay, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong trung hạn. Đức đã chính thức bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm hai quý liên tiếp.

Nhiều tháng qua, lạm phát và giá năng lượng tăng cao, nguồn cung tắc nghẽn trong khi cả xuất khẩu và tiêu dùng sụt giảm đã phủ bóng đen lên nền kinh tế Đức và gây ra những biến động khác với quy luật phát triển kinh tế thông thường. Những tác động mọi mặt từ đại dịch Covid-19 rồi cuộc chiến tại Ukraine đang đẩy kinh tế Đức đến bờ vực khủng hoảng. Ngân hàng Trung ương Italia (BoI) cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động lớn đến nền kinh tế nước này và châu Âu, khiến niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm.

Trong báo cáo đánh giá kinh tế năm 2022, Thống đốc BoI Ignazio Visco cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã tác động giá năng lượng, dẫn đến việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất. Theo ông Ignazio Visco, cuộc xung đột Ukraine là bước ngoặt trong quan hệ quốc tế, ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng, lạm phát và thương mại thế giới. Khi lạm phát gia tăng, tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị.

Trong khi đó, tờ Nikkei (Nhật Bản) mới đây đã có bài viết nhận định, do kỳ vọng đối với đà phục hồi kinh tế Trung Quốc suy yếu, giá các loại hàng hóa chủ chốt bao gồm kim loại đồng giảm 20%-30% so với mức cao nhất của năm nay. Đặc biệt, đồng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề như cơ sở hạ tầng, ô-tô, sản phẩm điện gia dụng… nên biến động giá đồng được quan tâm sát sao. Giá đồng giảm mạnh phản ánh mối lo ngại của thị trường đối với sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc vốn chiếm 60% nhu cầu đồng toàn cầu.

Trên thị trường trái phiếu Mỹ, tình trạng bất thường lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ được gọi là “đảo nghịch lợi suất”. Thời gian kéo dài của hiện tượng đảo nghịch lợi suất này được coi là tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế ghi nhận kỷ lục dài nhất trong 42 năm qua. So sánh trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm và trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ sẽ phát hiện rằng, tính đến ngày 26/5, trạng thái đảo nghịch lợi suất đã kéo dài 226 ngày, ghi nhận kỷ lục dài nhất trong 42 năm qua.

Sức mua giảm, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp giảm cũng như tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất nhiều thập kỷ, đặc biệt nền kinh tế Mỹ được dự báo suy giảm, đã tạo ra vòng tuần hoàn kinh tế yếu kém và tác động tới tăng trưởng toàn cầu.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn ba tháng và 10 năm có lúc nới rộng lên -1,9% vào đầu tháng 5. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York dựa trên chênh lệch lãi suất đã tính xác suất suy thoái của Mỹ là 68%, cao hơn so với trước cuộc khủng hoảng Lehman Brothers và bong bóng công nghệ thông tin.

Tình hình vận tải biển với giá cước thấp phản ánh sức tiêu thụ yếu của châu Âu và Mỹ. Theo Sở giao dịch vận tải đường thủy Thượng Hải (Shanghai Shipping Exchange), cước phí vận chuyển hàng giao ngay từ Thượng Hải đến bờ Tây nước Mỹ vào tuần thứ 4 của tháng 5 là 1.398 USD đối với container 40 feet, từ Thượng Hải đến châu Âu là 859 USD đối với container 20 feet, giảm lần lượt 82% và 85% so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp vận tải container nói rằng đây là mức giá không có lãi.

Nguyên nhân vận tải hàng hóa chậm lại là do tồn kho dư thừa tích tụ của ngành bán lẻ ở châu Âu và Mỹ. Chuỗi cung ứng hỗn loạn do đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp bán lẻ phải bảo đảm tồn kho, trong khi tiêu dùng tăng trưởng chậm lại do lạm phát. Tại Trung Quốc, xu hướng nhập khẩu quặng sắt và than đá suy yếu, cung và cầu trọng tải chở hàng chậm lại.

Theo các chuyên gia, dấu hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm đã nhường chỗ cho cảm giác thực tế hơn. Sức mua giảm, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp giảm cũng như tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất nhiều thập kỷ, đặc biệt nền kinh tế Mỹ được dự báo suy giảm, đã tạo ra vòng tuần hoàn kinh tế yếu kém và tác động tới tăng trưởng toàn cầu.

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

“Thỏi nam châm” BRICS

Thêm nhiều quốc gia như Azerbaijan, Malaysia, Thái Lan… mới đây nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Vị thế và sức hút ngày càng gia tăng của nhóm này đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận, nhất là đối với các nước Nam bán cầu, trong bối cảnh Hội nghị thượng...

Bước tiến mới trong chẩn đoán ung thư não

Các nhà khoa học vừa tìm ra phương pháp mới để phát hiện ung thư não nhanh, chính xác và ít tốn kém hơn so với phương pháp thông thường.

Ngành du lịch có thể đóng góp kỷ lục 11.100 tỷ USD vào GDP toàn cầu

Ngành du lịch dự kiến hỗ trợ gần 348 triệu việc làm trong năm 2024; trong khi chi tiêu cho du lịch tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức dự kiến sẽ đóng góp nhiều nhất cho GDP.

Cơ hội nâng cao vị thế của các quốc đảo Thái Bình Dương

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt nhiều thách thức, song cũng sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ vị trí địa chính trị quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Mỹ Latin “kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) mới đây nhận định, nền kinh tế khu vực này vẫn “mắc kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp và sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 1,8% trong năm nay. Cơ hội việc làm kém và biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến mức dự báo thấp này.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vì đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp Cộng hòa Dân chủ Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác. Cộng hòa Dân chủ Congo chính là nơi đầu tiên loại virus này được phát hiện ở người vào năm 1970.